Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 24 tháng 6 năm 2016 | 1:48

Người nặng lòng giấc mơ làm giàu từ vườn của nông dân

Mười bốn năm gắn bó với những vườn cây ăn trái; dành cả tuổi trẻ sôi nổi để gây dựng và phát triển các mô hình nông nghiệp giúp nông dân thoát nghèo. Đó là câu chuyện mà người Đồng Tháp hôm nay vẫn hay kể cho nhau nghe với lòng mến yêu về Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh mình, anh Lê Văn Tâm.

Những bước đi gian khó đầu tiên

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm HTX xoài Mỹ Xương.

Tốt nghiệp đại học với hai tấm bằng trồng trọt và quản trị kinh doanh, anh Tâm không hề ngần ngại chọn gắn bó đời mình với nghề nông nghiệp. Năm 2002, anh nhận quyết định về công tác tại Sở Nông nghiệp Đồng Tháp, phụ trách mảng kĩ thuật cho Hội Làm vườn tỉnh. Thuở ấy, Hội còn chưa có tên riêng mà chỉ hoạt động với một Ban chấp hành lâm thời. Buổi đầu nhiều gian khó nhưng anh Tâm không nản lòng. Anh xin đi học để tìm hiểu thêm về Hội Làm vườn và các chi hội đang hoạt động tại các tỉnh. Trở về, anh bắt tay vào xây dựng, củng cố tổ chức Hội, phát triển thêm các cơ sở trên địa bàn. Một trong những thành công đầu tiên của anh là thành lập Hội Làm vườn Đồng Tháp đã được Ban chấp hành Trung ương Hội chấp thuận năm 2004. Hội có tên riêng đồng nghĩa với một chặng đường phát triển mới mở ra cùng nhiều cơ hội và thách thức hơn.  

Cuối năm 2004, anh Lê Văn Tâm được TS.Võ Mai, Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, hướng dẫn tham gia dự án “Phát triển mô hình cây ăn trái theo hướng VietGAP”. Thời điểm đó, Đồng Tháp chưa có hợp tác xã (HTX) cây ăn trái nào. Vậy là anh lại “khăn gói” đi học hỏi kinh nghiệm từ các tỉnh đã xây dựng mô hình HTX thành công như Nghệ An, Trà Vinh. Với tâm niệm học hỏi cái mới, cái hay nhưng không bắt chước mà về triển khai theo cách riêng của mình, anh xây dựng hai tổ hợp tác đầu tiên là xoài Mỹ Xương và quýt hồng Lai Vung với nhiều quyết tâm và kỳ vọng.

Nhưng thành công không đến dễ dàng. “Thời gian đầu đưa mô hình HTX về triển khai ở Đồng Tháp, bà con nông dân chẳng mấy mặn mà với việc tham gia. Có người hỏi tôi: Vào được cái gì? Vậy là tôi lại phải kiên trì đi vận động từng nhà một, chỉ cho họ thấy cái lợi về lâu dài khi trở thành tổ viên của HTX. Bà con vào tổ hợp tác sẽ được hướng dẫn kĩ thuật, được kết nối với doanh nghiệp, thậm chí bao tiêu đầu ra. Dần dà nhiều người đã hiểu ra và tình nguyện nộp đơn xin làm hội viên”, anh Tâm chia sẻ.

Từ 2 tổ hợp tác với vẻn vẹn 26 người tham gia vào năm 2006, đến nay, Hội Làm vườn Đồng Tháp đã xây dựng được 65 tổ hợp tác và 6 HTX (xoài Mỹ Xương, quýt hồng Lai Vung, nhãn Châu Thành, chanh Bình Thạnh, chanh An Nhơn, xoài Tân Thuận Tây) với diện tích hơn 600ha.

Với định hướng phát triển mô hình cây ăn trái theo hướng VietGAP phục vụ xuất khẩu, anh Tâm cho hay việc hỗ trợ người nông dân về mặt kiến thức khoa học - kĩ thuật là rất quan trọng. Anh là người đầu tiên có ý định mời các tiến sĩ, giáo sư đầu ngành nông nghiệp về các tổ hợp tác mở lớp giảng dạy cho bà con. Nhớ tới một kỉ niệm vui, anh cười chia sẻ: “Lần đó tôi mời TS. Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn trái miền Nam về giảng bài cho nông dân nhưng lại không đủ kinh phí để thuê xe đưa đón. Vậy là tôi đánh liều chở thầy trên chiếc xe máy cà tàng về tận vườn của người bà con để tổ chức lớp học. Tuy thiếu thốn, vất vả trăm bề nhưng may mắn là các lớp mở ra đều có rất đông bà con đến nghe giảng và nhiệt tình, hào hứng tiếp nhận  kiến thức mới”.

Gặt hái những mùa vui

Chủ tịch Hội Làm vườn Đồng Tháp Lê Văn Tâm (áo xanh) phát biểu trong một cuộc họp.

Sau hơn 10 năm triển khai hoạt động với nhiều nỗ lực, các chương trình, dự án anh Tâm thực hiện nhằm phát triển ngành hàng cây ăn trái trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã bước đầu đạt được nhiều thành quả nổi bật. Tham gia vào mô hình kinh tế hợp tác, nông dân có nguồn thu ổn định hơn, trung bình 7 - 8 triệu đồng/người/tháng, cao hơn nhiều so với khi tự mình sản xuất theo quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ.

