Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 26 tháng 7 năm 2021 | 16:14

Những cựu chiến binh làm kinh tế VAC giỏi

Phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ, trong những năm qua, trên cả nước xuất hiện rất nhiều tấm gương thương binh, cựu chiến binh (CCB) làm kinh tế VAC giỏi. Kinh tế nông thôn xin giới thiệu một số gương điển hình ở các vùng miền.

LTS: Để bảo vệ nền độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã trải qua nhiều cuộc kháng chiến và chiến tranh chính nghĩa kéo dài hơn 30 năm, nhiều người con của đất nước đã anh dũng hy sinh, nhiều người để lại một phần cơ thể trên chiến trường. Ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ và thương binh, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã luôn quan tâm hỗ trợ. Nhưng với bản lĩnh bộ đội Cụ Hồ, nhiều thương binh đã nỗ lực, cố gắng để vượt lên, thắng giặc đói, thực hiện lời dạy của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”.

“Xưa thắng giặc, nay thắng nghèo”

Vào những ngày đầu tháng 7/2021, tôi có dịp vào thăm gia đình thương binh Phạm Minh Hóa ở thôn 6 xã Ea Bung (Ea Súp - Đắk Lắk).

 

2-ccb-hoa.jpg
Ông Hóa đang chăm sóc vườn chôm chôm.

 

Trong ngôi nhà xây rộng rãi, kiên cố, thoáng mát có phần nổi bật so với những nhà xung quanh, nghe ông kể,  ông sinh ra tại xã Bách Thuận (Vũ Thư - Thái Bình). Tháng 7/1969, ông nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện, ông được điều vào chiến đấu tại chiến trường B thuộc các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định rồi ông bị thương ở chiến dịch Tây Nghĩa Hành đầu năm 1975. Tháng 7/1976, ông phục viên về địa phương với tỉ lệ thương tật 25% và được hưởng chế độ thương binh hạng 4/4, rồi lập gia đình.

Về địa phương, mặc dù sức khỏe giảm sút, song với tinh thần của tuổi trẻ và thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông tham gia phong trào Đoàn với cương vị là Bí thư Đoàn xã rồi Đội trưởng thêu thảm xuất khẩu của xã - nghề thêu truyền thống từ bao đời nay của quê hương ông. 

Năm 1987, theo tiếng gọi của Đảng, ông đưa gia đình vào xây dựng kinh tế mới tại xã Ea Bung. Những ngày đầu trên quê mới cũng vô cùng gian nan, lúc đó vùng đất này vẫn là rừng thiêng nước độc, mặc dù được hưởng trợ cấp theo chế độ do Nhà nước quy định, song cuộc sống vẫn gặp nhiều khó khăn.

Không khuất phục cái đói nghèo, với bản lĩnh của người chiến sĩ - Bộ đội Cụ Hồ, ông tự xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế gia đình trên cơ sở điều kiện sẵn có.

Hiện, ông có 1ha trồng cây ăn quả, gồm: xoài Đài Loan, xoài cát Hòa Lộc, chôm chôm Thái Lan, nhãn, ổi, mãng cầu mít, me, gấc trái quanh năm, các loại rau màu nhiều vô kể, chưa kể mấy chục con gà, ngan…

Theo ông Hóa, mỗi năm trừ chi phí, gia đình ông thu nhập trên 100 triệu đồng.

Ông Phạm Minh Hóa cũng là một trong những điển hình về nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, cấp huyện trong nhiều năm qua của Đắk Lắk.

Tiên phong trồng dưa Kim Hoàng hậu

Đến thăm mô hình trồng trọt trong nhà màng của thương binh hạng 2/4 Nguyễn Văn Minh, ở xã Thiệu Chính (Thiệu Hóa - Thanh Hóa), đúng lúc vườn dưa Kim Hoàng hậu đang trĩu quả, chúng tôi thực sự khâm phục ý chí của người anh bộ đội Cụ Hồ năm xưa.

