Đến thời điểm này, hầu như nhà nào ở Tân Kỳ (Nghệ An) cũng tự sản xuất phân hữu cơ vi sinh, từ vài tấn đến hàng trăm tấn/năm.
Sử dụng phân hữu cơ không những giúp cải tạo đất cho cây trồng phát triển, giúp sạch làng, sạch ngõ do tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp mà còn giúp tiết kiệm chi phí.
Nhà nhà sản xuất phân hữu cơ
Năm 2009, Hội Làm vườn huyện Tân Kỳ trình UBND tỉnh Nghệ An đề tài khoa học chế biến phân hữu cơ vi sinh. Hai năm sau, tỉnh chấp nhận, giao Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện thí điểm tại địa phương từ năm 2011 đến nay. Hiện, phong trào sản xuất phân hữu cơ của Tân Kỳ dẫn đầu tỉnh Nghệ An.
Ông Võ Văn Thanh ở xóm 4 (xã Nghĩa Hành) cho biết, gia đình chỉ còn 2 vợ chồng, các con đã ra ở riêng, canh tác trên 1,5ha nông trại từ năm 2015 đến nay; chủ yếu trồng cam, bưởi (khoảng 300 cây), còn lại là hồng, mít không hạt...
Công việc nhiều, song vợ chồng ông vẫn sắp xếp thời gian khoa học, nuôi thêm 4 con bò, vừa tăng thu nhập, vừa lấy nguồn phân để ủ phân hữu cơ vi sinh. Sản xuất phân hữu cơ vi sinh không những giúp cải tạo đất tơi xốp, nhất là những vùng bán sơn địa ở Tân Kỳ, chủ yếu đất cằn cỗi, bạc màu, mà còn làm sạch vườn, sạch ngõ, do rác thải nông nghiệp được tận dụng làm phân. Vì vậy, tuy nhà neo người, nhưng vợ chồng ông vẫn quyết tâm “phủ kín” phân hữu cơ tự chế cho cây cối trong vườn.
Năm 2018, ngoài lượng phân từ 4 con bò, ông Thanh còn mua thêm 5 xe công nông phân chuồng, ủ 2 mẻ phân hữu cơ, bình quân 3 tấn/mẻ, phân ủ 4 - 5 tháng thì sử dụng. Lượng phân này đủ dùng cho nông trại trong cả năm. Phụ phẩm để ủ phân gồm: cỏ trong vườn, thân lá cây ngô, sắn, chuối và rác thải hữu cơ như vỏ cam, chuối, mít, bưởi…, những phụ phẩm này có sẵn rất nhiều ở địa phương. Ngoài ra, ông còn bón thêm phân vi sinh (dạng viên nhỏ) của Nhật Bản và phân vô cơ của Lào Cai.
Ở xã Đồng Văn, ông Nguyễn Đình Chất ở xóm Thung Mòn là người tiên phong ủ phân hữu cơ. Ông cho biết, gia đình trồng mía trắng phục vụ giải khát 3-4 năm nay và có “đầu ra” rất rộng mở. Riêng từ đầu năm tới nay, gia đình ông đã bán 100 tấn mía tại TP. Vinh, thu lãi 150 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình còn chăn nuôi 6 con bò, 2 ao cá, dự kiến sắp tới trồng thêm 6ha chuối và đu đủ. Mía trồng sau một năm mới cho thu hoạch và cần bón phân hữu cơ vi sinh để cải tạo đất, chống bạc màu. Khi Tân Kỳ phát động phong trào ủ phân hữu cơ, ông Chất tham gia ngay từ đầu.
Đặc biệt, năm 2018, ông Chất còn sáng chế thành công máy nghiền phụ phẩm nông nghiệp và đặt hàng cho Nhà máy Cơ khí Vinh chế tạo. Nhờ có máy, ông đã sản xuất được 40 tấn phân hữu cơ vi sinh, trong đó, 30% từ phân chuồng, còn lại 70% là phụ phẩm nông nghiệp. Hiện, rác thải nông nghiệp ở địa phương rất sẵn, ví như, rơm rạ, cây chuối, dây khoai lang. Hoặc cây sắn, bà con thu hoạch từ trong rẫy ra, vứt đầy đường, nhiều khi không dọn kịp, bốc mùi hôi thối.
Ông Thanh bao trái cây.
