Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 15 tháng 9 năm 2017 | 1:35

Người làm vườn Tam Đảo: Chú trọng phát triển cây-con đặc sản

Nhiều năm trở lại đây, người làm vườn Tam Đảo (Vĩnh Phúc) ngày càng chú trọng nuôi trồng cây, con đặc sản và cây dược liệu bởi đây là địa phương có khí hậu ôn hòa, lại có khu du lịch Tam Đảo nổi tiếng, thuận lợi cho việc tiêu thụ các loại đặc sản. Tuy nhiên, để trở thành hướng đi mũi nhọn, còn nhiều việc phải làm.

Ông Đại chăm sóc vườn trà hoa vàng 3 năm tuổi.

Ông Nguyễn Văn Đại ở xã Tam Quan cho biết, từ nhiều năm trước, thương lái Trung Quốc đã sang mua trà hoa vàng ở rừng Tam Đảo, lúc đó người dân đổ xô lên rừng đào cây để bán. Chỉ đến khi cây trên rừng cạn kiệt, người dân Tam Đảo mới ý thức được đây là cây thuốc quý, chữa trị được nhiều bệnh nan y như: ung thư, tiểu đường, tim mạch… Lúc này, bà con mới bắt đầu mua gốc, cành về ươm trồng.

Là một trong những người đi đầu trong phong trào trồng cây dược liệu, hiện ông Đại có vườn trà hoa vàng 2 mẫu, 5-6 năm tuổi cùng 1 vạn gốc trà từ 3 - 20 năm tuổi. Ông Đại cho biết, giá trà ngày càng tăng, hiện đã lên tới 15 -20 triệu đồng/kg hoa khô, bình quân mỗi năm gia đình ông thu được 30-40kg. Vài năm trở lại đây, ngoài ông Đại, các hộ dân ở 2 xã ven chân núi Tam Đảo là Đại Đình, Tam Quan đều tham gia trồng trà hoa vàng.

Không lựa chọn trồng cây dược liệu nhưng những hộ đầu tư nuôi con đặc sản như hon, dúi, cầy hương, nhím cũng cho thu nhập cao. Ông Dư Văn Hai ở xã Minh Quang cho biết: Năm 1999-2000, ông đi rừng bắt được 3-4 con dúi nằm trong gốc tre. Đưa về làm thịt một con ăn thử; những con còn lại ông nhốt trong chuồng, không ngờ thời gian bị nhốt, dúi đã đẻ con. Ông liền nghĩ ngay đến cách làm chuồng để nuôi dúi, nhưng do lần đầu tiên tiếp xúc với loài vật này nên ông rất bỡ ngỡ. Chợt nhớ dúi ở trong rừng ăn gốc, thân cành tre, nứa, ông đã chặt khúc cho chúng ăn, thật bất ngờ, dúi lớn nhanh và thích nghi dần với điều kiện nuôi nhốt. Sau thành công bước đầu, ông mở rộng thức ăn cho dúi bằng các loại thực phẩm sẵn có như: ngô, khoai, sắn…

Còn nhớ, năm 2003 - 2004, ông Hai đem dúi đi bán cho các nhà hàng ẩm thực ở Tam Đảo nhưng không ai biết đó là con gì, phải giải thích rất nhiều vẫn không thuyết phục được. Phải mất một năm chào hàng cho khách ăn thử và 3-4 năm sau nữa mới có người mua, nhưng họ chỉ trả 20.000-30.000 đồng/kg, mỗi con dúi nặng 1-3kg chỉ có giá trên dưới 100.000 đồng. Mặc dù giá rất thấp và không có lãi, nhưng ông Hai vẫn không nản chí, tiếp tục nuôi và kiên trì giới thiệu với khách hàng, chờ ngày bán được giá đích thực của sản phẩm. Rất may, vài năm gần đây, dúi từng bước tăng giá, có lúc lên đến 300.000 - 350.000 đồng/kg. Đặc biệt, từ đầu năm 2007 đến nay, dúi tăng giá chóng mặt, đạt 400.000 - 450.000 đồng/kg, có thời điểm lên tới 500.000 đồng/kg song vẫn “cháy” hàng. Nếu như lúc đầu các nhà hàng chưa biết nấu nướng, chế biến, chỉ biết nấu riềng mẻ, thì nay đã biết làm nhiều món đắt khách như: xào lăn, hấp, om riềng mẻ, lẩu...  