 

6-ong-minh.jpg
Mô hình trồng dưa trong nhà màng của thương binh Nguyễn Văn Minh, xã Thiệu Chính (Thiệu Hóa) cho hiệu quả kinh tế cao.

 

Trò chuyện với chúng tôi, ông Minh cho biết: “Tôi nhập ngũ năm 1978, vào Sư đoàn 305 bộ đội đặc công, đóng quân ở tỉnh Cao Bằng. Năm 1979, tôi cùng đơn vị trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Năm 1981, tôi bị thương và đến năm 1982 thì phục viên trở về địa phương. Từ đó đến nay, tôi tham gia nhiều công việc khác nhau và hiện là Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp và điện năng xã Thiệu Chính”.

Chia sẻ về mô hình trồng dưa trong nhà màng cho thu nhập khá, ông Minh cho biết: “Sau khi Đảng ủy, UBND xã tổ chức cho cán bộ, công chức đi tham quan mô hình nhà màng ở các nơi, tôi đã tiên phong thực hiện. Năm 2020, tôi đầu tư hơn 600 triệu đồng san lấp 1.500m2 đất đồng sâu trũng, làm nhà màng và hệ thống tưới tiêu nhỏ giọt, hệ thống điện... Để cây sinh trưởng, phát triển tốt, tôi trồng dưa vào bao đựng giá thể, đồng thời sử dụng toàn bộ chế phẩm sinh học và phân bón hỗn hợp để chăm sóc. Sản phẩm của tôi khi xuất bán sẽ được kiểm định chất lượng và cấp tem VietGAP chứng nhận sản phẩm an toàn”.

Theo tính toán của ông Minh, dù mới thực hiện được 1 năm nhưng gia đình đã thu lãi được 100 triệu đồng từ mô hình này.

Biến đất hoang thành “vàng”

Ông Lý Công Nàm ở xóm Cầu Mai, xã Văn Hán (Đồng Hỷ - Thái Nguyên) kể, ông nhập ngũ năm 1971, là bộ đội đặc công, trực tiếp tham gia nhiều trận đánh ở Quảng Trị, Đà Nẵng, Huế, Sài Gòn. Ông phục viên năm 1977, ký ức chiến tranh khép lại, nhưng vết đạn thù ở chân trái thường nhói đau, nhắc ông mỗi khi thời tiết chuẩn bị thay đổi. Ngoài vết thương trên da thịt, trong cơ thể ông còn mang một vết thương không mảnh đạn. Đó là chất độc da cam gặm nhấm sức khỏe từng ngày, di chứng ra nhiều thứ bệnh.

 

7-ong-nam.jpg
Vợ chồng ông Lý Công Nàm thăm rừng keo của gia đình (ảnh chụp trước ngày 27/4/2021).

 

Mấy chục năm trước, đất đai bỏ hoang nhiều, vợ chồng ông Nàm không nề gian khó, cực nhọc, phát dọn lấy đất trọc trỉa gieo ngô, lúa nuôi nhau. Mỗi năm một chút, ông bà đã có gần 6ha đất các loại. Có đất, vợ chồng ông chủ động thiết kế lại vườn bãi, hơn 5ha đất đồi dốc đầu tư trồng rừng; 10 sào đất dưới chân đồi thuận nước, san lấp, cải tạo thành ruộng cấy 2 vụ lúa, 6 sào đất đồi thoải dốc thì trồng chè. Từ gần 10 năm nay, mỗi năm gia đình ông thu được hơn 4 tấn thóc, 1,5 tấn chè búp khô.

Không chỉ lo cho gia đình mình, vợ chồng ông Nàm còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, chia sẻ với anh chị em CCB và bà con lân cận kinh nghiệm sản xuất; sử dụng vốn đầu tư hiệu quả.

Nhìn ngôi nhà sàn 5 gian cột vuông còn tươi mới màu ngói đỏ, ông xòe đôi bàn tay chai sạn, bảo: Tất cả đều từ đôi bàn tay lao động mà có.

