Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 9 tháng 8 năm 2021 | 13:54

Nhà vườn Đô Lương thu nhập cao từ trồng chanh không hạt

Chanh không hạt trồng theo quy trình VietGAP đã giúp nhiều hộ nông dân huyện Đô Lương (Nghệ An) thoát nghèo và làm giàu. Hiện nay, chanh không hạt trở thành sản phẩm chủ lực và là thương hiệu của địa phương này.

tr9.jpg
Ông Nguyễn Trung Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương, Chủ nhiệm dự án trồng chanh không hạt đánh giá cao hiệu quả của loại cây mới này trên địa bàn.

 

Làm giàu

Đô Lương có một số xã là vùng đất bán sơn địa, cây lúa quanh năm hạn hán, cho thu nhập chẳng đáng là bao. Các loại cây ăn quả sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, không đáng kể. Trước cuộc sống khó khăn của người nông dân, chính quyền huyện nhiều lần họp bàn tìm giải pháp, nhưng đến năm 2017, trong một đợt tham quan mô hình chanh không hạt ở các tỉnh phía Nam về, chính quyền huyện đã xây dựng mô hình trồng chanh không hạt tại một số xã trên địa bàn và cho kết quả khả quan.

Theo các hộ tham gia dự án, với cây chanh không hạt, mỗi hộ có thu nhập 5-7 triệu đồng/người/tháng, nhiều hộ từ diện nghèo vươn lên khá - giàu. Chanh không hạt là một trong những cây trồng xóa đói giảm nghèo hiệu quả nhất từ trước đến nay.

Ông Nguyễn Gia Đăng, hộ thoát nghèo nhờ chanh không hạt, chia sẻ: Gia đình  nhờ chanh không hạt mà thoát nghèo. Năm nay, gia đình có thu nhập trên 300 triệu đồng. Thuận lợi là chanh có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Thương lái còn đến tận vườn để thu mua. Nhờ cây chanh không hạt mà việc học hành của các con được thuận lợi, nếu không có cây chanh chắc chúng ở nhà làm ruộng rồi.

Anh Nguyễn Trọng Bính ở xóm 7, xã Thuận Sơn,  nông dân thành công với mô hình trồng chanh không hạt, cho biết, trước đây, vùng đất đồi 1,5 ha chủ yếu trồng ngô và cây nguyên liệu như keo, tràm, thu nhập chẳng đáng là bao, nhưng vụ chanh năm nay gia đình  thu hơn 400 triệu đồng.

Theo anh Bính, giống chanh này cho trái quanh năm, từ năm thứ ba cây bắt đầu sai quả, trung bình mỗi cây có hơn 1.000 quả, khoảng 70 – 100 kg/cây/năm. Chanh không hạt quả to, 6 - 7 quả/kg, vỏ mỏng màu xanh sáng, nhiều nước và vị chua có mùi thơm. Trồng chanh không hạt không phải đầu tư chi phí quá cao, quá trình chăm sóc cũng không khó, trồng cây cách cây 3,5 - 4m. Về thổ nhưỡng và khí hậu, Đô Lương rất hợp với cây chanh nên đỡ bón phân và không dùng thuốc BVTV nên đáp ứng  được tiêu chuẩn xuất khẩu.

 

t9a.jpg

Vườn chanh không hạt của ông Đặng Ngọc Phúc, xóm 4, xã Xuân Sơn.

 

Gia đình ông Đặng Ngọc Phúc (xóm 4, xã Xuân Sơn) cũng thành công với mô hình chanh không hạt. Ông Phúc cho biết, trong những năm tới, vườn chanh sẽ cho thu hoạch hơn 30 tấn quả/ha/năm. Hiện nay, chanh trái vụ có giá 20.000-30.000 đồng/kg, trừ chi phí,  lãi khoảng 50 triệu đồng/ha. Mô hình này rất hay, Hội Làm vườn tỉnh, huyện, kỹ sư và cán bộ khuyến nông huyện hỗ trợ nông dân trong sản xuất, từ cây giống, phân bón đều do Nhà nước đầu tư, thậm chí hướng dẫn tận tình về kỹ thuật. Nếu không có mô hình này thì chắc gia đình cũng để mấy hecta đồi hoang chứ chẳng trồng được cây gì cho thu nhập.

Hiện nay, 6 hộ ở các xã Bồi Sơn, Đại Sơn, Thuận Sơn và Xuân Sơn đã có thu hàng trăm triệu đồng sau 3 năm thu trồng chanh không hạt.

