Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 7 tháng 9 năm 2018 | 13:16

Nghệ An hướng đến vùng sản xuất cam hàng hóa

Phong trào trồng cam khá phát triển ở Nghệ An, chủ yếu ở các huyện Yên Thành, Anh Sơn, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Thanh Chương, Con Cuông.

Sau bất cập do mở rộng diện tích ồ ạt, hiện người dân và chính quyền các địa phương đã chú trọng đến những giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất, phát triển bền vững vùng cam hàng hoá.

tr4d.jpg
Nhà vườn Quỳ Hợp vào mua thu hoạch cam.

 

Sản xuất theo hướng hàng hóa

Là một trong những “thủ phủ” cam của Nghệ An, cam Quỳ Hợp được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý thương hiệu “Cam Vinh” năm 2017. Với quyết tâm biến vùng nguyên liệu cam thành vùng sản xuất hàng hóa giá trị kinh tế cao, Quỳ Hợp đã ban hành riêng một nghị quyết về phát triển cam. Sau hơn 2 năm thực hiện, phương thức canh tác đã dần được đổi mới, nhiều bộ giống chất lượng có giá trị kinh tế được người dân đưa vào trồng đại trà.

Bắt đầu trồng và chăm sóc cam theo phương pháp sản xuất hữu cơ từ đầu năm 2017, gia đình ông Võ Minh Hải (xã Nghĩa Xuân) cho hay: “Tôi áp dụng trên toàn bộ 2ha cam, ưu tiên sử dụng phân hữu cơ, đồng thời thực hiện phòng trừ sâu bệnh bằng các loại thuốc sinh học. Đến nay, vườn cam cho quả đều, lá chắc xanh và đặc biệt là không bị nhiễm bệnh. Do đó, tần suất và số lần phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) giảm hẳn”.

Gia đình bà Cao Thị Hà (xóm 3, xã Minh Hợp) lại quan tâm đến việc đầu tư thay đổi giống cam chất lượng. Sau khi 0,5ha cây cam giống Vân Du hết chu kỳ thu hoạch, cuối năm 2017, bà thay thế bằng giống Cam ruột đỏ, loại giống đã được Quỳ Hợp trồng thử nghiệm, cho hiệu quả kinh tế cao và được đưa vào bộ giống cam chủ lực của địa phương. Bà chia sẻ: Gia đình có 2ha cam, ngoài việc đưa giống mới vào trồng, tôi còn trồng rải vụ, tránh thu hoạch rộ cùng một thời điểm, đặc biệt tuân thủ nghiêm quy trình chăm sóc, sử dụng thuốc BVTV, sản xuất cam an toàn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Quỳ Hợp hiện có gần 3.000ha cam, trong đó 1.300ha cam đã cho thu hoạch, còn lại đang trong thời kỳ kiến thiết. Quyết tâm phát triển cam theo hướng hàng hoá, hiệu quả cao, huyện đã phối hợp với các nông trường, cơ sở sản xuất giống nghiên cứu khảo nghiệm, sản xuất thêm các bộ giống mới năng suất, chất lượng, có thời gian thu hoạch dài, chín sớm như BH, giống cam ruột đỏ, cam dây…

Ông Quán Vi Giang, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳ Hợp, cho biết: Xác định để cây cam có giá trị kinh tế hàng hóa, đầu ra bền vững thì yếu tố quyết định vẫn là sản xuất theo quy trình sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Người trồng cam đã áp dụng các quy trình kỹ thuật nhằm đảm bảo năng suất cao và chất lượng tốt. Đặc biệt, trên địa bàn huyện đã có gần 100ha cam được ứng dụng hệ thống tưới nước tự động Isarel; trong hai năm 2016-2017 có 5 HTX trồng 40ha cam đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Huyện cũng đặt mục tiêu đưa năng suất bình quân đạt  trên 20 tấn/ha; 25% diện tích trồng theo quy trình VietGAP; 21% tổng sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc. Với các giải pháp đồng bộ, việc nâng cao giá trị hàng hoá cho cây cam là điều dễ nhận thấy ở “thủ phủ” cam này.

