Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 20 tháng 8 năm 2019 | 15:35

Nghệ An: Trồng gấc dược liệu organic thu 1,2 tỷ đồng/ha

Cây gấc dễ trồng, đặc biệt, trồng theo phương pháp hữu cơ tại huyện Yên Thành (Nghệ An), thu nhập cao 1,2 tỷ đồng/ha

Với đặc tính dễ trồng, sức chống chịu tốt, ít sâu bệnh, dễ chăm sóc, hiệu quả kinh tế cao hơn các loại cây trồng khác, vì vậy, huyện Yên Thành đã phát triển vùng trồng gấc 17 ha, trở thành địa phương trồng gấc trọng điểm của tỉnh Nghệ An.

 

g-69.jpg

 Hiện, Yên Thành đã có 17 ha gấc. Ảnh: Thái Dương

 

Theo đó, cây gấc Yên Thành được doanh nghiệp thuộc Tập đoàn TH đưa vào trồng từ năm 2016, trên vùng đất đồi xóm 10, xã Lăng Thành.

Để có hiệu quả kinh tế cao, đơn vị đã thực hiện tốt các quy trình sản xuất, hạt giống được tuyển chọn kỹ lưỡng, đất sạch không nhiễm kim loại nặng, nguồn nước tưới cũng phải kiểm tra định kỳ.

Mọi quy trình trồng, chăm sóc đều được tuân thủ nghiêm ngặt, trong đó có cả khâu phòng trừ sâu bệnh hại.

Anh Nguyễn Văn An - công nhân kỹ thuật của doanh nghiệp, cho biết: Cây gấc thường xuất hiện một số loài gây hại như con bọ dưa, phá hoại mầm xanh khi mới ra; bọ xít 6 cạnh, ruồi vàng, bọ cánh cứng phá hoại hoa, quả và cây thường mắc bệnh vàng lá.

Do đó, chúng tôi thường xuyên phải bắt, diệt bằng thủ công. Đối với bệnh vàng lá, đã dùng một số chế phẩm sinh học tự chế để phun, tạo sức đề kháng cho cây phát triển tốt, năng suất cao.

Đặc biệt khi cây ra quả non, được bọc ngay bằng một loại bao chuyên dùng, không để ruồi vàng hút đục.

Cây gấc có vòng đời từ 15 - 20 năm tùy chất đất, sau một năm trồng sẽ cho quả, thời gian thu hoạch kéo dài từ 2 đến 3 tháng.

Gấc ở Yên Thành được trồng theo phương pháp organic, 1 ha đạt năng suất từ 12 - 15 tấn quả tươi, qua nhà máy chiết xuất sẽ cho từ 250 - 300 lít dầu gấc. Sản phẩm này được dùng để làm viên nang thực phẩm, có thể xuất khẩu ra nước ngoài.

Ông Nguyễn Sỹ Đa - đại diện đơn vị trồng cho biết, về cây gấc sản xuất theo chuỗi, bình quân đạt giá trị 100 nghìn đồng/cây, như vậy mỗi ha sẽ cho thu nhập từ 1,2 đến 1,5 tỷ đồng.

Từ hiệu quả kinh tế trên, hiện, doanh nghiệp đang phối hợp với địa phương, tiếp tục mở rộng diện tích, đã được tỉnh phê duyệt quy hoạch, gồm 244 ha trồng gấc, và các loại cây dược liệu khác.

Với mục tiêu nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích, nhất là phát triển các loại cây dược liệu ở phía Bắc huyện Yên Thành.

Quảng Nam: Bảo vệ quần thể ba kích tím mọc tự nhiên trong rừng

Huyện Phước Sơn, đang tận dụng lợi thế thiên nhiên ưu đãi để đầu tư tổng hợp kinh tế rừng, kết hợp với quy hoạch, bảo tồn phát triển vùng dược liệu dưới tán rừng.

 

dl-99.jpg

 Lực lượng kiểm lâm bảo vệ nghiêm ngặt, vùng trồng ba kích tím dưới tan rừng phòng hộ Đắc Mi Ảnh: Tr. Hữu  

 

 

Từ năm 2016, thông qua các nguồn kinh phí hỗ trợ của Tỉnh, các chương trình 135, 30a và dự án nông thôn mới của Trung ương, nhiều xã của huyện Phước Sơn đầu tư mở rộng diện tích trồng ba kích, sa nhân tím, đảng sâm.

Giai đoạn 2016 - 2018, trên địa bàn có gần 100 hộ tham gia trồng dược liệu, chủ yếu cây ba kích, sa nhân tím, đảng sâm với diện tích 70ha. Tổng nguồn kinh phí hỗ trợ qua các năm hơn 2 tỷ đồng.

Hiện, có 5 đơn vị đăng ký khảo sát, lập dự án đầu tư trồng dược liệu trên địa bàn.

Tại xã Phước Chánh, chủ rừng là Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắc My đã khoanh vùng, xác lập thành khu bảo tồn gen ba kích đặc hữu.

Chủ trương của tỉnh sẽ tiếp tục nhân giống mở rộng vùng trồng tại các khu rừng đặc dụng, phòng hộ có điều kiện tự nhiên, tương tự như khu vực rừng phòng hộ Đắk Mi.

Theo ngành nông nghiệp, cây giống ba kích, sắp tới sẽ được cấp về cho các đội bảo vệ rừng chuyên trách, để trồng tại khu vực đơn vị quản lý sau khi thay đổi hình thức giao khoán rừng từ nhóm hộ, cộng đồng thôn sang đội bảo vệ rừng chuyên trách.

Ngoài ra, giống ba kích tím cũng được hỗ trợ cấp cho người dân tự trồng và phát triển thương mại.