Làm giàu từ mô hình kinh tế tổng hợp

CCB Trần Văn Hải (sinh năm 1968), ngụ ấp 6, xã Tân Bình (TX. Cai Lậy - Tiền Giang) cho biết, năm 1986, ông tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia, đến năm 1989 xuất ngũ trở về địa phương. Ông đã tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm sản xuất và thành công với mô hình trồng lúa kết hợp thu mua và tạm trữ lúa.

 

3-ccbtranvanhai.jpg
Ông Trần Văn Hải chăm sóc vườn cây.

 

Ban đầu khi mới ra riêng, hai vợ chồng ông được ba mẹ cho 1,5 công (1 công =1.000m2) đất làm ruộng, nhờ siêng năng, chịu khó làm ăn, tích lũy, hai vợ chồng đã mua thêm đất, đến nay, gia đình đã có 1,5ha đất trồng lúa. Nhờ học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa nên vụ nào gia đình ông cũng trúng với năng suất cao.

Hiện tại, với 1,4ha đất chuyên canh lúa, ông vừa lên liếp 01 công đất để trồng mít Thái siêu sớm kết hợp nuôi cá điêu hồng, góp phần tăng thu nhập cho gia đình. Ngoài ra, ông còn đầu tư mua ghe 27 tấn để thu mua lúa của nông dân trên địa bàn thị xã Cai Lậy và tỉnh Sóc Trăng về tạm trữ và bán lại cho các công ty. 

Hàng năm, ông thu mua và tạm trữ trên 5.000 tấn lúa, doanh thu mang lại trên 400 triệu đồng. Nhờ đó, cuộc sống gia đình ngày càng khá giả, thu nhập ổn định, nhà cửa được xây dựng khang trang, hai người con của ông đã có việc làm ổn định.

Bên cạnh đó, được anh em trong Hội CCB tín nhiệm, năm 2006, ông Hải được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội CCB ấp 6, ông thường xuyên thăm hỏi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên và người dân, kết hợp tuyên truyền, vận động bà con xây dựng đời sống văn hóa, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn như: Vận động bà con hiến đất, đóng góp kinh phí xây dựng cầu, đường; trồng hoa, cây kiểng, tạo vẻ đẹp mỹ quan tuyến đường văn hóa…

 Hiện, ông là Chi hội phó Chi hội CCB ấp 6, kiêm Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Tân Bình và là Tổ trưởng Tổ 8 tổ nhân dân tự quản ấp 6. 

Thành công từ ý chí và nghị lực

Qua giới thiệu của Hội CCB xã Mai Hạ (Mai Châu - Hòa Bình), có dịp thăm mô hình kinh tế của gia đình CCB Ngần Văn Hùng, chúng tôi càng thêm cảm phục nghị lực và ý chí quyết tâm vươn lên của ông.

 

4-ccb-hung.jpg
Cựu chiến binh Ngần Văn Hùng ở xã Mai Hạ (Mai Châu) phát triển thành công mô hình kinh tế tổng hợp, cho hiệu quả cao.

 

Sau nhiều năm kiên trì, đến nay, mô hình kinh tế của gia đình ông cho thu nhập ổn định. Cùng với duy trì nghề nấu rượu truyền thống, ông tích cực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng cây ăn quả… Hiện, gia đình ông nuôi gần 100 con gà các loại, trên 100 con chim cu gáy, trồng xoài, bưởi, mít với diện tích trên 1 ha. Mô hình cho thu nhập 350 - 400 triệu đồng/năm.

Ông Hùng chia sẻ: Trồng lúa cho năng suất thấp nên kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Từ khi chuyển sang trồng cây ăn quả và duy trì mô hình nấu rượu từ thời các cụ, tôi thấy hiệu quả kinh tế mang lại cao, thu nhập ổn định, tạo việc làm cho 6 lao động trong xóm, giúp họ có thêm thu nhập cải thiện đời sống.

