Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 4 tháng 11 năm 2021 | 12:23

Nhà vườn kỳ vọng giá trái cây sớm được cải thiện

Dịch Covid-19 dần được khống chế, TP. Cần Thơ và các tỉnh phía Nam đã không còn thực hiện giãn cách xã hội diện rộng như trước, tạo điều kiện để trái cây được lưu thông và tiêu thụ, giá cả đầu ra trái cây vì vậy khởi sắc hơn.

Song, nhìn chung giá nhiều loại trái cây hiện vẫn ở mức thấp, chưa đảm bảo cho nhà vườn có lợi nhuận...

Giá nhiều loại trái cây còn thấp

Gia đình ông Nguyễn Văn Triển (ấp Trường Trung B, xã Tân Thới, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ) có 5 công  (1 công = 1.000m2) trồng nhãn Ido và 1 công trồng nhãn tiêu da bò. Các năm trước, gia đình ông có thu nhập khá tốt  do giá nhãn Ido thường xuyên ở mức từ 20.000 đồng/kg trở lên; còn nhãn tiêu da bò mức trên dưới 15.000 đồng/kg. Tuy nhiên, trong đợt tái phát dịch Covid-19 vừa qua, giá nhãn Ido chỉ ở mức 8.000 đồng/kg, nhãn tiêu da bò 5.000 đồng/kg nhưng vẫn khó bán vì ít thương lái thu mua do điều kiện thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh.

Ông Triển cho biết: “So với các tháng trước, giá nhãn tiêu da bò tăng khoảng 3.000-4.000 đồng/kg, lên 8.000-9.000 đồng/kg. Còn nhãn Ido có giá 15.000 đồng/kg. Nhưng mức giá này thấp, nhà vườn rất khó kiếm lời, nhất là khi phân bón và nhiều chi phí đầu vào phục vụ sản xuất đang tăng cao”.

Liên tục từ tháng 7-9, giá nhiều loại trái cây giảm xuống ở mức rất thấp và khó tiêu thụ do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Bước sang tháng 10/2021, giá nhiều loại trái cây đã có sự khởi sắc trở lại nhưng nhìn chung còn ở mức thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ các năm trước.

Hiện, nhà vườn trồng các loại trái cây có múi như cam, bưởi, quýt, chanh… cũng không vui do giá bán ở mức thấp, nông dân bị lỗ vốn. Cuối tháng 10, giá bưởi da xanh và bưởi Năm Roi được nông dân tại nhiều quận, huyện ở TP. Cần Thơ và nhiều tỉnh lân cận như Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang… bán xô tại vườn cho thương lái chỉ ở mức 10.000-12.000 đồng/kg. Đây là mức thấp kỷ lục trong nhiều năm qua. Giá cam sành và quýt đường tại nhiều nơi chỉ ở mức 6.000-8.000 đồng/kg, cam xoàn 14.000-15.000 đồng/kg. Còn trái tắc (quất) và chanh không hạt chỉ có giá 3.000-4.000 đồng/kg, mức giá này hầu như ít biến động so với các tháng trước.

Theo nhiều tiểu thương và doanh nghiệp kinh doanh trái cây, giá nhiều loại trái cây, nhất là trái cây có múi ở mức thấp do nguồn cung dồi dào vì nhiều nơi bước vào thu hoạch rộ và diện tích trồng được mở rộng liên tục trong thời gian qua. Trong khi đó, nhiều loại trái cây chủ yếu tiêu thụ tại thị trường nội địa, việc chế biến, xuất khẩu còn hạn chế và gặp khó do dịch Covid-19.

Hỗ trợ, kết nối cung - cầu

Hiện nay, hầu hết các hoạt động kinh tế - xã hội đã được khôi phục, mở cửa hoạt động trở lại, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân tiêu thụ trái cây và các loại nông sản. Tuy nhiên, sức tiêu thụ nhiều loại trái cây trên thị trường còn chậm; bà con thiếu thông tin thị trường và gặp khó trong tìm kiếm, kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp nên còn bị động trong tiêu thụ sản phẩm và phụ thuộc nhiều vào hoạt động thu mua của thương lái.

Trước thực tế này, nông dân rất mong ngành chức năng tiếp tục các hoạt động kết nối cung -  cầu, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiêu thụ kịp thời lượng trái cây tới kỳ thu hoạch và chủ động chuẩn bị cho mùa vụ tiếp theo. Đặc biệt là chuẩn bị vụ trái cây cho những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2022. Ngành chức năng cần định hướng cho nông dân tổ chức lại sản xuất, liên kết chặt chẽ với các bên liên quan và các địa phương để đảm bảo cân đối cung - cầu, gắn với tăng cường đầu tư chế biến, bảo quản và mở rộng thị trường xuất khẩu...

Ông Nguyễn Văn Muôn (ấp Thới Tân, xã Trường Thắng, huyện Thới Lai), cho rằng: “Nông dân trồng cây ăn trái rất mong kết nối các doanh nghiệp và nhà tiêu thụ để có hợp đồng bao tiêu đầu ra ổn định, giá bán sản phẩm được cải thiện hơn. Gia đình tôi có 2 công bưởi da xanh nhưng thời gian qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tiểu thương ít đi thu mua, bưởi khó tiêu thụ, tôi phải giảm đầu tư chăm sóc bưởi bị hư rụng rất nhiều.

 

nv.jpg
Ông Muôn chăm sóc vườn bưởi.

 

Dịch bệnh đã được khống chế, tôi tin tưởng dịp Tết tới đây giá bưởi sẽ tăng trở lại nên đang tích cực chăm sóc lại vườn cây và bỏ ra gần 3 triệu đồng đầu tư mua hơn 2.000 túi bao chuyên dùng để bao trái bưởi phòng tránh sâu đục quả, giảm phun thuốc trừ sâu”.

Còn ông Lê Phước Hải (ấp Trường Thạnh, xã Trường Thạnh, huyện Thới Lai) cũng đang tích cực chăm sóc vườn sầu riêng rộng hơn 7 công đất của gia đình và tin tưởng mùa vụ năm tới giá cả đầu ra sản phẩm có nhiều thuận lợi hơn năm nay.

Cần Thơ có 22.830ha cây ăn trái các loại, tăng 9,73%  so với cùng năm trước. Theo Sở Nông nghiệp và PTNT TP. Cần Thơ, qua 9 tháng năm 2021, thành phố đã thu hoạch trái cây các loại đạt sản lượng hơn 100.000 tấn và ước tổng sản lượng trái cây thu hoạch trong cả năm nay đạt 151.340 tấn.

Cùng với việc tiếp tục hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ trái cây do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngành Nông nghiệp thành phố cũng tích cực hỗ trợ, hướng dẫn người dân chăm sóc, chuẩn bị các sản phẩm trái cây phục vụ thị trường những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2022.

Dự kiến, sẽ có khoảng 5.000ha cây ăn trái các loại bước vào thu hoạch trái, với sản lượng trên 35.000 tấn, trong đó diện tích cho sản phẩm phục vụ thị trường Tết khoảng 700ha, với sản lượng ước đạt 6.500 tấn.

Khánh Trung
Ý kiến bạn đọc
Top