Thời điểm Nhà nước có chính sách mở rộng thị trường xuất khẩu, anh Lê Văn Tâm và Hội Làm vườn Đồng Tháp đã tích cực nắm bắt, tận dụng cơ hội tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm từ các đối tác, doanh nghiệp nước ngoài. Nhờ tư duy cởi mở, năng động và cách làm đúng nên nhiều mặt hàng trái cây như nhãn Châu Thành, xoài Cao Lãnh... đã “qua cửa” kiểm định khắt khe của các thị trường lớn như Mỹ, Úc, Nhật, Nga, Hàn Quốc, New Zealand, Đài Loan (Trung Quốc)... một cách thuận lợi. Mỗi loại đều có số lượng xuất khẩu lên tới hàng trăm tấn với giá cao hơn 4 - 5 lần so với thị trường trong nước. Một tín hiệu vui khác là, gần đây các sản phẩm thanh long ruột đỏ Châu Thành, quýt đường Lai Vung… cũng đã được các đối tác nước ngoài đến đặt vấn đề hợp tác, bao tiêu đầu ra.

Từ những thành quả nổi bật đó, Hội Làm vườn Đồng Tháp đã được UBND tỉnh xét thành hội đặc thù, được cấp cơ sở làm việc và kinh phí hoạt động cho Hội từ cấp tỉnh đến xã, phường cũng như tạo điều kiện cho Hội tham gia các chương trình, dự án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Đây là một đặc quyền mà ít Hội Làm vườn tỉnh nào có được.

Để Đồng Tháp vươn lên trở thành điểm sáng về phát triển nông nghiệp như hôm nay có một phần công sức không nhỏ của Chủ tịch Hội Làm vườn nhiệt huyết Lê Văn Tâm. Từ những ngày đầu là cán bộ nông nghiệp bình thường cho đến khi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội Làm vườn Đồng Tháp, không lúc nào ngọn lửa đam mê và tinh thần hết lòng vì nghề, vì người trong anh lụi tắt. Mười bốn năm, một chặng đường dài với nhiều thành quả đáng tự hào, anh Lê Văn Tâm vẫn không nguôi nghĩ đến cái đích đặt ra từ thuở ban đầu để bước tiếp. Đó là niềm mong mỏi cho giấc mơ làm giàu trên mảnh đất cha ông của người dân quê anh được trở thành hiện thực.

Mới đây, trong dịp thăm và làm việc tại Đồng Tháp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm HTX xoài Mỹ Xương.  Báo cáo với Thủ tướng, ông Võ Việt Hưng, Giám đốc HTX Xoài Mỹ Xương, cho biết, HTX có tổng vốn điều lệ 420 triệu đồng nhưng lãi bình quân hằng năm lên tới 120 triệu đồng. Do sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, nên HTX có đại lý tiêu thụ ở nhiều nơi trong nước.

Năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, HTX đã xuất khẩu trên 200 tấn xoài sang các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Hồng Kông (Trung Quốc). Hiện nay, nhiều đối tác đã liên hệ với HTX để xuất khẩu sản phẩm sang một số thị trường mới như Malaysia, Australia.

Hiện HTX đang lập kế hoạch triển khai mô hình “Cây xoài nhà tôi”. Theo đó, các doanh nghiệp, cá nhân có thể mua và sở hữu một hoặc nhiều cây xoài trong một thời gian cụ thể. Bên bán có nhiệm vụ chăm sóc cây xoài đó. Việc canh tác trong quá trình sản xuất thực hiện theo tiêu chuẩn VietGap. Toàn bộ trái khi thu hoạch sẽ thuộc về người mua theo hợp đồng.

Đánh giá cao cách làm của HTX Mỹ Xương, Thủ tướng nhìn nhận, trong kinh tế thị trường mà chỉ sản xuất theo kinh tế hộ nhỏ, lẻ thì khó áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, không thể cạnh tranh được. Do đó, thành công của HTX chính là đã huy động được nhiều hộ tham gia, “nghĩ cho lợi ích của bà con hơn là lợi ích của HTX”.

“Đây là một trong những mô hình mới, thành công theo hướng tái cơ cấu nông nghiệp. Cần nhân rộng mô hình này tại các địa phương có đặc điểm giống như Đồng Tháp”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thu Phương

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Cà Mau: 1.860ha tôm-rừng đạt chứng nhận ASC Group

    Cà Mau: 1.860ha tôm-rừng đạt chứng nhận ASC Group

    Tổ chức chứng nhận Bureau Veritas trao chứng nhận ASC Group mô hình tôm - rừng ở xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Đây là chứng nhận ASC Group mô hình tôm - rừng đầu tiên lớn nhất ở Việt Nam và thế giới.

  • “Quả ngọt” từ cây riềng đỏ trên đất bazan

    “Quả ngọt” từ cây riềng đỏ trên đất bazan

    Trải rộng cả một vùng đất đỏ bazan gần 100 ha là màu xanh của riềng đỏ, loại cây dễ trồng, dễ tiêu thụ, mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tiêu chí tổ chức sản xuất và thu nhập của xã nông thôn mới Công Liêm (Nông Cống - Thanh Hóa).

  • Kỳ Sơn phát triển trồng dược liệu quý: Cơ hội và thách thức

    Kỳ Sơn phát triển trồng dược liệu quý: Cơ hội và thách thức

    Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.

  • Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre (Trung tâm) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án khuyến nông hỗ trợ nhà nông sản xuất các loại nông sản chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là một trong 85 doanh nông nhận được thư khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với dự án khởi nghiệp xanh tạo ra những sản phẩm phân bón hữu cơ từ trùn (giun) quế.

  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

Top