Xây dựng vườn cam sinh thái

Bên cạnh “thủ phủ” cam Quỳ Hợp, Con Cuông hiện có gần 360ha cam, trong đó 120ha cam kinh doanh. Tuy diện tích chưa nhiều nhưng với những ưu thế về chất lượng sản phẩm, huyện xác định cam là loại cây chủ lực và đặc sản.

Theo ông Võ Khắc Sỹ, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, sản xuất cam ở Con Cuông hiện còn nhiều bất cập, chưa tương xứng với tiềm năng. Những năm gần đây, Con Cuông đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao giá trị hàng hoá của cây cam, như: Xây dựng quy hoạch, hỗ trợ giống, khuyến khích các hộ dân liên kết sản xuất, thành lập HTX sản xuất cam; kêu gọi thu hút đầu tư để xây dựng đề án phát triển cam mang đặc trưng, đặc thù của huyện. Trong hai năm 2015-2016 đã có 5ha ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt. Đặc biệt, nhờ sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), cam Con Cuông đã được nâng cao giá trị thông qua việc chế biến các sản phẩm từ cam, mở ra triển vọng mới về các sản phẩm du lịch địa phương, bằng việc xây dựng vườn cam sinh thái và hỗ trợ thiết bị để chế biến ra nhiều sản phẩm giá trị từ cam, xây dựng 5ha cam theo mô hình du lịch sinh thái.

Từ những tín hiệu đáng mừng đó, Con Cuông đề ra mục tiêu đến năm 2020, toàn huyện có 450ha cam, nâng cao giá trị thương hiệu cam Con Cuông cũng như chất lượng sản phẩm chế biến từ cam gắn với du lịch cộng đồng.

Phát triển bền vững

Năm 2017, toàn tỉnh Nghệ An có 5.589ha cam, tăng 2.532ha so với năm 2014, trong đó diện tích cho sản phẩm là 2.638ha. 

Theo ông Nguyễn Văn Lập, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nghệ An, để cây cam phát triển bền vững, có giá trị kinh tế cao theo hướng hàng hoá, chuyên nghiệp, các địa phương cần thay đổi, thực hiện ngay một loạt giải pháp. Trước hết, phải tăng cường công tác quản lý quy hoạch, tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện sản xuất theo quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt; những địa phương muốn mở thêm diện tích ngoài vùng quy hoạch phải được khảo sát, đánh giá kỹ.

Đồng thời, trong kỹ thuật trồng và chăm sóc, phải tuân thủ đúng quy trình đã được Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành, từng bước áp dụng quy trình sản xuất cam VietGAP để tạo vườn cam sinh trưởng tốt, năng suất cao, sản phẩm an toàn; có các giải pháp phù hợp trong quản lý giống, BVTV, tìm kiếm thị trường và quảng bá thương hiệu, tuyên truyền nâng cao kiến thức cho người dân trong phát triển cam.

 

 

Phú Thành
Ý kiến bạn đọc
  • Vốn chính sách góp phần xây dựng Lạng Sơn ngày một giàu đẹp, văn minh

    Vốn chính sách góp phần xây dựng Lạng Sơn ngày một giàu đẹp, văn minh

    Những năm qua, nguồn vốn chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội đã trở thành động lực quan trọng, đồng hành với người dân Lạng Sơn trong hành trình giảm nghèo, từng bước vươn lên làm giàu, góp phần xây dựng tỉnh ngày một giàu đẹp, văn minh.

  • Chống đói nghèo, bài học Việt Nam nhìn từ NHCSXH

    Chống đói nghèo, bài học Việt Nam nhìn từ NHCSXH

    Chính sách xóa đói, giảm nghèo toàn diện, bền vững luôn được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm và xác định là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

Top