Tình trạng phá rừng, lấp suối, chiếm dụng đất nông nghiệp để xây dựng nhà là những gì đang diễn ra ở một số địa phương. Nhưng hầu như, chỉ đến khi bị người dân và báo chí phản ánh thì những sai phạm này mới được cơ quan chức năng kiểm tra xử lý…
Xây nhà… giữa suối
Khu vực người dân xây nhà trái phép là con suối khô nằm dưới chân xóm Mũi và xóm Núi, sát bên dự án Khu biệt thự Nha Trang Seapark. Những móng nhà mới được người dân thi công khoảng 1 tuần nay. Khi lực lượng chức năng đến, người dân đã bỏ đi nơi khác. Gần đó, có 5 căn nhà xây dựng trái phép, lấn ra dòng suối.
Một cán bộ đô thị của UBND xã Phước Đồng cho biết, những người đến đây xây nhà chủ yếu là ở tỉnh Phú Yên và một vài người ở khu vực xóm Mũi. Tuần trước, lực lượng chức năng phát hiện và đến vận động được một hộ tự nguyện tháo dỡ, nhưng vẫn còn 5 căn nhà được xây dựng rải rác từ đầu năm đến nay. Hiện nay, UBND xã Phước Đồng đang lập hồ sơ để tiến hành cưỡng chế tháo dỡ theo quy định.
Ông Bùi Cao Pháp, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đồng, cho biết, các căn nhà xây dựng trái phép ở con suối này chủ yếu là nhà vắng chủ nên không thể ban hành quyết định xử phạt. Qua nắm tình hình sơ bộ, những người đến xây nhà giữa suối chủ yếu là các đối tượng ở địa phương khác, bị vỡ nợ rồi đến đây mua đất của một người tên Tư với giá 5 triệu đồng/nền.
“Hiện nay, công an đang điều tra người tên Tư đã bán suối cho người khác xây nhà. Khu vực suối khô này vào cuối năm 2018 đã xảy ra lũ dữ do mưa lớn, nước trên núi đổ xuống làm sạt lở đất đá và nhiều hộ ở hai bên suối, khiến nhiều người tử vong. Chúng tôi sẽ khẩn trương lập hồ sơ, tháo dỡ 5 căn nhà còn lại trước khi mùa mưa lũ đến để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân”, ông Pháp nói.
Theo lãnh đạo UBND xã Phước Đồng, hiện nay, trên địa bàn xã có nhiều khu vực xây dựng trái phép cần phải sớm xử lý, cưỡng chế. Ví dụ khu vực đất công ích ở thôn Phước Lộc bị người dân lấn chiếm, xây dựng nhà trái phép nhiều năm nay nhưng không được xử lý triệt để. Cuối năm 2019, UBND TP. Nha Trang đã phê duyệt kế hoạch cưỡng chế 34 công trình xây dựng trái phép tại đây nhưng phương án bảo vệ an ninh trật tự vẫn chưa được cơ quan công an phê duyệt nên chưa thể tiến hành cưỡng chế. Thời gian kéo dài khiến khu vực này phát sinh thêm nhiều căn nhà trái phép.
Mỗi lần có tin báo xây dựng trái phép, lực lượng chức năng xuống xử lý thì bị người dân phản ứng, ném gạch đá. Vì vậy, xã đề nghị thành phố và cấp tỉnh sớm phê duyệt kế hoạch cưỡng chế, xử lý dứt điểm từng khu vực, tạo tính răn đe để hạn chế xảy ra tình trạng xây dựng trái phép như hiện nay.
Tự ý chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở trái quy định
Tình trạng chiếm dụng đất nông nghiệp tại khu vực trại Ông Ổn (thị trấn Phú Minh, huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội) đã xảy ra từ khoảng 20 năm trước. Khi đó, hơn chục hộ dân thuê lại đất nông nghiệp để trồng trọt. Thời gian trôi qua, các hộ dân đã tự ý mua bán, chuyển nhượng đất rồi xây dựng công trình, thậm chí tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Đến năm 2017, chính quyền địa phương đã tiến hành xử lý những sai phạm nói trên. Các công trình chiếm dụng đất nông nghiệp đều bị phá dỡ, chỉ trừ hai công trình vẫn ngang nhiên tồn tại là một quán Karaoke và một nhà xưởng. Đến thời điểm hiện tại, hai công trình này vẫn ngang nhiên tồn tại trên phần đất nông nghiệp.
