Sở hữu trang trại nuôi heo rừng lai với nguồn thu nhập ổn định, anh Lê Văn Hoàng (43 tuổi), dân tộc Cơ Tu, trú thôn Phú Túc, xã Hoà Phú (Hoà Vang - TP. Đà Nẵng) đã mạnh dạn kết hợp đầu tư làm du lịch sinh thái.
Với những nét độc đáo, hấp dẫn, đậm nét dân dã, bình dị với nhiều cây xanh, hoa trái nằm gần QL14G, Khu trang trại du lịch sinh thái của anh Hoàng thu hút nhiều khách tham quan.
Thu lãi gần 200 triệu đồng/năm từ nuôi heo lai rừng
Tiếp chúng tôi, anh Lê Văn Hoàng cho biết, từ khi còn là thanh niên, anh đã mạnh dạn lập vườn ươm cây giống trồng rừng như keo lá tràm bán cho bà con trong khu vực và trồng trên diện tích rừng nhà mình. Năm 2015, khi làm việc tại UBND xã Hòa Phú thì thấy phong trào nuôi heo rừng lai trở nên rầm rộ, anh thích thú nên cũng nuôi chơi 4 con xem thế nào. “Sau một thời gian nuôi thử, thấy heo rừng lai dễ nuôi, lại cho giá trị kinh tế cao, thị trường rất ưa chuộng nên tôi quyết định xin nghỉ việc ở UBND xã về đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi heo rừng lai”, Hoàng bộc bạch.
Hoàng cho biết thêm, những năm qua, anh đã vay mượn khoảng 1,5 tỷ đồng để đầu tư, xây dựng nơi đây thành trang trại kết hợp với du lịch có cảnh quan sống động với nhiều loại hình: đá, hoa, cây ăn quả…, trở thành nơi giao lưu, gặp gỡ lý tưởng của những người yêu rừng, yêu cảnh trí thiên nhiên và gắn bó với rừng.
Trang trại rộng khoảng 1ha, trồng hàng ngàn cây các loại như dừa xiêm, mít Thái, sầu riêng, chuối tiêu, tre lấy măng, một số cây bắt đầu cho thu hoạch…; đào khoảng 100m2 ao nuôi cá và xây khoảng 200m2 chuồng trại nuôi heo rừng lai; xây dựng nhà giao tiếp cho khách đến mua heo rừng; xây dựng nhà tránh bão; xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải chăn nuôi, giúp bảo vê môi trường… Ngoài ra, một việc làm rất có ý nghĩa là, anh đã góp phần phục hồi văn hóa phi vật thể của đồng bào Cơ Tu bằng việc mua sắm, phục chế các nhạc cụ truyền thống của đồng bào cũng như xây dựng nhà Moong (không gian văn hóa của người Cơ Tu) trong trang trại.
Hoàng hiện có 2 trang trại nuôi heo tại thôn Phú Túc và huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam). Mỗi trang trại rộng 10.000m2, trong đó chuồng nuôi khoảng 200m2, không gian còn lại là vườn cỏ tự nhiên để heo vận động, ủi đất tự tìm kiếm thức ăn. Bên cạnh đó, còn có vườn rau lang trồng cho heo ăn, đầm nước để heo tắm khi vào mùa nắng nóng, cổng lưới rào kiên cố. Năm 2019, Hoàng xây hầm biôgas gần 30m3 để xử lý chất thải, đảm bảo an toàn chăn nuôi và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Hoàng cho biết: Thức ăn cho heo rừng lai rất đơn giản, chỉ có rau lang, củ quả, cây chuối băm, hèm bia, cám gạo, rau rừng, lá rừng… Một ngày tôi chỉ cho ăn một lần, rồi thả heo ra vườn để nó tự kiếm thức ăn ngoài tự nhiên nên heo rừng lai chậm lớn hơn heo thông thường, trung bình nuôi 7 tháng đạt khoảng 30kg mới xuất bán. Heo con mới tập ăn, cho ăn thêm 30% bột sắn, bắp (ngô), lúa… Là giống heo lai rừng nên nuôi cũng không khó vì heo tạp ăn, heo tự tắm và lót ổ khi đẻ, có sức đề kháng cao, ít bệnh tật, trung bình mỗi năm đẻ 2 lứa, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy vậy, để đem lại hiệu quả cao hơn, tôi tiêm phòng vắc xin định kỳ để phòng chống các bệnh truyền nhiễm, theo sự quản lý, chỉ đạo của ngành chức năng. Thịt heo rừng lai săn chắc, nhiều nạc nhưng mềm, ít mỡ, da dày, giòn, có giá trị dinh dưỡng cao nên được thị trường ưa chuộng. Chính vì thế, giá bán heo rừng lai cao, 220.000-250.000 đồng/kg heo hơi. Còn heo con khoảng 3 triệu đồng/con (10kg). Heo con được sinh sản bởi bố là heo rừng và mẹ là heo đen của bản.
