Năm 2016, trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn do tác động của thiên tai, ngân sách bị thâm hụt, hoạt động của các cấp Hội Làm vườn (HLV) trên cả nước vẫn có sự khởi sắc và nhiều nét mới. Trong đó, việc xây dựng mô hình vườn mẫu gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới đang được nhiều đơn vị Hội triển khai hiệu quả.
GS.TS.Ngô Thế Dân (thứ hai từ trái sang), Chủ tịch Trung ương HLV Việt Nam, thăm mô hình trồng chè liên kết của anh Đinh Tiên Sỹ, thôn Nam Trà, Hương Trà (Hương Khê - Hà Tĩnh) cho thu nhập 100 triệu đồng/năm. Ảnh: Trà Giang
Đổi mới trong xây dựng Hội
Năm 2016, sản xuất nông nghiệp nước ta đối mặt với những khó khăn, thách thức do thiên tai như rét hại, mưa lũ ở khu vực phía Bắc, hạn hán ở Tây Nguyên, xâm nhập mặn nghiêm trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long, sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung. Bên cạnh đó, ngân sách Nhà nước tiếp tục thâm hụt, nợ công tăng và có những thay đổi về chính sách đối với các tổ chức xã hội nghề nghiệp nên tổ chức Hội ở các địa phương gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với những địa phương tổ chức Hội không được xếp là hội có tính chất đặc thù.
Tình hình trên đã ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả sản xuất và hoạt động của tổ chức Hội trong vận động phong trào làm kinh tế VAC. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực tự vận động nên tổ chức Hội các cấp vẫn tiếp tục duy trì và phát triển thêm các chi hội và hội viên mới.
Theo báo cáo của HLV 21 tỉnh/thành phố, năm 2016 đã phát triển thêm 247 hội và chi hội, kết nạp thêm 11.368 hội viên. HLV các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Thanh Hóa, Quảng Bình, Trà Vinh, Đồng Tháp,… là những đơn vị kết nạp thêm nhiều hội viên mới, phát triển thêm nhiều tổ chức hội ở xã, thôn, bản. Ở phía Bắc, điển hình là HLV tỉnh Bắc Giang kết nạp thêm 1.525 hội viên, nâng số hội viên toàn tỉnh lên 54.068 người; HLV&TT Thanh Hóa phát triển thêm 26 HLV cấp xã và kết nạp thêm 1.389 hội viên mới, nâng tổng số hội viên toàn tỉnh lên 27.164 người.
Ở miền Trung, điển hình là HLV tỉnh Quảng Bình, phát triển thêm 28 chi hội, kết nạp thêm 780 hội viên mới.
Ở các tỉnh phía Nam, HLV tỉnh Đồng Tháp đã thành lập thêm 99 chi hội cấp xã, kết nạp 1.209 hội viên mới…
Trong năm 2016, có 5 Hội cấp tỉnh/thành phố tiến hành Đại hội hết nhiệm kỳ là Phú Thọ, Bắc Ninh, Lào Cai, Ninh Thuận và Vĩnh Phúc. Nhìn chung, Đại hội các cấp được tiến hành đúng Điều lệ, tổ chức trọng thể, được Đảng bộ và chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số tổ chức Hội đã hết nhiệm kỳ nhưng do khó khăn về kinh phí, nhân sự, chưa tổ chức Đại hội theo đúng Điều lệ.
Nhận thức việc lập và phát triển quỹ Hội để đảm bảo các hoạt động là yếu tố quan trọng, quyết định đến duy trì và phát triển tổ chức Hội, nhất là ở các hội không được sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhờ tự vận động bằng các hoạt động dịch vụ, nhiều tổ chức Hội đã lập được quỹ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng như HLV huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), Cao Lãnh (Đồng Tháp), Kiến Thuỵ (TP. Hải Phòng), Yên Bình (Yên Bái), phường Đình Bảng (thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh)…, đảm bảo sinh hoạt thường kỳ, tổ chức cho hội viên tham quan, học tập các mô hình tiêu biểu. Có Hội còn sử dụng quỹ cho hội viên vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.
