Không tốn nhiều công chăm bón như một số giống cây trồng khác nhưng ngô (bắp) nếp lai CX 247 vẫn đem lại thu nhập khá. Giống ngô mới này thực sự trở thành món quà cho nông dân Tây Nguyên.
Chị Nguyễn Thị Hằng, ở thôn Đối Đá, xã Krông Buk (Krông Pắk - Đắk Lắk) cho biết, ngô nếp lai CX 247 có thể trồng được quanh năm, tuy nhiên, để đạt năng suất cao, bà con nên tính toán thời vụ gieo trồng để tránh bắp trổ cờ, phun râu vào các tháng nóng khô, trái khó đậu hạt. “Ngô nếp thường để bán ăn tươi nên chỉ sau hơn 2 tháng là tôi bắt đầu thu hoạch, do vậy tiền phân bón, thuốc trừ sâu cũng ít tốn kém hơn những loại cây trồng khác. Như nhà tôi, mỗi vụ chỉ cần bón ít phân lót và bón thúc 1 lần vào giai đoạn xoắn nõn, kết hợp xới xáo, vun gốc chống đổ là yên tâm”, chị Hằng chia sẻ.
Sự vượt trội của bắp nếp lai CX 247 được chứng minh sau khi trồng mô hình thử nghiệm tại thôn Đối Đá, xã Krông Buk.
Để chứng minh cho nông dân hiểu rõ về giống bắp lai CX 247, vụ đông xuân vừa qua, Công ty CP Giống cây trồng miền Nam - Chi nhánh Tây Nguyên đã phối hợp với Hội Nông dân xã Krông Buk xây dựng mô hình trình diễn tại hộ ông Nguyễn Văn Thành (thôn Đối Đá) trên diện tích 2.000m2, mật độ gieo 5.300 cây/1.000m2, trừ tỷ lệ hao hụt còn thu được 10.200 trái. Với giá bán tại ruộng 2.000 đồng/trái, ông Thành thu về 20,4 triệu đồng, trừ chi phí, lãi 16,9 triệu đồng.
Ông Thành chia sẻ: “So với các giống ngô nếp khác, ngô nếp lai CX 247 sinh trưởng, phát triển khỏe, bộ rễ chân kiềng, chiều cao cây và chiều cao đóng trái thấp (1,75m và 0,8m) nên khả năng chống đổ ngã tốt. Bộ lá gọn, tán lá đứng, cờ xòe, râu nhiều và khỏe, giúp khả năng thụ phấn, đậu hạt tốt, nhất là trong giai đoạn thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn của cây.
Đánh giá về giống ngô lai này, ông Dương Tiến Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Krông Buk, cho biết: “Ở Tây Nguyên, hiện tượng nhiễm bệnh sọc lá trên cây ngô nếp đang là nỗi lo của nông dân, việc tìm ra một giống ngô mới có khả năng kháng được bệnh sọc lá là một nhu cầu cấp thiết. Kết quả thật bất ngờ, ở các điểm trình diễn, ngô nếp lai CX247 đều phát triển tốt, không bị nhiễm bệnh sọc lá. Qua thu thập ý kiến từ phía nông dân và thương lái, có thể khẳng định, ngô nếp lai CX247 thể hiện những ưu điểm vượt trội so với các giống ngô nếp thông thường”.
Ông Nguyễn Trung Dũng, Giám đốc Công ty CP Giống cây trồng miền Nam (SSC) - Chi nhánh Tây Nguyên, cho biết: CX247 là giống ngô nếp do đội ngũ các nhà khoa học của SSC nghiên cứu và lai tạo. Vừa qua, SSC đã trồng khảo nghiệm nhiều mô hình ở các vùng sinh thái khác nhau. Ở tất cả các điểm trình diễn, CX247 đều có những ưu điểm vượt trội so với đối chứng. Trong vụ hè thu tới, chúng tôi sẽ cung ứng giống ra thị trường, hy vọng sẽ mang đến cho nông dân trên cả nước một giống ngô nếp mới có năng suất, chất lượng cao”.
Là thương lái thu mua ngô nếp nhiều năm, chị Hồ Thị Thu, ở huyện Krông Pắk, chia sẻ: Ngô nếp lai CX 247 cho dạng trái thon dài, bao kín trái, vỏ bì mỏng, hạt đóng múp đầu, hàng hạt thẳng, có màu trắng sữa. Chất lượng ăn tươi dẻo, ngọt, thơm, có vị đậm, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng nên cánh thương lái rất ưa chuộng”.
Hiệu quả của giống ngô nếp CX 247 đã được khẳng định. Chắc chắn trong những mùa vụ tới, giống ngô này sẽ được đưa vào cơ cấu cây trồng chính của nhiều địa phương ở Tây Nguyên.
Ngô nếp lai đơn CX 247 là giống ngắn ngày, thời gian thu hoạch trái tươi đối với vụ hè thu 65 - 67 ngày, vụ đông xuân 83 - 85 ngày; trồng được quanh năm trên đất tưới tiêu chủ động. Dáng cây thấp, sinh trưởng mạnh, độ đồng đều cao, tán lá gọn, chống chịu đổ ngã, kháng bệnh gỉ sắt, khô vằn và cháy bìa lá rất tốt. Tỷ lệ trái loại 1 trên 90%, phẩm chất ngon, dẻo, thơm, năng suất trái tươi còn vỏ đạt từ 18 - 20 tấn/ha. |
Bá Thăng
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.