Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 26 tháng 6 năm 2024  
Thứ hai, ngày 16 tháng 8 năm 2021 | 13:39

Nghệ An phát triển vùng nguyên liệu lùng bền vững

Ở Nghệ An, cây lùng tập trung ở 2 huyện Quế Phong, Quỳ Châu và mang lại nguồn lợi kinh tế cao cho đồng bào vùng rẻo cao. Thế nhưng, nhiều diện tích lùng tự nhiên đang bị suy giảm và nguy cơ thoái hóa.

333.JPG
Kiểm tra phát triển rừng lùng ở xã Đồng Văn (Quế Phong).

Khôi phục và phát triển bền vững

Lùng (nhiều nơi gọi là mạy quăn, dùng), là cây lâm nghiệp ngoài gỗ, thuộc họ cùng với tre, nứa, trúc, mai, vầu. Đây là một trong các lâm sản ngoài gỗ quan trọng nhất, được dùng làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến ván ép, các ngành nghề thủ công mỹ nghệ như đan lát các sản phẩm dân dụng, làm tăm, đũa... phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Ở nước ta, cây lùng chỉ thích nghi và phát triển mạnh ở miền núi cao thuộc 3 tỉnh Sơn La, Thanh Hóa và Nghệ An. Riêng Nghệ An, lùng chỉ phát triển ở hai huyện Quế Phong và Quỳ Châu.

Hiện, Quế Phong có nhiều diện tích lùng tự nhiên (trên 17.000ha), tập trung ở các xã Đồng Văn, Thông Thụ và trong vùng quản lý của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt nên đã xảy ra tình trạng khai thác ồ ạt. Có thời gian,, cây lùng chưa được các cấp ngành quan tâm quản lý, quy hoạch bảo vệ và phát triển một cách cụ thể. Mặt khác, trong những năm gần đây, do ngành nghề mây tre đan và thủ công mỹ nghệ phát triển mạnh, cây lùng lại là nguyên liệu chính, vì vậy, người dân khắp nơi và thương lái khai thác, thu mua một cách tùy tiện nên diện tích rừng lùng thuần loài bị khai thác cạn kiệt. Nhiều năm qua, có một số lượng lớn lùng bị khai thác tự do bán cho thương lái phía Bắc vào thu mua theo kiểu thổ phỉ.

Trước thực trạng trên, năm 2012, Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An  tạm thời dừng việc khai thác nứa, lùng tại các huyện trên địa bàn tỉnh. Giao Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo Hạt Kiểm lâm Quế Phong, Quỳ Châu phối hợp với UBND hai huyện thường xuyên theo dõi, giám sát, kiểm tra, xử lý sai phạm về khai thác lâm sản nói chung và khai thác nứa, lùng nói riêng. Mục đích của việc tạm thời đình chỉ nhằm mục đích bảo vệ, bảo tồn  rừng lùng.

Sau một thời gian chấn chỉnh, ngày 9/5/2018, Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An ban hành Văn bản số 1084/SNN-KL về việc cho phép khai thác lùng rừng tự nhiên trên địa bàn các huyện Quế Phong, Quỳ Châu. Yêu cầu các hạt kiểm lâm, UBND các xã tăng cường công tác quản lý, kiểm tra xác minh thủ tục hồ sơ khai thác của các chủ rừng khai thác cây lùng tự nhiên, đảm bảo khi rừng đưa vào khai thác phải đảm bảo yêu cầu về trữ lượng, tuổi cây và cường độ khai thác theo quy định. Tổ chức tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ khai thác rừng lùng tự nhiên một cách bền vững.

Theo ông Vi Văn Tâm, người dân ở xã Đồng Văn (Quế Phong), trước đây, nhiều diện tích rừng lùng do bị khai thác bừa bãi nên chất lượng thấp dẫn đến nguy cơ suy thoái. Nhưng nay, được các cấp, các ngành quản lý, hướng dẫn người dân chăm sóc, bảo tồn và khai thác đúng quy trình kỹ thuật nên cây lùng phát triển tốt. Nếu thời tiết thuận lợi, công mỗi ngày đi rừng làm lùng được khoảng 200-300 nghìn đồng. Đây là thu nhập khá cao để đồng bào Đồng Văn vơi bớt  khó khăn, cải thiện cuộc sống. 