Hiện nay, tổng đàn heo rừng lai của anh Hoàng là 200 con, trong đó có khoảng 15 con heo nái. Anh xuất bán heo không theo lứa, mà khi nào heo đạt trọng lượng chuẩn thì bán. Trung bình mỗi năm trang trại xuất bán 3 lần, khoảng 500 con heo thịt và heo giống. Ngoài việc bán heo hơi và heo con cho khách, anh Hoàng còn nhận làm thịt sẵn theo yêu cầu, chủ yếu cung cấp nguồn thịt chất lượng cho các khu du lịch, nhà hàng trên địa bàn TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Anh thu lãi gần 200 triệu đồng/năm từ nuôi heo rừng lai và “lấy ngắn nuôi dài” đầu tư trồng cây, xây dựng trang trại du lịch...
Điểm du lịch độc đáo, hấp dẫn
Thời gian qua, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, du lịch mở cửa trở lại, vào ngày lễ, cuối tuần, du khách đến đây ngắm cảnh, dạo chơi, câu cá trong ao, đốt lửa trại, nghỉ qua đêm, nghỉ ngơi trong nhà rường xứ Quảng, nhà Moong dân tộc Cơ Tu… để tận hưởng cái mênh mông, hư ảo của rừng đêm tĩnh mịch, cùng nhiều món ăn đặc sản ngon lành được chế biến từ heo rừng lai, cá liên (niên), lươn, gà rừng, măng trộn, cá rô phi nướng lá lốt… Khách tham quan muốn thưởng thức con heo “lai rừng” nào, thì “chỉ” con heo đó, có thể cùng tham gia bẫy, nhử, bắt heo. Có nhóm tự đốt lửa cạo lông. Chính cạo lông kiểu này thì thịt sẽ thơm ngon hơn cách cạo lông thông thường (dùng nước sôi). Sau đó, khách muốn nấu món gì thì tuỳ thích, hoặc có thể trực tiếp “chế biến”. Có nhóm, sau khi cạo lông sạch sẽ, lấy ruột ra, người ta độn vào ruột các loại lá rừng thơm như: Thiên niên kiện, lá lốt, rau sưng… và “xỏ” cây theo chiều dài con heo mà nướng… Da heo lai rừng đã chín vàng rộm như da heo quay. Mỗi người cầm một con dao, muốn ăn chỗ nào thì cứ xẻo, chấm với muối tiêu chanh ớt. Da heo giòn tan, ngọt ngào, thơm lừng nơi cửa miệng. Uống vài ống rượu cần Phú Túc, thấy mình say nồng trong không gian tĩnh mịch, mênh mông, sương khói bồng bềnh, dưới trăng mờ miền sơn cước.
Được biết, thôn Phú Túc có gần 90% người đồng bào Cơ Tu đang sinh sống. Thời gian qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương và các ngành chức năng về giống cây ăn quả, con vật nuôi (heo, gà), tập huấn kỹ thuật, cây gỗ lớn, trồng rừng, mô hình rượu cần, nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ sản xuất. Nhờ đó, nhiều hộ người đồng bào dân tộc thiểu số đã vươn lên làm giàu như hộ các anh Lê Văn Hoàng, Lê Văn Nghĩa, Nguyễn Văn Lớ…
Ông Huỳnh Văn Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Phú, cho hay, đây là “mô hình VACRD” (vườn - ao - chuồng - rừng - du lịch) mới ở giai đoạn thể nghiệm, nhưng xem ra có nhiều triển vọng vì nuôi heo rừng ít tốn công chăm sóc, heo sống trong môi trường thiên nhiên trong lành, sức đề kháng cao nên ít bệnh tật, sức tiêu thụ lớn, nguồn cung chưa đáp ứng nhu cầu. Trang trại du lịch sinh thái kết hợp với nuôi heo rừng lai của anh Lê Văn Hoàng là một trong những mô hình trang trại chăn nuôi, trồng trọt kết hợp làm du lịch điển hình của xã. Ngoài việc làm kinh tế giỏi, anh còn rất nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nuôi heo rừng lai. Thời gian tới, chúng tôi sẽ khuyến khích, nhân rộng mô hình này nhằm nhân cao thu nhập cho bà con, nhất là người đồng bào dân tộc Cơ Tu thôn Phú Túc.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.