Về hoạt động của Trung ương Hội, năm 2016 đã tổ chức thành công Hội nghị Ban chấp hành HLV Việt Nam khóa VI lần thứ ba tại Hà Nội và tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Hội với sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhiều bộ, ngành với gần 200 đại biểu của trên 40 tỉnh, thành tham dự. Trung ương Hội tiếp tục duy trì được quan hệ tốt với Bộ Nông nghiệp và PTNT và các bộ, ngành ở Trung ương. Lãnh đạo các địa phương tạo điều kiện cho các tỉnh hội, các đơn vị trực thuộc hoạt động.
Đặc biệt là, vừa qua, Trung ương Hội đã phối hợp với HLV&TT tỉnh Hà Tĩnh và Văn phòng điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) khảo sát, đánh giá hiệu quả các mô hình vườn mẫu tại Hà Tĩnh. Trung ương Hội đã phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm xây dựng vườn mẫu nhằm nhân rộng kết quả của Hà Tĩnh, tạo ra sự chuyển biến mới về nội dung trong phong trào phát triển kinh tế VAC thời kỳ mới.
Sáng tạo trong phong trào vận động làm kinh tế VAC, kinh tế trang trại
Năm 2016, cuộc vận động phát triển kinh tế VAC của tổ chức HLV các cấp tập trung vào 3 nội dung chính là cải tạo vườn tạp, tập huấn, dạy nghề và xây dựng mô hình VAC gắn với xây dựng nông thôn mới.
Phong trào cải tạo vườn tạp và trồng mới cây ăn quả ở các địa phương được các tổ chức Hội vận động theo hướng phát triển các sản phẩm có hiệu quả kinh tế cao và có giá trị hàng hóa thay vườn tạp đa canh kiểu tự túc, tự cấp. Phong trào này được phát triển mạnh mẽ ở vùng trung du, miền núi và ĐBSCL. Điển hình như HLV tỉnh Bắc Giang năm 2016 đã vận động hội viên trồng mới được 826ha cây ăn quả có giá trị hàng hóa cao (nhãn chín muộn, bưởi Diễn, bưởi da xanh, cam đường Canh, mít lai, chuối tiêu hồng…), cải tạo được 3.465ha vườn tạp theo hướng lựa chọn 2-3 loại cây phù hợp có hiệu quả, nâng cấp cải tạo 651ha ao hồ nuôi trồng thủy sản…Vận động hội viên thực hiện sản xuất theo quy trình VietGAP cho 12.560ha vải thiều Lục Ngạn.
Ở các tỉnh phía Nam, nổi bật là tỉnh Trà Vinh, địa phương có diện tích vườn lên tới 30.000ha. Năm 2016, HLV tỉnh đã vận động hội viên cải tạo 315ha vườn tạp, chuyển đổi 188,8ha lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như xoài Châu Nghệ, măng cụt, cam sành, quýt, thanh long…, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo ở những địa bàn đặc biệt khó khăn.
Hoạt động tập huấn, dạy nghề nhằm mục đích giúp hội viên, nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất luôn được xác định là nội dung chính trong hoạt động của Hội. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, phần lớn các cấp Hội không được giao trực tiếp kinh phí nên chủ yếu là phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật,... là những đơn vị được Nhà nước giao kinh phí thực hiện.
Điển hình là HLV tỉnh Bắc Giang, tuy chỉ được giao trực tiếp tổ chức 17 lớp tập huấn nhưng đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, các ban, ngành trong tỉnh tổ chức được 1.224 lớp tập huấn cho 62.470 lượt người; HLV tỉnh Bắc Ninh tổ chức được 92 lớp tập huấn cho 9.150 lượt người; HLV tỉnh Đồng Tháp ngoài việc phối hợp với các ban, ngành trong tỉnh tổ chức hàng trăm lớp tập huấn cho hàng nghìn hội viên còn trực tiếp tổ chức 21 lớp tập huấn cho gần 1.000 hội viên.
