Thời gian qua, không ít nông dân Hậu Giang đã sử dụng chế phẩm sinh học nấm xanh để phòng trừ dịch hại cho đồng ruộng. Đây là biện pháp mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên.
Phun xịt chế phẩm nấm xanh đúng cách sẽ góp phần ngăn chặn hữu hiệu sâu, rầy tấn công lúa.
Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang Trần Ngọc Thể cho biết: Xu thế sản xuất nông nghiệp trong thời hội nhập chính là tạo ra sản phẩm sạch và chất lượng. Vì thế, bên cạnh việc hạn chế sử dụng thuốc hóa học, cần tăng cường áp dụng các biện pháp sinh học, đặc biệt, dùng nấm xanh (Metarhizium anisopliae) để quản lý các loài sâu, rầy hại lúa, góp phẩn ổn định năng suất, từng bước tiến tới sản xuất nông nghiệp bền vững, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm là điều cần thiết. Chưa kể, chế phẩm nấm xanh lại an toàn đối với các mô hình lúa - cá, lúa - tôm.
Vào khoảng năm 2010, chế phẩm nấm xanh bắt đầu được áp dụng thí điểm ở một số địa phương ở Hậu Giang (Vị Thủy, Châu Thành A, Phụng Hiệp). Ông Lâm Văn Hoa (ấp Phương Thạnh, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp) chia sẻ: “Qua hơn 4 năm sử dụng, tôi thấy nấm xanh phòng trừ rầy nâu, sâu cuốn lá, sâu keo, bọ xít mang lại hiệu quả khá cao. Khi xử lý nấm xanh, lúa phát triển tươi tốt, ít sâu bệnh, năng suất ổn định, giá thành sản xuất thấp nên góp phần gia tăng lợi nhuận cho gia đình”. Theo ông Hoa, việc xử lý nấm xanh có thể áp dụng cho bất kỳ vụ nào trong năm, trong đó hiệu quả nhất là vụ lúa đông xuân.
Ông Hoa kể, trong vụ đông xuân vừa qua, hơn 10 công (1 công = 1.000m2) lúa giống OM 5451 nhà ông bị rầy nâu tấn công mạnh, có nguy cơ bị cháy rầy ở mức cao. Tuy nhiên, nhờ xử lý nấm xanh kịp thời nên năng suất vẫn khá cao, ước khoảng 1 tấn lúa tươi/công. Chi phí sản xuất khoảng 600.000 đồng/công, tiết kiệm hơn 200.000 đồng/công so với dùng thuốc hóa học. Ngoài ra, chế phẩm nấm xanh còn có tác dụng đối với một số loại cây trồng khác như diệt trừ bọ cánh cứng ở cây dừa và côn trùng gây hại trên mía.
Còn ông Lê Văn Nghĩa (ấp Phương Thạnh, xã Phương Bình) chia sẻ: “Do vùng đất nơi đây trũng thấp nên hơn 12 công ruộng của gia đình chỉ làm được 2 vụ lúa trong năm, riêng vụ thu đông thường thả nuôi cá ruộng. Vì vậy, việc sử dụng nấm xanh rất an toàn, không phải lo gây hại đến quá trình thả nuôi cá ruộng, góp phần bảo vệ mùa màng và nâng cao thu nhập cho gia đình”. Ông Nghĩa thông tin thêm, chỉ cần phun xịt 2 lần/vụ, nhất là khi cây ở giai đoạn đẻ nhánh, chuẩn bị làm đòng và sau khi trổ đều là hạn chế đáng kể mật độ sâu, rầy gây hại cho lúa. Bởi chế phẩm có khả năng lưu dẫn tốt và phòng trừ các loài sâu gây hại đạt trên 90%. Song, để có nấm xanh sử dụng, bà con cùng nhau hợp tác sản xuất ra chế phẩm này. Trung bình, một bịch nấm xanh, trọng lượng 400g, kết hợp thuốc bám dính để kéo dài thời gian lưu dẫn là có thể phun xịt được khoảng 2 công lúa.
Ông Phan Ngọc Ngân, Phó trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Phụng Hiệp, cho rằng: Để áp dụng thành công việc xử lý nấm xanh, thời gian qua, đơn vị thường xuyên mở các lớp tập huấn nhằm giúp người dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tự sản xuất nguồn nấm xanh chất lượng. Trên địa bàn huyện hiện có 2 xã Hòa An và Phương Phú áp dụng quy trình sản xuất và sử dụng chế phẩm nấm xanh phun xịt cho ruộng lúa, bước đầu mang lại hiệu quả đáng kể.
Ông Thể cho biết thêm: Thời gian tới, cơ quan chuyên môn sẽ tiếp tục nhân rộng khoảng 500 đĩa nấm gốc và khuyến khích người dân tham gia sử dụng nấm xanh, để tiến tới sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Ngoài ra, người dân cần đặc biệt lưu ý vì chưa có cách bảo quản nên nấm xanh chỉ sử dụng tốt nhất khi ở giai đoạn ủ từ 10-15 ngày. Vì thế, bà con cần chủ động trong việc sản xuất, phun xịt để ngăn chặn sâu, rầy, bảo vệ mùa màng hiệu quả.
Chí Công
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.