Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 6 tháng 4 năm 2022 | 9:29

Mục tiêu 50 tỷ USD: Thuận lợi và thách thức

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao nhiệm vụ cho Bộ Nông nghiệp và PTNT: Mục tiêu năm 2022 tăng trưởng phải trên 3%, xuất khẩu phải đạt trên 50 tỷ USD.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2021, triển khai kế hoạch năm 2022 của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao nhiệm vụ cho Bộ Nông nghiệp và PTNT: Mục tiêu năm 2022 tăng trưởng phải trên 3%, xuất khẩu phải đạt trên 50 tỷ USD.

Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp và các chuyên gia kinh tế, dư địa để hoàn thành nhiệm vụ là khá lớn. Thứ nhất, trải qua năm 2021 với những khó khăn chưa từng có tiền lệ nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt, sát thực tế và linh hoạt của Chính phủ, lãnh đạo Bộ và sự đồng lòng, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, nhà nông, nhà vườn, ngành nông nghiệp đã vượt qua khó khăn, tạo nên kỷ lục mới về xuất khẩu. Nhiều bài học về chỉ đạo, điều hành đã được rút ra. Thứ hai, uy tín nông sản Việt về chất lượng ngày càng vững chắc trên các thị trường. Thứ ba, các doanh nghiệp Việt đã thích ứng với môi trường cạnh tranh toàn cầu. Thứ tư, nhiều FTA song phương và đa phương đã tạo nên thị trường rộng lớn. Thứ năm, sản xuất nông sản quy mô lớn với chuỗi liên kết chặt chẽ ngày càng mở rộng. Thứ sáu, nhiều nông sản đặc thù của ta được các thị trường chấp nhận...

Nhờ khai thác tốt những lợi thế, trong quý I vừa qua, việc tiêu thụ nông sản vẫn tốt. Theo thông tin của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 3 tháng đầu năm, xuất khẩu nông sản đạt khoảng 12,8 tỷ  USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt mục tiêu đề ra 2,1 tỷ USD. Giá trị xuất siêu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 3 tỷ USD, tăng gấp 3,1 lần so với cùng kỳ năm 2021. Nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ như: cao su, chè, gạo, hồ tiêu, sắn và các sản phẩm từ sắn, cá tra, tôm, gỗ và các sản phẩm gỗ.

 

tieu-diem.jpg
Chế biến tôm xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú tỉnh Cà Mau. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

 

Tuy vậy, lãnh đạo ngành nông nghiệp cũng như các chuyên gia đều thống nhất cho rằng, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng trên 3% và xuất khẩu đạt 50 tỷ USD là nhiệm vụ không dễ dàng bởi đại dịch Covid-19 kéo dài hơn 2 năm qua trên toàn cầu đã kéo kinh tế các quốc gia giảm tốc, nhiều quốc gia tăng trưởng âm khiến sức mua giảm sút. Thêm nữa, Trung Quốc, với dân số trên 1,4 tỷ người nằm sát chúng ta, là thị trường quan trọng của hàng hóa, nhất là nông sản Việt vẫn duy trì chiến lược Zero Covid nên việc kiểm tra hàng hóa rất ngặt nghèo và có thể đóng cửa khẩu bất cứ lúc nào nếu phát hiện dịch bệnh, nhất là với hàng hóa xuất khẩu tiểu ngạch. Từ cuối tháng 2 lại phát sinh vấn đề mới, xung đột Nga – Ukraine và sêri đòn trừng phạt liên hoàn  của Mỹ cùng các nước phương Tây đối với Nga và ngược lại đã đẩy giá xăng dầu, lương thực, phân bón và nhiều mặt hàng khác tăng cao. Điều này làm cho vật tư đầu vào của nền kinh tế nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng tăng, trong khi giá bán nông sản thấp và bấp bênh khiến sản xuất gặp nhiều khó khăn. Hàng rào kỹ thuật được nhiều quốc gia áp dụng để tăng thuế... Đó là thách thức từ bên ngoài.

Về thách thức nội tại, điều đầu tiên phải nhắc tới là quy mô nhỏ lẻ, manh mún, mối liên kết chưa chặt chẽ và chất lượng sản phẩm chưa đồng đều; sản phẩm chế biến chưa đa dạng. Thứ hai, chưa chuẩn hóa được vùng nguyên liệu và chưa làm chủ được thị trường. Thứ ba, phương thức thanh toán còn nhiều sơ hở. Thứ tư, nắm chưa đầy đủ và chặt chẽ luật pháp của các thị trường. Thứ năm, xuất khẩu tươi, thô còn chiếm tỷ trọng lớn. Thứ sáu, mặt hàng, thị trường và khách hàng đều chưa đa dạng. Thứ bảy, gói phục hồi phát triển kinh tế 350.000 tỷ đồng đang triển khai chậm và phần cho ngành nông nghiệp ở mức khá khiêm tốn, chỉ 5.000 tỷ đồng...

Để hoàn thành mục tiêu nhiệm vụ, cần sự đồng lòng và phản ứng linh hoạt trong phòng chống dịch bệnh, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, các FTA và chuyển dịch thị trường trên cơ sở chuyển nhanh sang mô hình canh tác với liên kết chặt chẽ, trong đó hợp tác xã và doanh nghiệp là nòng cốt, thực hiện quy trình sản xuất an toàn, truy xuất được nguồn gốc xuất xứ... Bộ cần khẩn trương trong việc cấp mã số vùng sản xuất nông sản... Và phải bám sát thực tế để có dự báo, giải pháp kịp thời trước những phát sinh mới. Cần chú ý đến quảng bá thương hiệu, giảm giá thành vận chuyển logistics.

 

 

 

Thanh Hiền
Ý kiến bạn đọc
Top