Trong chuyến công tác đến “thủ phủ” ba kích tím,  xã Phước Chánh  chúng tôi ghi nhận một quần thể rừng ba kích tự nhiên, phân bố tập trung lẫn rải rác trong lâm phận rừng phòng hộ Đắc Mi, theo ước tính của Chi cục Kiểm lâm, trên dưới 1.000ha.

Sau khi phát hiện loài cây dược liệu quý này, chính quyền tỉnh và huyện Phước Sơn đã lên kế hoạch bảo vệ nghiêm ngặt, tính toán thu hút doanh nghiệp vào, để làm tốt công tác bảo tồn và phát triển thương mại.

Tháng 6.2018, huyện Phước Sơn đầu tư trên 300 triệu đồng, xây dựng chốt bảo vệ trong rừng, lập hàng rào khoanh vùng thực địa, để cán bộ kiểm lâm thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắc Mi dễ theo dõi, bảo vệ.

Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắc Mi - ông Nguyễn Văn Tình cho biết, với những diện tích rừng phòng hộ có ba kích tím mọc tự nhiên, đơn vị cắt cử kiểm lâm, nhân viên hợp đồng, liên tục tuần tra, kiểm soát chặt chẽ.

Từ ngày phát hiện quần thể ba kích tím, chính quyền các cấp, các chương trình mục tiêu quốc gia đã quan tâm hỗ trợ kinh phí trồng, bảo tồn nhân giống.

Đặc biệt, các vụ phá rừng phòng hộ Đắc Mi vừa qua, đã lộ rõ những bất cập của hình thức giao khoán rừng cho cộng đồng, nhóm hộ.

Từ các dự án trồng rừng, Phước Sơn đã đúc kết kinh nghiệm thực tiễn, nhân rộng các mô hình phát triển rừng hiệu quả.

Ngoài các chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định 99 của Chính phủ, Nghị định 75, giai đoạn 2016 - 2021, người dân được nhận hỗ trợ bình quân 300 nghìn đồng/ha/năm.

Theo kế hoạch, tháng 8 này, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắc Mi, và Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh hoàn thành phương án trình UBND tỉnh phê duyệt, tổ chức thành lập các tổ bảo vệ rừng chuyên trách, triển khai trên diện tích lâm phận của hai chủ rừng này.

Theo Phòng Nông nghiệp huyện Phước Sơn, mỗi năm người dân  trồng hơn 800ha rừng sản xuất (kể cả trồng mới, và sau khai thác trồng lại).

Hiện, địa phương đang lập dự án triển khai kế hoạch trồng rừng gỗ lớn năm 2019, hỗ trợ nhân dân trồng 100ha cây keo tai tượng Úc.

Ngoài ra, Công ty CP Đầu tư và phát triển lâm nghiệp Quảng Nam đang lập dự án án trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa trồng rừng gỗ lớn với tổng diện tích 4.050ha.

Khó nhất của Phước Sơn là quản lý giống lâm nghiệp, nhất là đối với các hộ gia đình sản xuất giống nhỏ lẻ, tự phát.

Chính quyền chưa có phương án, kế hoạch cụ thể về khai thác, sử dụng sản phẩm dưới tán rừng. Nhân dân dè dặt trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng trồng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn - Nguyễn Quảng đề nghị, tỉnh cho phép Phước Sơn thực hiện kết quả rà soát, bổ sung quy hoạch dược liệu, do địa phương thực hiện, nhằm tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư, bảo tồn và phát triển dược liệu trên địa bàn.

“Chúng tôi đề nghị bổ sung Nghị quyết 202 của HĐND tỉnh, về bảo tồn, phát triển dược liệu ở nội dung tăng số loài cây được hỗ trợ trong nghị quyết, phù hợp với thực tiễn, vì hiện nay Phước Sơn mới có 3 loài cây là đảng sâm, ba kích tím và sa nhân được hỗ trợ.

Đồng thời, đề nghị công nhận Phước Sơn đã di thực thành công sâm Ngọc Linh, để có cơ sở triển khai dự án theo cơ chế đầu tư của tỉnh” - ông Quảng đề xuất.

Để tháo gỡ rào cản trong phát triển kinh tế rừng, Phước Sơn cũng kiến nghị UBND tỉnh sớm phê duyệt chủ trương đầu tư trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn; cấp kinh phí đo đạc, lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông, lâm nghiệp cho đồng bào miền núi, theo chỉ tiêu đề ra.

Cần Thơ: Dưa hấu chỉ còn 4.000 -4.500 đồng/kg 

Sau một thời gian ở mức khá cao, giá dưa hấu tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh vùng ĐBSCL giảm mạnh trở lại, từ 2.000-3.000 đồng/kg so với cách đây hơn 2 tuần.

 

dua-33.jpg

Thu hoạch dưa hấu tại quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ

Hiện các loại dưa hấu thông thường như dưa thành long, tiểu long, hắc mỹ nhân, dưa hấu đường... được nhiều nông dân bán buôn cho thương lái chỉ còn ở mức 4.000-4.500 đồng/kg, giá bán lẻ trên thị trường khoảng 5.000-8.000 đồng/kg, tùy loại.

Giá dưa hấu hạt lép ở mức 5.000-6.000 đồng/kg. Giá dưa giảm do đang bước vào thu hoạch rộ, nguồn cung tăng, trong khi đó sức mua dưa trên thị trường lại có xu hướng giảm.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của mưa, bão làm nhu cầu tiêu thụ dưa; chất lượng trái dưa cũng giảm. Theo nhiều nông dân ở TP Cần Thơ, với giá bán hiện nay, nông dân vẫn có lời, nếu năng suất ruộng dưa đạt từ 3-4 tấn/công trở lên.

 

 

An Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top