Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 15 tháng 7 năm 2021 | 16:14

Mở rộng thị trường cao cấp: Cần đột phá và sáng tạo hơn

Trong nửa đầu năm 2021 này, mặc dù đại dịch Covid-19 diễn biến nhanh, trên diện rộng, phức tạp, khó lường nhưng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, đồ gỗ vẫn thu được kết quả ấn tượng với mức tăng trên 28%, đạt kim ngạch 24,23 tỷ USD, vượt mục tiêu đề ra.

02.jpg
Trung Quốc là thị trường chiếm tới 26% thị phần rau quả xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh: Công Hân

 

Dù khó khăn nhưng xuất khẩu rau quả vẫn tăng trưởng ngoạn mục. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê 6 tháng đầu năm 2021, tổng giá trị xuất khẩu rau quả đạt trên 2,063 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2020, xuất siêu 1,3 tỉ USD.

Báo cáo cho biết: Tuy Trung Quốc vẫn là thị trường lớn (chiếm 62% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu trái cây) nhưng các thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Australia,… cũng tăng trưởng mạnh mẽ, trong đó Hoa Kỳ tăng tới 132%, Nhật Bản tăng 109%,…

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ, dù có mức tăng trưởng khá nhưng trái cây Việt còn chiếm thị phần khiêm tốn với số chủng loại trái cây chưa nhiều trong khi đây là những thị trường có sức tiêu thụ nông sản nhiệt đới, nhất là trái cây rất cao.  

Thực tế cho thấy, vài năm gần đây, xuất khẩu trái cây của chúng ta đã từng bước chinh phục những thị trường khó tính, như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Singapore,…  Tại Nhật Bản, vải thiều Việt Nam được bày bán tại hơn 300 quầy kệ siêu thị, giá bán 350.000 đồng/kg. Lô hàng vải thiều đầu tiên sang Nhật đã “cháy hàng” sau vài giờ mở bán. Quả vải Việt Nam cũng có giá cao trên thị trường khó tính ở châu Âu, tính ra tiền Việt, giá 1kg vải thiều tại Pháp, Đức, Hà Lan có giá 500.000 đồng. Hay 1kg nhãn Sơn La tại Anh có giá 12 Bảng (gần 390.000 đồng Việt Nam)…

Việc tiếp cận thành công những thị trường cao cấp này vừa nâng tầm vị thế trái cây Việt, vừa đa dạng hóa thị trường, dần giải bài toán “không bỏ trứng vào một giỏ”.

Thành công đó trước hết là sự chủ động tích cực của cả chính quyền, ngành chức năng, doanh nghiệp và nhà vườn từ sản xuất an toàn, xây dựng mã số vùng trồng, tổ chức liên kết theo chuỗi đến tổ chức mạng lưới tiêu thụ, nhất là khai thác lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.

Thứ hai, chúng ta đã chủ động khai thác tiện ích từ thương mại điện tử. Tại thị trường nội địa, nhiều mặt hàng nông sản tham gia các sàn thương mại điện tử uy tín như: Alibaba, Amazon, Sendo, Voso, Shopee, Postmart,... tăng trưởng rất nhanh. Sau vải thiều, nhiều địa phương đang đẩy mạnh việc đưa nông sản lên sàn để tránh tình trạng ùn ứ khi thu hoạch chính vụ. Đã có nông sản Việt lên sàn thương mại điện tử quốc tế, như vải thiều, thanh long,…

Thứ ba, chất lượng nông sản Việt với người tiêu dùng nước ngoài được khẳng định thông qua tem truy xuất nguồn gốc. Đây vừa là vấn đề minh bạch thông tin vừa là việc chúng ta thỏa mãn yêu cầu của người tiêu dùng, yêu cầu tối quan trọng của thị trường nông sản thực phẩm hiện nay.

Thứ tư, trong những năm gần đây, đặc biệt là từ khi đại dịch Covid-19 gây đứt gãy chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp của ta đã có nhiều tiến bộ trong nâng cao năng lực, đáp ứng ngày càng tốt hơn các quy định về hàng hóa nông sản, thực phẩm của các thị trường nhập khẩu.

Thứ năm, không chỉ thỏa mãn các yêu cầu về xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm, người sản xuất và các doanh nghiệp Việt đã chủ động thích ứng yếu tố trách nhiệm xã hội (trách nhiệm với môi trường, quyền lợi của người lao động, việc sử dụng lao động,…) thỏa mãn yêu cầu các đối tác. Đây là điều kiện mới mà các nhà nhập khẩu đặt ra.

Tuy vậy, những thách thức đối với thực hiện mục tiêu trước mắt (năm nay xuất khẩu nông sản đạt khoảng 45 tỷ USD, cao hơn chỉ tiêu 3 tỷ USD) và vào TOP 10 thế giới trong 5 đến 10 năm nữa là không hề nhỏ. Đặc biệt là ba nhóm vấn đề. Một là, do sản xuất ở quy mô hộ nên quy hoạch, kế hoạch sản xuất thường bị phá vỡ, dẫn đến cung vượt cầu. Hai là, việc liên kết theo chuỗi trong sản xuất và tiêu thụ còn chưa chặt chẽ khiến sản xuất chưa theo thị trường. Ba là, việc khai thác các FTA còn thiếu sự chủ động và sáng tạo.

Để tạo đà cho những tháng cuối năm và các năm tiếp theo, mong rằng các bộ ngành, địa phương thực hiện tốt 9 nhiệm vụ, nhóm giải pháp chủ yếu mà Nghị quyết 63 của Chính phủ mới ban hành với những quyết sách đột phá và sáng tạo hơn. Nhất là hai nhóm nhiệm vụ: Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách hành chính, chuyển đổi số; và rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách.

Nhưng trước mắt, mọi người cần nghiêm túc thực hiện các quy định về phòng chống dịch để cùng nhau ngăn chặn và đẩy lùi Covid-19.

 

Thanh Hiền
Ý kiến bạn đọc
Top