Quảng Trị hiện có trên 3.000ha nuôi trồng thuỷ sản, trong đó có gần 600ha nuôi tôm thẻ chân trắng. Gần đây, cùng với phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng, những giải pháp kỹ thuật tiên tiến cũng ngày càng được chú trọng.
Hiệu quả cao
Năm 2018, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị triển khai mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh hai giai đoạn tại xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh với quy mô 0,3ha.
Để thực hiện mô hình, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiến hành chỉ đạo hộ dân xây dựng 1 ao ương giai đoạn tôm còn nhỏ với diện tích 500m2 và 1 ao nuôi chính có diện tích 2.500m2, mật độ ương 700 con/m2, sử dụng giống tôm thẻ P10. Trong đó, Trung tâm hỗ trợ 100% con giống và 30% thức ăn, tổng giá trị hỗ trợ gần 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, trong suốt quá trình thực hiện mô hình, cán bộ của Trung tâm Khuyến nông trực tiếp hướng dẫn bà con kỹ thuật nuôi, chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh cho tôm.
Quy trình nuôi tôm hai giai đoạn có ưu điểm là hạn chế tối đa dịch bệnh, đảm bảo tôm nuôi sinh trưởng, phát triển tốt, cho giá trị kinh tế cao. Với quy trình này, giai đoạn 1: ương tôm trước khi thả ra ao nuôi. Ao ương với diện tích nhỏ, môi trường nước ao được kiểm soát chặt chẽ, tránh tác động của thời tiết và các yếu tố bên ngoài, nên tôm ít bị dịch bệnh, phát triển khỏe mạnh, tỷ lệ sống cao; công tác xử lý ao cũng tốn ít chi phí hơn. Giai đoạn 2: tôm sau 30 ngày tuổi sẽ đưa qua ao nuôi, lúc này tôm đã vượt qua giai đoạn thường mắc các bệnh nguy hiểm.
Trao đổi với chúng tôi, ThS, Phan Văn Phương, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị, cho biết: “Trong quá trình nuôi tôm hai giai đoạn, quan trọng là phải xây dựng và quản lý ao ương. Trong ao ương phải bố trí hệ thống ôxy, sục khí đảm bảo, nguồn điện phải chủ động. Ao ương phải có mái che bằng lưới lan hoặc bằng tôn và được xây dựng cao triều, để khi san tôm chỉ cần rút ống xả, lúc này môi trường nuôi đã cân bằng từ trước nên tôm dễ thích nghi, hạn chế xây xát tôm nuôi”.
Trước đây, anh Lê Văn Hoài, thôn Tân Hòa, xã Vĩnh Thái, áp dụng quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng một giai đoạn nên rủi ro khá lớn. Sau khi chuyển sang sang quy trình nuôi tôm siêu thâm canh hai giai đoạn, thấy được những hiệu quả thiết thực, anh rất phấn khởi. Anh Hoài cho biết, tuy nuôi theo quy trình hai giai đoạn thì nguồn vốn đầu tư ban đầu lớn, song hiệu quả kinh tế cao hơn.
“Lợi ích thấy rõ là giảm chi phí trong tháng nuôi đầu tiên, vì quản lý được nguồn nước, thức ăn, và các chi phí khác... Nuôi tôm khoảng 90 ngày là thu hoạch, năng suất, sản lượng đều cao, giảm thiểu rủi ro và chi phí. Trong quá trình nuôi, mô hình sử dụng men vi sinh, không dùng hóa chất và kháng sinh để quản lý các yếu tố môi trường, nên chất lượng tôm nuôi đảm bảo. Thời gian tới, tôi sẽ mở rộng diện tích nuôi theo quy trình này”, anh Hoài nói.
Nuôi tôm chân trắng thâm canh hai giai đoạn là mô hình đầu tư khép kín. Nhờ áp dụng công nghệ vi sinh nên có thể nuôi tôm với mật độ dày hơn, quản lý được thức ăn và môi trường nuôi. Vì vậy, đã nâng cao tỷ lệ tôm sống, tạo điều kiện tăng năng suất, sản lượng trên một đơn vị diện tích và đặc biệt là thuận lợi cho việc xử lý chất thải trong vụ nuôi. Kết quả, sau 3 tháng nuôi, tỷ lệ sống đạt trên 84%, trọng lượng bình quân 70 con/kg, trừ chi phí, lợi nhuận trên 280 triệu đồng/ha.
Phát triển thủy sản bền vững
Theo ông Ngô Thế Thanh, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái: “Được sự quan tâm của Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình nuôi tôm hai giai đoạn, bước đầu chúng tôi đánh giá đây là mô hình đem lại hiệu quả cao và sẽ đưa vào trong nghị quyết của UBND xã. Đồng thời vận động các hội, đoàn thể tuyên truyền đến nhân dân, để những hộ có điều kiện tiếp tục nhân rộng mô hình. Thời gian tới, xã sẽ có chương trình hỗ trợ, động viên và tạo điều kiện để các hộ nuôi tôm trên địa bàn áp dụng quy trình nuôi mới, qua đó phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững”.
Trong điều kiện con tôm đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức về tình hình dịch bệnh, thị trường tiêu thụ, để rút ngắn thời gian nuôi, nâng cao mật độ, năng suất, sản lượng, giảm thiểu rủi ro và chi phí thì việc áp dụng quy trình mới, thâm canh hai giai đoạn sẽ tạo ra sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm, giúp nông dân chuyển đổi sản xuất nông nghiệp hiệu quả, góp phần tăng thu nhập và làm giàu.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.