Như vậy, với cách tiếp cận này, mỗi năm hàng trăm nghìn hội viên, nông dân được đào tạo về kỹ thuật sản xuất VAC, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của sản xuất VAC.
Nhận thức phát triển VAC theo quy mô trang trại, HTX liên kết với doanh nghiệp là phù hợp với xu hướng của nền nông nghiệp tiên tiến trong thời kỳ hội nhập quốc tế, nhiều tổ chức Hội như HLV Bắc Ninh đã tham mưu cho tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế VAC quy mô trang trại, gia trại. Kết quả là, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 3.200 trang trại và gia trại đầu tư trên 10 tỷ đồng với 10.000ha, thu hút 60.000 lao động, cho 150.000 tấn trái cây, 80.000 - 90.000 tấn lợn thịt, 20.000 - 25.000 tấn gia cầm, 36.000 - 40.000 tấn thủy sản với tổng giá trị ước đạt 4.000 tỷ đồng (chiếm 50% giá trị sản xuất nông nghiệp của toàn tỉnh). Tổ chức liên kết với các tập đoàn lớn về chăn nuôi với các trang trại như Tập đoàn cổ phần Group Thái Lan, Công ty Dabaco Việt Nam áp dụng công nghệ hiện đại, bao tiêu sản phẩm.
Phong trào vận động phát triển kinh tế VAC trong thời gian gần đây được các địa phương hướng vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM. HLV tỉnh Hà Tĩnh là tổ chức Hội đi đầu trong việc phối hợp với Chương trình XDNTM xây dựng thành công 460 vườn mẫu giai đoạn 2014-2015. Năm 2016, Hội đã xây dựng thêm được 250 vườn mẫu, tổ chức tập huấn cho 600 hội viên. Phối hợp với Trung ương Hội tổ chức thành công hội thảo: “Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng vườn mẫu” với 120 đại biểu của 13 tỉnh phía Bắc tham dự. Đến nay, ngoài số 710 vườn mẫu ở Hà Tĩnh đã xây dựng được hưởng chính sách hỗ trợ 20 triệu đồng/vườn, số vườn mẫu do dân tự làm lên tới trên 3.000 vườn. Phong trào xây dựng vườn mẫu ở Hà Tĩnh không những giúp môi trường trong lành, trở thành “nơi đáng sống”, còn góp phần nâng cao thu nhập của hộ gia đình. Số liệu trung bình cho thấy, diện tích mỗi vườn 2.520m2, thu nhập bình quân mỗi vườn 128 triệu đồng/năm, quy đổi ra là 509 triệu đồng/ha/năm. Nếu chỉ tính riêng trồng rau thì thu nhập tăng hơn 10 lần so với trồng lúa trên cùng một đơn vị diện tích. Mức thu nhập này có ý nghĩa về nhiều mặt, là động lực quyết định thúc đẩy phong trào xây dựng vườn mẫu, góp phần tích cực vào ứng phó với biển đổi khí hậu. Mô hình vườn mẫu ở Hà Tĩnh đã gợi mở ra hướng đi mới của phong trào phát triển kinh tế VAC và có sức lan tỏa đến các địa phương khác. Đơn cử như sau khi đi nghiên cứu vườn mẫu ở Hà Tĩnh, tỉnh Quảng Ninh có kế hoạch xây dựng ít nhất 1.300 “vườn mẫu” trong năm 2017 nhằm nâng mức thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 34-35 triệu đồng/người/năm, giảm 3-4% hộ nghèo.
Từ thực tiễn sản xuất VAC đã có nhiều mô hình hay, nhiều cách làm mới cho hiệu quả kinh tế cao, khẳng định vai trò của Hội trong việc khơi dậy và phát huy tư duy sáng tạo khát khao làm giàu của hội viên, nông dân. Kết quả đó đã góp phần đưa sản xuất nông nghiệp nói chung và VAC nói riêng chuyển sang sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu của thị trường và hội nhập quốc tế, góp phần tích cực tái cơ cấu ngành nông nghiệp nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp hướng tới nền sản xuất nông nghiệp bền vững.
Khánh Nguyên
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.