“Từ nguồn phụ phẩm nông nghiệp phong phú ở địa phương, dự kiến, sang năm 2020, tôi sẽ sản xuất 200 tấn phân hữu cơ vi sinh, vừa để bón cho cây trồng, vừa cung cấp cho bà con có nhu cầu. Không sợ phân ế, nếu chất lượng tốt, rất dễ bán. Làm nông nghiệp, thắng lợi ở chỗ, không bỏ đi thứ gì, đầu ra của sản phẩm này là đầu vào của sản phẩm kia; vừa có thu nhập từ sản phẩm chính, vừa có nguyên liệu để sản xuất phân hữu cơ. Nếu không có nguồn phân này, bình quân mỗi năm gia đình phải tiêu tốn 25 - 30 triệu đồng mua phân bón. Qua theo dõi ở Tân Kỳ, tôi thấy chỉ cần bón phân hữu cơ vi sinh trong 1 năm, đã thấy hiệu quả ngay, đất rất tơi xốp”, ông Chất chia sẻ.
Quyết tâm để thành công
Đó là nhấn mạnh của ông Trần Tử Bá, người đứng đầu Hội Làm vườn Tân Kỳ. Ông cùng hội viên thảo luận, xây dựng Đề án sản xuất phân hữu cơ, trình UBND tỉnh Nghệ An và tổ chức thực hiện để có thành công như ngày nay.
Trao đổi với chúng tôi về việc “phủ sóng” phân hữu cơ cho cây trồng, ông Bá cho biết: “Sau một năm HLV Tân Kỳ trình đề tài sản xuất phân hữu cơ, năm 2010, Nghệ An thử nghiệm thành công tại xã Tân An. Sau khi có kết quả vượt trội trên cây trồng, từ năm 2011 - 2015, những hộ đăng ký sản xuất từ 1 tấn phân hữu cơ trở lên/năm, đều được hỗ trợ kinh phí. Năm 2016 trở đi, cơ chế này không chỉ gói gọn ở Tân Kỳ, mà phổ biến trong toàn tỉnh Nghệ An; áp dụng cho những hộ đăng ký sản xuất từ 2 tấn phân hữu cơ/năm trở lên. Tuy nhiên, đến nay, mới có 6 - 7 địa phương trong tỉnh thực hiện được như Tân Kỳ.
Trong đó, Tân Kỳ là đơn vị duy nhất, có số lượng lớn, hiệu quả cao, và cũng là địa phương bền bỉ nhất, quyết tâm nhất trong việc duy trì, phát triển mô hình phân hữu cơ vi sinh, kể từ khi ra đời đến nay. Hiện, đang có 7.000 - 8.000 hộ/30.000 hộ, được thụ hưởng chính sách nói trên; số còn lại, bà con tự mua nguyên liệu về sản xuất.”
Chú trọng phát triển nông nghiệp sạch
Năm 2019, Tân Kỳ tiếp tục triển khai chương trình sản xuất phân bón hữu cơ và được tỉnh Nghệ An hỗ trợ theo Nghị quyết 14 của HĐND, về sản xuất phân hữu cơ vi sinh. Trong 6 tháng đầu năm 2019, Hội đã tiếp nhận 2.500kg chế phẩm Compost Maker để sản xuất 1.250 tấn phân hữu cơ vi sinh; 250kg Balasa-N01 để làm 5.000m2 đệm lót sinh học cho gà.
Đồng thời, địa phương cũng đã tiếp nhận các loại chế phẩm, nguyên liệu để sản xuất phân hữu cơ, đợt 2 năm 2019, gồm 2.500kg Compost Maker để sản xuất 1.250 tấn phân hữu cơ theo chỉ tiêu tỉnh Nghệ An giao hàng năm; 1.000kg BaiôZin để xử lý 125ha đất trồng rau vụ thu - đông 2019.
Mặt khác, Hội còn liên kết với Tập đoàn TH sản xuất ngô sinh khối, làm thức ăn cho bò sữa ở Nghĩa Bình, Nghĩa Dũng, Nghĩa Đồng, Kỳ Tân. Đồng thời, hình thành chuỗi liên kết để bà con được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Mở rộng mô hình trồng xen cây họ Đậu trong ruộng mía, theo kết quả chuyển giao của Liên hiệp các hội khoa học, kỹ thuật huyện, tại các xã: Giai Xuân, Tân Xuân, Tân Phú, Kỳ Sơn…
Ngoài ra, việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, thành lập HTX kiểu mới, làng nghề cũng được Hội chú trọng, để giúp hội viên, nông dân tiêu thụ sản phẩm bền vững. Đáng ghi nhận là, Hội đã phổ biến, hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình VietGAHP trong chăn nuôi bò thịt thành công ở các xã Nghĩa Đồng, Tân Phú, Nghĩa Thái, Nghĩa Bình. Chú trọng phát triển nông nghiệp sạch, không sử dụng tràn lan thuốc BVTV hóa học; làm nhà lưới, nhà màn; bao trái để hạn chế côn trùng gây bệnh ở một số vùng cây ăn quả lớn như Tân Phú, Tân An, Tân Long, Nghĩa Phúc…
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.