Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 4 tháng 6 năm 2022 | 8:59

Mong đợi của cử tri được đáp ứng

Qua hơn 10 ngày hoạt động của Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khóa XV (khai mạc sáng 23/5/2022), bạn đọc của Kinh tế nông thôn cho biết, Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội đã thể hiện rất rõ sự gắn bó với cử tri, nhân đân, đã đưa hơi thở cuộc sống vào nghị trường

Qua hơn 10 ngày hoạt động của Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khóa XV (khai mạc sáng 23/5/2022), bạn đọc của Kinh tế nông thôn cho biết, Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội đã thể hiện rất rõ sự gắn bó với cử tri, nhân đân, đã đưa hơi thở cuộc sống vào nghị trường Quốc hội, thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân; Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội đã thể hiện rất rõ vai trò là cơ quan quyền lực cao nhất trong xây dựng luật, thực hiện quyền giám sát tối cao (việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành  từ 1/1/2019 đến nay; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021), thảo luận đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2021 và những tháng đầu năm 2022... Bạn đọc Kinh tế nông thôn đánh giá cao sự kiên quyết, quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phòng, chống dịch bệnh, xử lý các hành vi thao túng thị trường chứng khoán, đất đai, mua sắm trang thiết bị y tế,…

z3464866484237_aad6dacfad9aeea161fbb4fed525fa06.jpg
Toàn cảnh hội trường Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

 

Theo ghi nhận của bạn đọc Kinh tế nông thôn, các vị đại biểu tham gia thảo luận đều đánh giá cao kết quả đạt được của đất nước trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 về mọi phương diện, nhất là phòng, chống dịch Covid-19, phục hồi kinh tế, ổn định đời sống nhân dân… và nhất trí nhận định, có được kết quả đó là do sự vào cuộc chủ động, từ sớm, từ xa của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp.

Đồng thời, các vị đại biểu cũng chỉ rõ những tồn tại, lỗ hổng trong cơ chế, trong phân cấp, phân quyền, trách nhiệm của người đứng đầu, sự thiếu đồng bộ giữa trung ương với địa phương, giữa các bộ ngành, địa phương trong nhiều lĩnh vực. Sự chậm trễ trong triển khai thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội về Chương trình phục hồi kinh tế hai năm 2022 – 2023, ba chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi), giải ngân vốn đầu tư công, giải phóng mặt bằng các dự án giao thông lớn… Vấn đề kiềm chế giá xăng dầu, giá vật tư đầu vào của nền kinh tế nói chung, sản xuất nông nghiệp nói riêng, hỗ trợ người nghèo, người lao động… Vấn đề công tác nghiên cứu khoa học chưa nghiêm, an toàn hồ đập chứa nước, tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động, giá sách giáo khoa, bảo tồn di sản văn hóa, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đấu giá đất, môn Sử trong trường trung học phổ thông, phát triển năng lượng sạch, công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em, khôi phục và phát triển kinh tế du lịch, tái cơ cấu nông nghiệp,… được nhiều đại biểu đề cập và phân tích sâu.

Không chỉ nêu kết quả đạt được, chỉ rõ những bất cập, nhiều đại biểu còn hiến kế, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế để không trễ nhịp, lệch nhịp phục hồi với kinh tế thế giới. Theo đó, nhiều đại biểu cho rằng, cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng và thực hiện quy hoạch. Đẩy mạnh triển khai chương trình phục hồi kinh tế một cách đồng bộ nhưng phải chú ý tới các giải pháp kìm giá, nhất là giá xăng dầu và tập trung tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục hành chính… Nên tách giải phóng mặt bằng ra khỏi các dự án để thúc đẩy nhanh việc thực hiện dự án.

Để tăng năng lực cho nền kinh tế, nhiều đại biểu cho rằng, phải nâng cao sức sống cho doanh nghiệp vì doanh nghiệp là động lực chính trong phục hồi kinh tế. Theo đó, không ít đại biểu cho rằng, để  giải quyết được vấn đề này, cần kiểm soát tốt nguồn cung, đầu vào của hoạt động sản xuất - tiêu dùng nhằm giảm chi phí trong sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp khơi thông nguồn nguyên liệu nhập khẩu, tháo gỡ khó khăn về logistics. Một số đại biểu cho rằng, giảm thuế, phí cho doanh nghiệp và người dân cần được coi là đầu tư cho người dân và doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng, đẩy nhanh phục hồi kinh tế.

Dù Kỳ họp thứ ba mới qua hơn 10 ngày làm việc nhưng cử tri và nhân dân đánh gia cao quyết tâm đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội khóa XV. Nhân dân và cử tri mong Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục đổi mới hơn nữa trong hoạt động, gắn bó mật thiết hơn với nhân dân, với cử tri để đưa cuộc sống vào các hoạt động của Quốc hội, để những luật định, các giải pháp Quốc hội thông qua nhanh chóng vào cuộc sống, để đất nước phục hồi mạnh mẽ hơn, nhanh hơn, bền vững hơn.

 

 

Hiền Anh
Ý kiến bạn đọc
Top