Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 26 tháng 5 năm 2021 | 15:54

Mong lưu thông thông suốt

Mặc dù đã chủ động với nhiều kịch bản nhằm gỡ khó cho bà con nhà vườn, hợp tác xã và doanh nghiệp trồng, kinh doanh vải thiều trên địa bàn trong tiêu thụ sản phẩm đặc sản nổi tiếng này nhanh chóng, thuận lợi và được giá cao nhất...

t2.jpg
Cơ sở thu mua vải thiều Cương Hoài, xã Phượng Sơn (Lục Ngạn, Bắc Giang) mỗi ngày thu mua khoảng 50 tấn quả vải tươi.

 

Mặc dù đã chủ động với nhiều kịch bản nhằm gỡ khó cho bà con nhà vườn, hợp tác xã và doanh nghiệp trồng, kinh doanh vải thiều trên địa bàn trong tiêu thụ sản phẩm đặc sản nổi tiếng này nhanh chóng, thuận lợi và được giá cao nhất nhưng trước diễn biến phức tạp và khó lường của đại dịch Covid-19 trên địa bàn, lo ngại tái diễn tình trạng tắc nghẽn lưu thông như ở Hải Dương hồi đầu năm, UBND tỉnh Bắc Giang đã gấp rút báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho phép các xe vận chuyển các sản phẩm nông sản của Bắc Giang được lưu thông, tiêu thụ trên địa bàn; giúp đỡ các thủ tục liên quan đến việc thông thương hàng hóa qua các cửa khẩu được thuận lợi và nhanh chóng.

Tại sao Bắc Giang phải làm vậy?

Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết: “Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, hiện các phương tiện vận tải chở nông sản, hàng thiết yếu và nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh từ Bắc Giang đến các tỉnh, thành phố đều bị các chốt kiểm soát chặn lại, không cho lưu thông. Ngược lại, các phương tiện vận tải của các tỉnh, thành phố vận chuyển hàng hóa đến Bắc Giang khi trở về địa phương lái xe đều phải đi cách ly tập trung 21 ngày. Vì vậy, tỉnh Bắc Giang đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản, cung cấp, bảo đảm hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân và nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất tại các nhà máy, doanh nghiệp”.

Trong hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, sản xuất nông nghiệp nước ta đã tạo nên những dấu ấn đặc biệt cả về chất, lượng và địa bàn phủ sóng (nông sản Việt đã có mặt tại 180 quốc gia và vùng lãnh thổ). Việt Nam ta vươn lên mạnh mẽ, đứng thứ 17 thế giới về xuất khẩu nông sản, nhiều mặt hàng nông sản của ta luôn thuộc nhóm đứng đầu, đem lại giá trị không nhỏ.

Mặc dù được cải thiện nhiều nhưng lưu thông và tiêu thụ hàng hoá nông sản của nước ta đang gặp phải những khó khăn. Nguyên nhân có nhiều, trong đó  có việc hệ thống kho bãi, cảng, đường giao thông chưa đủ lớn, thiếu đồng bộ khiến giá thiếu cạnh tranh.

Ai cũng biết lưu thông có vai trò quyết định trong tiêu thụ hàng hóa nói chung, nông sản nói riêng.Tuy chỉ là khâu trung gian trong mối quan hệ giữa người sản xuất (nông dân) và người tiêu dùng sản phẩm nói chung, sản phẩm nông nghiệp nói riêng nhưng nó lại giúp tạo thêm giá trị gia tăng, nâng cao chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của hàng nông sản.

Trong tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và khó lường trên toàn thế giới cũng như trong nước, lưu thông hàng hóa, trong đó có nông sản gặp những trở ngại không nhỏ do nhiều nước thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội. Thêm nữa, do chuỗi cung ứng đứt gãy khiến thiếu công-ten-nơ rỗng, thiếu nhân công thực hiện giám sát kiểm tra chất lượng sản phẩm khiến nông sản chậm được thông quan, bị ứ đọng, giảm chất lượng, tăng chi phí,…

Và ngay trong nước, với tư duy an toàn dịch bệnh cho địa phương mình, một số địa phương đã không cho phương tiện vận tải hàng hóa của địa phương có dịch đi qua khiến lưu thông bị đứt gãy. Điều này đã xảy ra đối với nông sản, hàng hóa của Hải Dương hồi tháng 2/2021 vừa qua.

Hiện, nhiều loại nông sản chủ lực của nhiều địa phương, nhất là ở phía Bắc, như: vải ở Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang,… nhãn ở Hưng Yên, Sơn La,… đang vào vụ thu hoạch rộ nhưng tình hình dịch bệnh rất phức tạp ,vậy nên rất cần sự thống nhất hành động để vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh, vừa đảm bảo lưu thông và thông quan hàng hóa nhanh nhất.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã cam kết, những sản phẩm của tỉnh chuyển đi tiêu thụ đảm bảo an toàn dịch bệnh (có giấy chứng nhận: xe vận chuyển được khử khuẩn, lái xe và người giao hàng được xét nghiệm an toàn, khỏe mạnh…).

Vụ vải 2020, Bắc Giang đã thắng lợi kép, vừa được mùa, được giá, vừa mở rộng thị trường nhưng năm 2021 này, Bắc Giang có tiếp tục thắng lợi không  lại phụ thuộc vào sự phối hợp đồng bộ, thống nhất trong lưu thông từ Bắc Giang đi các địa phương trong cả nước và  kiểm dịch, thông quan tại các cửa khẩu đối với lô hàng xuất khẩu.

Mong rằng các bộ Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, ngành Hải quan, cùng các địa phương sớm có hướng dẫn thống nhất để các loại hàng hóa nói chung, vải thiều của Bắc Giang nói riêng được lưu thông thông suốt.

 

 

Hiền Anh
Ý kiến bạn đọc
Top