Nâng cao giá trị kinh tế

Trao đổi với phóng viên Kinh tế nông thôn, ông Bùi Văn Hiền, Phó chủ tịch UBND huyện Quế Phong, cho biết, năm 2018, được ngành chức năng cho khai thác lùng trở lại, nhờ đó đời sống người dân được cải thiện. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác lùng, chính quyền địa phương và người dân phải chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT. Như trước khi khai thác, xã phải lập hồ sơ, bảng kê lâm sản sử dụng rừng trình cấp thẩm quyền để đăng ký thủ tục khai thác. Khai thác lùng theo hồ sơ thiết kế đã được Chi cục Kiểm lâm kiểm tra, phê duyệt. Hạt Kiểm lâm huyện Quế Phong cùng cán bộ xã còn hướng dẫn người dân phương pháp khai thác lùng đúng quy trình kỹ thuật nhằm để cây lùng phát triển mang lại nguồn thu bền vững.

 

untitled-1-copy.JPG

Người dân xã Đồng Văn (Quế Phong) tập kết lùng để bán cho tiểu thương.Người dân khai thác lùng tại xã Thông Thụ (Quế Phong).

 

Hiện, huyện Quế Phong có 837,2 ha lùng được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC), có thời hạn 5 năm, trong đó xã Đồng Văn 525,2ha (164 hộ tham gia), xã Thông Thụ 313 ha (56 hộ tham gia). Theo đó, diện tích lùng được cấp chứng chỉ rừng bền vững phải đáp ứng được yêu cầu vừa khai thác bền vững, vừa bảo tồn và chăm sóc.

Việc được cấp FSC rất có ý nghĩa trong  phát triển thị trường nguyên liệu lùng hợp pháp, không chỉ mang lại lợi ích cho chủ rừng từ nguồn lùng khai thác có giá trị cao hơn, mà còn nâng cao thương hiệu các sản phẩm từ lùng, tiếp cận thị trường xuất khẩu.

Ông Bùi Văn Hiền cho biết, lùng là cây mũi nhọn chủ lực của dân bản.  Sắp tới, huyện tiếp tục phối hợp với các ban ngành để tiến tới được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững cho diện tích lùng còn lại. Huyện cũng xác định đây là cơ hội để khôi phục, phát triển bền vững và nâng cao giá trị cây lùng nguyên liệu. Mặt khác, chính quyền sẽ kết hợp với các chủ hộ rừng liên kết với các đơn vị tiêu thụ nhằm khai thác hợp lý, kết hợp chăm sóc để tạo ra sản phẩm chất lượng xuất khẩu, góp phần tạo việc làm, cải thiện cuộc sống cho đồng bào vùng rẻo cao của miền Tây xứ Nghệ.

 

Chứng chỉ FSC là loại chứng chỉ được công nhận bởi Hội đồng Quản lý rừng FSC (Forest Stewardship Council), sau khi đã hoàn thành việc đánh giá và xác nhận về tài nguyên rừng của một quốc gia. Chứng chỉ FSC có giá trị trong vòng 5 năm. Về mặt môi trường, FSC góp phần bảo vệ môi trường và nguồn sinh thái tự nhiên. Về mặt kinh tế, FSC giúp giảm thiểu lãng phí từ các nguồn tài nguyên rừng. Các sản phẩm từ rừng được gắn nhãn FSC có giá trị kinh tế cao. Theo thống kê của tổ chức này, các sản phẩm có chứng chỉ FSC có giá trị kinh tế cao hơn từ 20-30% so với các sản phẩm cùng loại.

 

(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

 

 

Ngọc Lan
Ý kiến bạn đọc
  • Trồng sắn kiểu mới cho năng suất gấp đôi

    Trồng sắn kiểu mới cho năng suất gấp đôi

    Thời gian gần đây, nhiều hộ dân ở huyện miền núi Sông Hinh (Phú Yên) đã chuyển từ trồng sắn theo cách truyền thống sang trồng sắn sử dụng màng phủ bạt kết hợp tưới nước nhỏ giọt.

  • Hội Làm vườn Nghệ An: Chủ động xây dựng, lan tỏa mô hình VAC mang lại hiệu quả kinh tế cao

    Hội Làm vườn Nghệ An: Chủ động xây dựng, lan tỏa mô hình VAC mang lại hiệu quả kinh tế cao

    Những năm qua, công tác xây dựng tổ chức gắn với phong trào phát triển kinh tế VAC của Hội Làm vườn (HLV) tỉnh Nghệ An đạt được nhiều kết quả nổi bật, phát huy được vai trò của mình trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới; xây dựng được nhiều mô hình kinh tế VAC cho hiệu quả kinh tế cao.

  • Cần ngăn dịch tả lợn châu Phi lan rộng

    Cần ngăn dịch tả lợn châu Phi lan rộng

    Từ đầu năm 2024 đến nay, dịch tả lợn châu Phi có chiều hướng bùng phát, lan rộng tại nhiều tỉnh phía Bắc, ngành chức năng địa phương đang tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ đàn lợn trên địa bàn...

Top