Những năm qua, Nghệ An đã tập trung chuyển đổi nhiều diện tích đất gieo cấy lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác, mang lại giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần.
Hiệu quả bước đầu
Với 3 sào (1 sào Trung Bộ = 500m2) đất lúa, những năm trước đây, gia đình bà Hoàng Thị Lan ở xóm 8 (xã Diễn Lộc, huyện Diễn Châu) trồng 2 vụ lúa và 1 vụ ngô đông mỗi năm. Từ năm 2017, thực hiện chủ trương của xã, bà chỉ trồng 1 vụ lúa hè thu, còn vụ xuân và vụ đông chuyển sang trồng dưa chuột.
Bà Lan cho biết: “Trồng lúa bậc thang, nước lấy về là trôi tuột, năng suất chỉ khoảng 2-2,5 tạ/sào là cao nhất. Từ năm ngoái, tôi chỉ trồng 1 vụ lúa để tự túc lương thực và 2 vụ dưa, cho hiệu quả cao gấp 4-5 lần trồng lúa. Dưa trồng 2,5 tháng là cho thu hoạch, lúc giá cao có thể thu về 10-12 triệu đồng/sào/vụ”.
Theo ông Phạm Văn Hướng, Chủ tịch UBND xã Diễn Lộc, xã có gần 20ha đất lúa vùng cao, khó lấy nước, năng suất chỉ đạt 2 tạ/sào. Thực hiện chủ trương chuyển đổi, xã đã vận động bà con chuyển sang trồng theo các công thức: lạc xuân- dưa hấu hè - ngô đông; dưa xuân- lúa hè thu - dưa chuột đông. Ngoài ra, trên 20ha đất chuyên màu chuyển sang các công thức trồng lạc, dưa hấu, dưa leo. Trên 20ha đất xấu, chuyển đổi cho hiệu quả kinh tế tăng gấp 4-5 lần, trên đất màu tăng 2-3 lần.
Hay như xã Nghi Lâm (huyện Nghi Lộc) có 320ha trồng lúa thì có gần 80ha đất xấu, kém hiệu quả, năng suất chỉ đạt 1 tạ/sào, nhiều diện tích chỉ trồng 1 vụ xuân, còn lại bỏ hoang. Năm 2012, Nghi Lâm tập trung chuyển sang trồng hành tăm, ngô và nghệ.
Phó chủ tịch UBND xã Nghi Lâm Trần Văn Bình cho biết: Đến nay, toàn xã đã chuyển trồng được 30ha hành tăm, 20ha trồng ngô sinh khối bán cho trại bò Nghi Lâm, diện tích còn lại làm trang trại, gia trại chăn nuôi. Với năng suất bình quân 8 tạ/sào, giá bán bình quân 25.000 đồng/kg, hành tăm có thể cho thu về 400 triệu đồng/ha, lãi ròng 280 triệu đồng.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Xuân Quang, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nghi Lộc, toàn huyện có gần 700ha đất trồng lúa kém hiệu quả, trong đó 400ha có thể chuyển đổi cây trồng, còn 300ha sâu trũng chuyển sang kết hợp phát triển chăn nuôi.
“Chuyển đổi từ cấy lúa sang các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn đã được Nghệ An tập trung chỉ đạo từ năm 2012 đến nay. Với gần 1 triệu tấn lúa mỗi năm, song chỉ sử dụng hết khoảng 60% sản lượng, việc sản xuất lúa bằng mọi giá là không cần thiết. Trong khi đó, tỉnh có nhiều diện tích đất lúa sản xuất rất khó khăn do nhỏ lẻ, hạn hán hoặc úng ngập hoặc chỉ làm được 1 vụ lúa trong năm, nếu cứ trồng lúa sẽ không có hiệu quả, thậm chí thua lỗ. Thực hiện chủ trương và cơ chế hỗ trợ của nhà nước, những năm qua, các địa phương đã tìm những loại cây trồng phù hợp điều kiện thực tế từng vùng, chuyển đổi nhiều diện tích đất lúa sang các cây trồng khác”, ông Quang cho hay.
Chuyển đổi gắn với “đầu ra”
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Đức, Chi cục trưởng Chi Cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Nghệ An, cho biết, ngoài diện tích không đủ điều kiện trồng lúa và bắt buộc chuyển đổi sang cây trồng khác, hiệu quả có thể không cao hơn nhưng tính an toàn cao hơn cây lúa; thì một số diện tích khác tuy không bắt buộc nhưng vẫn tập trung chuyển đổi sang thâm canh cây trồng khác hiệu quả kinh tế cao hơn. Việc chuyển đổi được thực hiện theo hai hướng, hoặc chuyển đổi hẳn, hoặc chuyển theo mùa vụ, tuỳ điều kiện cụ thể của từng vùng.
Riêng năm 2016, Nghệ An đã chuyển đổi trên 2.535ha và trong kế hoạch từ 2018 - 2020, tỉnh sẽ chuyển 4.051ha đất trồng lúa sang các loại cây trồng khác. Thực tế, nhiều loại cây trồng đã đem lại hiệu quả cao gấp nhiều lần trồng lúa. Đơn cử: hành tăm cho thu nhập từ 84-90 triệu đồng/ha, lãi ròng từ 44-50 triệu đồng/ ha, so với trồng lúa, lãi hơn 40 triệu đồng/ha; đất chuyển từ trồng lúa sang trồng rau, mùi tàu, bí xanh cho lãi 200-225 triệu đồng/ha, so với trồng lúa, lãi cao hơn 194-220 triệu đồng/ha…
Thời gian tới, Nghệ An chủ trương tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả. Theo ông Nguyễn Văn Lập, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An, thì yêu cầu đầu tiên khi chuyển đổi là phải đảm bảo an ninh lương thực và an toàn khi chuyển đổi. Trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch của tỉnh, các địa phương cần rà soát, xây dựng phương án cụ thể cho từng vùng cần chuyển đổi cả về loại cây trồng và thị trường tiêu thụ; có phương án, chính sách để khuyến khích nông dân chuyển đổi và liên kết với các doanh nghiệp trong việc bao tiêu sản phẩm chuyển đổi nhằm hạn chế sản phẩm làm ra không có thị trường tiêu thụ.
Phó giám đốc Nguyễn Văn Lập đề xuất, về phía nhà nước, cần có thêm những cơ chế, chính sách mạnh hơn, đầu tư xây dựng, sửa chữa và nâng cấp hạ tầng giao thông, thuỷ lợi vốn được xây dựng phục vụ cho sản xuất lúa để phù hợp với chuyển đổi. Đồng thời, ngoài vai trò của ngành nông nghiệp, các ngành khác như Công Thương, Khoa học và Công nghệ cũng cần vào cuộc để chỉ đạo thành công việc chuyển đổi.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.