Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 15 tháng 8 năm 2022 | 11:44

Nguồn lực lớn sẽ được quản lý tốt hơn

Từ xa xưa, ông cha ta đã có câu “tấc đất tấc vàng”, nhưng giờ thì “đất còn đắt hơn vàng”.

Điều này đã gây nên nhiều hệ lụy trong xã hội. Bởi thế, trong phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 5, BCH Trung ương khóa XIII, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ một thực tế, thời gian qua “nhiều người giàu lên nhờ đất, nhưng cũng có không ít người nghèo đi vì đất, thậm chí bị đi tù cũng vì đất, mất cả tình nghĩa cha con, anh em vì đất... Không phải ngẫu nhiên mà trong thời gian qua có tới hơn 70% số vụ tố cáo, khiếu nại thuộc về lĩnh vực đất đai”.

Bởi vậy, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta thành nước phát triển có thu nhập cao  (tiêu đề của Nghị quyết 18-NQ/TW) là nội dung quan trọng hàng đầu của Hội  nghị lần thứ 5, BCH Trung ương khóa XIII.

 

660d4d14.jpg
Một dự án bỏ hoang ở khu đô thị Nhơn Trạch, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) - Ảnh: QL

 

Trên cơ sở quan điểm “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”, Nghị quyết 18 nhấn mạnh yêu cầu sớm hoàn thiện đồng bộ và phù hợp thể chế, chính sách về đất đai với thể chế nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai; kiên quyết khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực, khiếu kiện về đất đai, đầu cơ và sử dụng đất đai lãng phí, bảo đảm hài hoà lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, sử dụng hiệu quả đất đai, tạo nguồn lực và động lực mới để phấn đấu đến năm 2030 nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Nhiều nhà khoa học về quản lý kinh tế nhận định, Nghị quyết 18-NQ/TW là đột phá mang tính bước ngoặt về tư duy, nhất là việc là bãi bỏ khung giá đất, nhưng có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Và cho rằng, hầu hết các vụ tham nhũng, tiêu cực liên quan đến đất đai đều có nguyên nhân do bảng giá đất thấp, khiến cho nhiều cá nhân trục lợi khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất cho tư nhân và do một số nội dung của các pháp luật khác có liên quan chưa đồng bộ, chưa thống nhất với pháp luật đất đai. Thực hiện những giải pháp của Nghị quyết 18 sẽ xóa bỏ được mệnh lệnh hành chính trong việc “ép” người dân giao đất, triệt tiêu được xin - cho và tham nhũng từ đất. Việc này còn đưa thị trường bất động sản về cơ chế thị trường và Nhà nước có thêm dòng thu ngân sách từ thuế giao dịch bất động sản (chuyển quyền sử dụng, cho thuê,…), còn người dân được nhận tiền đền bù cao hơn nếu bị thu hồi đất.

Các chuyên gia cho biết, không chỉ bãi bỏ khung giá đất, Nghị quyết 18 còn đưa ra nhiều vấn đề mới, như: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được lập ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện; Giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; Quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ tái định cư; Quy định mức thuế cao đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang; Đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất; Mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp… Đây là những vấn đề cốt lõi để quản lý đất đai tốt hơn, minh bạch hơn.

Nghị quyết 18 yêu cầu đến năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.

Triển khai chủ trương của Nghị quyết 18, Quốc hội khóa XV ban hành nghị quyết số 50/2022/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, theo đó, Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được lấy ý kiến tại kỳ họp thứ tư (tháng 10/2022) và kỳ họp thứ năm (tháng 5 năm 2023), thông qua tại kỳ họp thứ sáu (tháng 10/2023).

Về việc sửa đổi Luật Đất đai, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: Đây là dự án luật đặc biệt quan trọng vì đất đai là tài sản đặc biệt của quốc gia, là tư liệu sản xuất cơ bản, là tài nguyên vô cùng quý giá, là nguồn sống của nhân dân và nguồn lực to lớn của đất nước, liên quan đến mọi nhà, mọi người, tác động sâu đến nhiều chủ thể, đối tượng, cơ quan, tổ chức. Do đó, việc xây dựng dự thảo Luật phải bám sát yêu cầu của Nghị quyết 18. Đồng thời chủ động lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, các đối tượng tác động, huy động trí tuệ tập thể, kinh nghiệm chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện dự thảo chất lượng cao nhất.

Đối với việc lấy ý kiến nhân dân, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải đặt ra các việc cụ thể, được thuyết minh rõ ràng, gắn với trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị tiếp thu ý kiến góp ý của nhân dân. Phải làm sao để khi Luật này vào cuộc sống phải đảm bảo tính thông suốt, công khai, minh bạch với sự đồng thuận cao.

Việc sửa Luật Đất đai được người dân mong chờ từ lâu nhưng người dân cho rằng, thời gian không còn nhiều mà công việc thì vừa nhiều, vừa rộng, vừa phức tạp nên các cơ quan chức năng cần lưu ý cả hai yêu cầu “đúng tiến độ” nhưng “chất lượng phải cao”; phải đưa thực tiễn cuộc sống vào luật và luật phải tháo gỡ được các vướng mắc trong thực tiễn.

 

 

Hiền Anh
Ý kiến bạn đọc
Top