Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 25 tháng 12 năm 2020 | 14:51

Năm 2020, tỏa sáng trí tuệ, bản lĩnh Việt

Năm 2020 với những biến cố chưa từng có đang dần khép lại.

t4.jpg

Thủ tướng tham quan triển lãm thành tựu phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và hoạt động của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam giai đoạn 2016-2020. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

 

Năm 2020 với những biến cố chưa từng có đang dần khép lại. Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi thế giới về nhiều mặt, chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, sản xuất đình trệ, kinh tế rơi vào suy thoái, giãn cách xã hội kéo dài ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ... Thêm vào đó, chiến tranh thương mại giữa Hoa kỳ và Trung Quốc liên tục lên những nấc thang mới,…

Ở trong nước, cùng với tác động của đại dịch Covid-19, đầu năm hạn hán và mặn xâm nhập sớm, cường độ cao, kéo dài ở vùng vựa lúa, vựa trái cây, vựa thủy sản – khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Cuối năm, mưa lịch sử, bão chồng bão gây ngập lụt kéo dài, sạt lở đất ở nhiều nơi suốt dải đất miền Trung gian khó. Rồi dịch tả lợn châu Phi,… đã tác động xấu đến kinh tế và đời sống nhân dân, người lao động.

Dù khó khăn có thể nói là chưa từng thấy nhưng gạt mọi lo lắng, Kinh tế nông thôn điểm lại những điều tích cực, kết quả đạt được từ những bài học thống nhất ý chí, cùng hành động trong đoàn kết, sự sẻ chia trong gian khó và trí tuệ, bản lĩnh của người Việt Nam ta.

Trước hết, xin được nhắc lại khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tich Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương tại Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X vừa qua: “Không thể không cho rằng, 2020 là năm thành công nhất của Việt Nam trong 5 năm qua về quyết tâm, nỗ lực, để niềm tin của người dân không ngừng được nâng cao…”.

Khẳng định của Thủ tướng Chính phủ là rất rõ ràng: Năm 2020 là năm thành công nhất trong 5 năm qua. Nói vậy vì, điểm cộng tích cực đầu tiên phải nhắc đến là sự chủ động, sáng tạo, kiên quyết, kịp thời trong điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự thống nhất một ý chí của toàn Đảng, toàn Dân và cả hệ thống chính trị trong phát hiện,  ngăn chặn, phòng chống, dập dịch, đẩy lùi đại dịch Covid-19 ngay từ thời điểm đầu tiên, khi dịch bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc) cuối năm 2019. Nói vậy vì, ngay tại thời điểm này, trên thế giới, đại dịch vẫn tiếp tục lây lan với trên 78,2 triệu người nhiễm, hơn 1,7 triệu người đã tử vong; còn Việt Nam ta có 1.420 ca nhiễm, 35 người tử vong.

Điểm sáng này là nền tảng quan trọng và cơ bản để chúng ta thực hiện mục tiêu kép – phát triển kinh tế. 

Dù tăng trưởng GDP năm 2020 không đạt kế hoạch đề ra (2,5 -3% so với mục tiêu 6,8 - 7%), nhưng trên bức tranh kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn là điểm sáng rõ nét, là một trong rất ít quốc gia đạt tăng trưởng dương. Cùng với tăng trưởng dương, năm 2020 cũng đánh dấu kỷ lục xuất siêu mới, 20 tỷ USD.

Đáng chú ý, dù hạn, mặn khốc liệt ở vùng nông nghiệp trọng điểm; mưa, bão, lũ lụt lịch sử ở miền Trung, xuất khẩu khó khăn do giãn cách xã hội trên toàn thế giới nhưng nông nghiệp Việt Nam vẫn đạt kết quả khả quan: xuất khẩu đạt xấp xỉ mục tiêu 41 tỷ USD. Gạo Việt lần đầu được xướng tên “ST 25 - gạo ngon nhất thế giới”, giá gạo liên tục tăng cao. Thị trường nông sản liên tục mở rộng đến những thị trường khó tính với sức mua cao. Dù thiên tai, dịch bệnh phức tạp nhưng đời sống của người nông dân vẫn tiếp tục được nâng lên, nông thôn mới xanh - sạch – giàu - đẹp – hạnh phúc liên tục mở rộng và nâng cao chất lượng. Thông tin việc chuẩn bị sản xuất đại trà văcxin phòng dịch tả lợn châu Phi cũng là một điểm sáng đáng tự hào.

Dù đại dịch covid-19 nhưng trong vai trò Chủ tịch ASEAN 37, Việt Nam ta đã hoàn thành sứ mệnh trong đoàn kết nội khối và thực hiện ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa 10 nước ASEAN với 5 đối tác, tạo nên FTA lớn nhất thế giới. Điều này cho thấy vị trí, vai trò, uy tín của Việt Nam ta ngày càng được bạn bè tin cậy.

Thêm nữa, dù trong gian khó, chỉ số phát triển con người của ta vẫn tăng một bậc, xếp vào nhóm phát triển cao. Và mới nhất, thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng 9 bậc, từ 42 lên 33, được định giá 319 tỷ USD…  

Nêu vài điểm sáng trên để thấy, bằng trí tuệ và bản lĩnh được hun đúc hàng ngàn năm thì “Không có thử thách nào dân tộc Việt Nam không thể vượt qua”. Đây là cơ sở để đất nước ta bước vào giai đoạn phát triển mới, giai đoạn 2021 -2025 với mục tiêu: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

 

Hiền Anh
Ý kiến bạn đọc
Top