Nghề làm nấm rơm không cầu kỳ, chẳng đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao, chỉ cần kiên trì, nhẫn nại sẽ thành công. Với tất cả sự nhiệt huyết, anh Nguyễn Toàn ở thôn Lê Xá Đông, xã Phú Lương, huyện Phú Vang (Thừa Thiên-Huế) đã có cuộc sống ổn định nhờ nghề này.
Anh Toàn kiểm tra sự phát triển của nấm rơm.
Thôn Lê Xá Đông từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm nấm rơm. Từ nguyên liệu rơm (rạ) tận dụng sau khi thu hoạch lúa, cộng với sự cần mẫn của người nông dân, đã tạo ra những chồi nấm mềm mại, nõn nà, ngọt lịm hương vị của vùng quê miền Trung.
Anh Nguyễn Toàn được coi là người trồng nấm giỏi nhất làng Lê Xá Đông. Anh cho biết: Nếu đơn thuần chỉ làm ruộng thì cuộc sống có lẽ cứ dậm chân tại chỗ. Sau nhiều lần suy nghĩ, anh quyết định phát triển nghề làm nấm rơm để có thêm thu nhập cho con cái học hành và xây dựng nhà cửa. Khi mới vào nghề, anh chỉ làm 1 vòm nhưng thấy thu nhập không được cải thiện là bao so với trồng lúa nên anh mở rộng ra 4 vòm và sản xuất đều đặn quanh năm.
Theo anh Toàn, làm nấm rơm không khó, không đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao mà chỉ cần chịu khó, thức khuya dậy sớm. Hơn nữa, nguyên vật liệu làm nấm cũng dễ tìm, đó là rơm rạ sẵn có ở địa phương. Ngoài 2ha lúa của gia đình, anh còn mua thêm rơm từ các vùng lân cận về dự trữ trong vườn để làm nấm.
Anh Toàn cho biết: Mùa hè tốc độ sinh trưởng của nấm nhanh hơn các mùa khác. Hái nấm theo hình thức cuốn gói, cứ hái vòm này xong thì đóng đinh vòm kia, ủ rơm vòm khác để dự trữ nên tháng nào cũng có nấm thu hoạch. Ngày thường, giá nấm giao động trong khoảng 70.000 - 80.000 đồng/kg, còn ngày lễ, Tết có thể lên đến 120.000 - 130.000 đồng/kg. Bình quân, cứ mỗi vòm sẽ cho thu nhập 2-3 triệu đồng/tháng. Như vậy, mỗi năm gia đình anh Toàn thu về khoảng 100 triệu đồng từ việc trồng nấm rơm. Đây thực sự là mức thu nhập đáng mơ ước của nông dân vùng quê nghèo của anh.
Bên cạnh đó, chi phí làm nấm cũng không quá tốn kém. Nhà vòm chỉ đầu tư một lần rồi sử dụng hơn 10 năm mới hỏng; rơm rạ thì tranh thủ khi thu hoạch lúa mua dự trữ (giá 120.000 đồng/sào rơm), meo để ủ rơm (2.000 - 3.000 đồng/ cục) có bán sẵn trên thị trường. Vào mùa đông, phải tốn thêm chi phí mua than để sấy rơm, đồng thời phải vây ráp vòm kín đáo hơn mùa hè.
Theo anh Toàn, điều thuận lợi để phát triển nghề trồng nấm rơm ở thôn Lê Xá Đông là thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng, không những ở phạm vi tỉnh Thừa Thiên- Huế mà còn cung cấp cho nhiều địa phương khắp trong Nam, ngoài Bắc. Thương lái tìm đến tận nhà để thu mua, vào các dịp lễ lớn như Rằm tháng Bảy, ngày Phật đản và đặc biệt là Tết Nguyên đán, thậm chí còn không có hàng để cung cấp cho người tiêu dùng.
Những người làm nấm ở Lê Xá Đông cho biết, vướng mắc hiện nay mà người làm nấm đang gặp phải là chất lượng của cọng rơm (rạ), vì hiện nay nông dân chủ yếu thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp nên rơm bị nhàu nát, không đủ tiêu chuẩn để làm nấm. Do đó, người làm nấm phải “đặt hàng” để nhà nông gặt lúa theo phương thức thủ công truyền thống (gặt tay) mới có được cọng rơm nguyên vẹn, như ý, nên chi phí cho nguyên liệu làm nấm rơm đang dần trở nên… đắt đỏ.
Với nhiều triển vọng đang mở ra và những con người tâm huyết như anh Toàn, chắc chắn nghề làm nấm rơm ở Lê Xá Đông sẽ ngày càng phát triển.
Võ Văn Dần
Mê nông nghiệp, lão nông Nguyễn Hữu Công (Sáu Công) ở ấp Phụng Sơn, xã Song Phụng, huyện Long Phú đã đem chanh dây ghép với gốc nhãn lồng (cây lạc tiên) cho ra cây chanh dây ngọt “độc nhất, vô nhị” tại tỉnh Sóc Trăng. Hiện nay, chanh dây ngọt mang tên “Sáu Công” nổi tiếng khắp tỉnh, thành trong cả nước và mang về cho ông Sáu Công thu nhập cả tỉ đồng mỗi năm.
Thành phố Hội An (Quảng Nam) những năm qua đã nổi lên như một trung tâm tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ kết hợp với du lịch trải nghiệm. Việc tích hợp nông nghiệp và du lịch không chỉ tạo ra nguồn thu nhập mới cho người dân mà còn xây dựng một mô hình phát triển bền vững, thân thiện với môi trường. Trong đó, vườn rau thôn Thanh Đông, xã Cẩm Thanh là một ví dụ điển hình.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.