Trả lời báo chí, ông Trần Quang Trung, Bí thư Đảng ủy thị trấn Phú Minh xác nhận có sai phạm nói trên tồn tại trên địa bàn. Cụ thể, công trình nằm trên đất nông nghiệp chưa bị xử lý có một phần nằm trên địa phận thị trấn Phú Minh, phần còn lại của xã Vạn Điểm (huyện Thường Tín). Vướng mắc ở chỗ là việc phân định địa giới lại chưa được giải quyết.
“Hai hộ còn dang dở vì liên quan đến địa giới 364, hiện vẫn chưa phân biệt được bên này bao nhiêu mét, bên kia bao nhiêu mét. Chúng tôi đang đang đề nghị huyện Phú Xuyên xác minh rõ ranh giới để xử lý sai phạm. Sau khi xác định được địa giới, chúng tôi sẽ cho phá ngay. Về cơ bản, hai hộ dân đó cũng nhất trí. Từ thời ông Vũ Văn Hữu còn làm chủ tịch, thị trấn đã gửi báo cáo lên huyện song đến hiện tại chưa nhận được câu trả lời”, ông Trung cho biết.
Được biết, để đảm bảo quỹ đất thị trấn được bảo toàn, UBND thị trấn Phú Minh đã đề nghị được lấy theo mốc giới 364 đã xác định và in bản đồ ngày 22/10/2019 làm cơ sở để thiết lập lại các hồ sơ xử lý vi phạm.
Trước đó vào ngày 8/12/2017, đại diện hai huyện Thường Tín và Phú Xuyên đã có buổi làm việc để xác định mốc giới, địa giới hành chính 364 tại khu vực trại ông Ổn, Tiểu khu Phú Gia, thị trấn Phú Minh (huyện Phú Xuyên) và xã Vạn Điểm (huyện Thường Tín) để có cơ sở thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm đối với hai trường hợp tại khu vực này. Cụ thể: Đường địa giới hành chính 364, đoạn từ điểm đặc trưng số 2 đến điểm đặc trưng số 3 được xác định là chạy cách mép đường bê tông về phía Nam là 2,2m.
Tuy nhiên, ngày 22/10/2019, sau khi xem xét bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính ký nhân bản, để phù hợp với thực tế và thuận thiện trong công tác quản lý, UBND xã Vạn Điểm và UBND thị trấn Phú Minh đã có biên bản hiệp thương thống nhất đường địa giới hành chính hai xã, thị trấn.
Cụ thể: Điều chỉnh nội dung trong phần mô tả đường địa giới hành chính về xác định mốc giới 364 năm 1994 là từ điểm đặc trưng số 2 đến điểm đặc trưng số 3 được điều chỉnh từ chạy giữa đường sang chạy cách theo mép phía Nam của đường là 0,5m.
Như vậy, đường địa giới hành chính được xác định lại, tịnh tiến về phía Bắc (phía xã Vạn Điểm) là 2,2m – 0,5m = 1,7m, như vậy, gần như toàn bộ công trình vi phạm của 2 hộ dân nằm trên đất do UBND thị trấn Phú Minh quản lý.
Bản đồ địa giới hành chính 364 năm 1994 được xác lập lại ngày 22/10/2019 là cơ sở pháp lý xác định địa giới 364 chính thức. Công ty TNHH Một thành viên Nhà xuất bản Tài nguyên – Môi trường và Bản đồ Việt Nam đã chỉnh lại hồ sơ, bản đồ, ký nhân bản theo nội dung trên.
Qua những vụ việc đã diễn ra được nêu trên có thể thấy được công tác quản lý ở các địa phương đang thực sự có vấn đề. Thiết nghĩ, một địa bàn nhỏ được giao cho một phòng ban chức năng theo dõi, quản lý rất cụ thể, thế nhưng, vẫn để cho sai phạm tồn tại mà không kịp thời phát hiện, báo cáo, xử lý theo đúng quy định mà phải đến khi người dân và báo chí lên tiếng thì mới thấy vào cuộc xử lý.
Qua đây, cơ quan chức năng cần quan tâm hơn nữa công tác chỉ đạo, giám sát cán bộ được giao quản lý địa bàn, đồng thời có những biện pháp xử lý thật nghiêm đối với người đứng đầu nếu để xảy ra sai phạm mà không kịp thời nắm bắt, xử lý./.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.