Sau khi nuôi dúi thành công, ông Hai còn nuôi hon (gần giống như dúi), nhím, cày hương. Hon có hình dáng giống dúi nhưng có đuôi dài, lông như nhím nhưng mềm hơn. Hon dễ nuôi hơn dúi, nhưng lại chậm lớn và khó đẻ, điều này ông cũng như các nhà khoa học chưa nghiên cứu được. Giá bán hiện tại lên đến 1,1-1,2 triệu đồng/kg. Ngoài ra, ông còn nuôi cầy hương và cầy mốc. Cầy hương  nặng khoảng 4 -5kg/con, cầy mốc có con nặng tới 8-9kg. Cầy khó nuôi hơn dúi và khó đẻ, nhưng giá bán khá cao, 1,2-1,4 triệu đồng/kg. Ông Hai bắt đầu nuôi cày cách đây 5-6 năm, giá cày giống lúc đó là 16 triệu đồng/đôi. Hiện, trang trại của ông có 300-400 con dúi, còn lại là hon, nhím, cày hương mỗi thứ vài chục con, lãi ròng 300-350 triệu đồng/năm.

Do Tam Đảo chưa có tổ chức Hội Làm vườn (HLV) nên HLV tỉnh Vĩnh Phúc gần như “kiêm nhiệm” luôn mọi hoạt động, phong trào ở đây. Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch HLV tỉnh Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Tuấn Hùng, cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục xây dựng và phát triển tổ chức Hội ngày càng vững mạnh. Động viên tinh thần nhiệt tình, khả năng lao động sáng tạo, đoàn kết của hội viên trong giúp đỡ nhau phát triển kinh tế VAC. Trao đổi kinh nghiệm, ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cây trồng - vật nuôi. Tổ chức các hoạt động dịch vụ cung ứng vật tư, kỹ thuật nuôi trồng cây-con giống mới, cơ sở vật chất kỹ thuật về bảo quản chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Nêu gương điển hình làm kinh tế VAC giỏi; tranh thủ sự quan tâm của các cấp uỷ, chính quyền từ huyện thị đến cơ sở trong việc củng cố, phát triển tổ chức Hội. Chuẩn bị thành lập HLV Tam Đảo; chỉ đạo việc sinh hoạt câu lạc bộ trang trại theo quy chế đề ra. Phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Phát triển nông thôn, Hiệp hội doanh nghiệp, Liên minh HTX, mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người làm vườn”.  

Dương An Như

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Cây trồng “khát” nước, người dân như ngồi trên đống lửa

    Cây trồng “khát” nước, người dân như ngồi trên đống lửa

    Mới đầu hè, các huyện miền núi tỉnh Phú Yên như Sông Hinh, Sơn Hoà, Đồng Xuân đã đối mặt với “cơn khát”, khi nhiều ao hồ khô cạn, cây trồng thiếu nước...

  • Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa

    Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa

    Tỉnh Đồng Nai vừa ban hành Kế hoạch số 145 về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa trên địa bàn năm 2024, nhằm thực hiện việc chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả, không đảm bảo nước tưới, năng suất thấp sang trồng các loại cây hàng năm, lâu năm và nuôi trồng thuỷ sản để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho các hộ sản xuất.

  • Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã và đang nỗ lực triển khai các mô hình hỗ trợ sinh kế, bước đầu đạt kết quả khả quan, tạo động lực cho người dân trong hành trình thoát nghèo.

Top