Xây dựng thương hiệu

Đây cũng  là kết quả nghiên cứu thành công của dự án “Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng mô hình trồng chanh không hạt tại huyện Đô Lương” do ông Nguyễn Trung Thành, Phó chủ tịch UBND huyện Đô Lương, Chủ tịch Hội Làm vườn huyện, làm chủ nhiệm, giúp nhiều hội viên, nông dân giàu lên từ cây chanh không hạt.

Ông Nguyễn Trung Thành chia sẻ, Dự án đã cho kết quả bước đầu với thành công về nhiều mặt. Chúng tôi ghi nhận sự nỗ lực của ban quản lý dự án, cán bộ kỹ thuật của Hội Làm vườn, Trạm Khuyến nông và các hộ dân. Đưa được giống cây mới, phù hợp, hiệu quả về cho huyện, chúng tôi rất phấn khởi. Qua quá trình triển khai thực hiện, đánh giá kết quả và tại các hội nghị, người dân Đô Lương rất mong muốn nhân rộng, phát triển mô hình trồng chanh không hạt trên địa bàn huyện. Từ kết quả của mô hình này, huyện sẽ từng bước triển khai dự án trồng chanh đạt chuẩn VietGAP.

 

t9b.jpg

Cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông huyện Đô Lương hướng dẫn trồng chanh không hạt cho các hộ dân thực hiện dự án.

 

Dự án không chỉ giúp người trồng thay đổi tập quán chăm sóc theo hướng khoa học, ổn định đầu ra mà còn giúp nông dân  từng bước khấm khá. Sắp tới, về góc độ chuyên môn, Hội Làm vườn tỉnh, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân trồng chanh không hạt về kỹ thuật chăm sóc, cách chọn giống, bón phân, dùng thuốc bảo vệ thực vật để đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng thu nhập người dân và tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Song song với việc thực hiện dự án, huyện Đô Lương đã tìm đến một số nhà máy chế biến nước hoa quả như Tập đoàn TH… để xúc tiến việc tiêu thụ sản phẩm ổn định. Đồng thời, Hội Làm vườn huyện, Trạm Khuyến nông huyện cũng tích cực trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm thông qua việc giới thiệu sản phẩm ở một số hội nghị, hội chợ và siêu thị…

Chanh không hạt Đô Lương hiện được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và trở thành thương hiệu chanh không hạt của huyện Đô Lương.

Ông Thành khẳng định: “Tiềm năng tiêu thụ chanh không hạt đối với thị trường trong nước và nước ngoài còn rất lớn nên huyện đã đưa chanh không hạt trở thành cây trồng chủ lực của địa phương. Với kết quả đạt được thời gian qua, hiện có nhiều huyện và một số tỉnh đã đến tham quan học hỏi mô hình chanh không hạt của chúng tôi”.

Theo đánh giá của các thành viên Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An, kết quả của dự án rất thiết thực, ứng dụng ngay trong thực tế, giúp người trồng chanh, người tham gia dự án hưởng lợi lớn từ sản phẩm chanh VietGAP. Hơn nữa, thành công lớn nhất là tạo được mối liên kết “4 nhà” thông qua mô hình trồng chanh không hạt, đáp ứng mong đợi của người dân và chủ trương của tỉnh đề ra. Sức mạnh từ mối liên kết “4 nhà” đã giúp Đô Lương có thêm thương hiệu “Chanh không hạt Đô Lương” với chất lượng, sản lượng cung cấp ổn định; doanh nghiệp có nơi thu mua đủ đáp ứng nhu cầu; người dân cũng giàu có và gắn bó với nông nghiệp.

Kỹ sư nông học Lê Văn Chiến, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Đô Lương, cho biết, để ứng phó với tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các hộ tham gia dự án “Trồng chanh không hạt” được hướng dẫn, tập huấn và tiêu thụ sản phẩm thông qua mạng xã hội như Facebook, Zalo…, quảng bá sản phẩm qua báo chí, đài phát thanh - truyền hình địa phương, trung ương. Sản phẩm được bà con đóng gói theo quy trình rồi gửi cho khách hàng, chuyển tới siêu thị hoặc giao cho thương lái. Với cách làm này, chắc chắc, huyện Đô Lương sẽ có một sản phẩm thế mạnh phát triển ổn định trong thời gian tới.

 

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

 

 

Bá Minh - Tiến Dũng
Ý kiến bạn đọc
  • Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Sử dụng phân bón chưa hợp lý và chưa hiệu quả đang là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập hạn chế và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng thấp. Vậy làm thế nào để sử dụng phân bón đúng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân?

  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, tỉnh đã đưa cơ giới hóa vào tưới tiêu cho lúa với gần 1.580 trạm bơm điện, trạm bơm dầu và 8.481 hệ thống bơm tưới nhằm đáp ứng tốt nhất cho vụ hè thu trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là nắng nóng kéo dài như hiện nay.

Top