Ông Vì Văn Thảo, Chủ tịch Hội CCB xã Mai Hạ, cho biết: Ông Ngần Văn Hùng không chỉ là Bí thư chi bộ năng nổ mà còn là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, được Hội đánh giá cao. Không chỉ làm giàu cho mình, ông Hùng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp nhiều hội viên thoát nghèo từ mô hình phát triển kinh tế tổng hợp.

Với những nỗ lực, quyết tâm làm giàu, CCB Ngần Văn Hùng là tấm gương sáng về tinh thần vượt lên khó khăn, quyết tâm thoát nghèo, làm giàu chính đáng tại địa phương. 

Làm kinh tế giỏi, gương mẫu XDNTM

Năm 1986, ông Lê Văn Sơn, ở ấp 19, xã Nguyễn Phích (U Minh - Cà Mau) đi bộ đội, tham gia chiến đấu tại chiến trường  Campuchia. Đến năm 1990, ông xuất ngũ trở về địa phương sống bên gia đình ở huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Lúc mới trở về gia đình, kinh tế rất khó khăn, cuộc sống chỉ trông vào 2 công đất trồng lúa của cha mẹ vợ cho. Ngoài trồng lúa, vợ chồng ông không ai có nghề nghiệp gì khác. Trước hoàn cảnh khó khăn đó, đầu năm 1991, vợ chồng ông Sơn quyết định chuyển sang huyện U Minh, nơi cha mẹ ruột sinh sống để lập nghiệp.

 

5-ccb-son.jpg
Ven theo tuyến lộ giao thông nông thôn trước nhà, chú Sơn trồng 2 hàng rào cây xanh.

 

Ngày mới về đây, cha mẹ cho vợ chồng ông 10 công đất rừng để khai phá, lập nghiệp. Để có đất sản xuất, vợ chồng ông phải đổ nhiều mồ hôi, công sức để cải tạo, dọn từng gốc tràm, phát từng bụi sậy. Tuy nhiên, do đất nhiễm phèn nặng nên sản xuất đạt hiệu quả không cao. Ban đầu, vợ chồng ông chỉ trồng được 1 vụ lúa mùa, mỗi công chỉ thu hoạch được 5 - 6 giạ lúa. Những năm thời tiết không thuận lợi, sâu rầy gây hại, ruộng lúa của gia đình gần như bị mất trắng. Nhiều năm liền, vợ chồng ông phải đi làm thuê, làm mướn, vào rừng giăng lưới, cắm câu để kiếm sống.

Đến khoảng năm 2010, mảnh đất của vợ chồng ông mới được cải tạo thành khoảnh, giảm được  phèn và cấy lúa cho năng suất từ 25 đến 30 giạ/công. Nhờ đó, kinh tế gia đình bớt đi phần khó khăn, chật vật. Gần 20 năm làm lụng vất vả, vợ chồng ông Sơn đã dành dụm mua thêm được 1 miếng đất gần 3ha. Khi Nhà nước cho chuyển dịch cơ cấu sản xuất, trên diện tích đất sản xuất của gia đình, ông Sơn thực hiện mô hình sản xuất đa canh kết hợp. Mỗi năm trồng 1 vụ lúa mùa, thả nuôi 3 vụ tôm sú, xen canh 4 - 5 vụ tôm thẻ chân trắng, nuôi 2 vụ cua.

Từ mô hình này, khoảng 5 năm trở lại đây, năm nào gia đình ông cũng có thu nhập từ 350 triệu đồng trở lên, kinh tế gia đình vươn lên khá - giàu.

Ông Sơn cho biết: “Để thực hiện thành công mô hình sản xuất đa canh trồng lúa, nuôi tôm, nuôi cua kết hợp, bản thân tôi không ngại khó khăn, gian khổ.  Trong quá trình sản xuất, tôi không ngừng tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, tham quan các mô hình sản xuất có hiệu quả để học tập, làm theo. Nhờ vậy, những năm qua, gia đình tôi đạt hiệu quả cao trong thực hiện mô hình sản xuất đa canh kết hợp”.

Không những làm kinh tế giỏi, ông Sơn còn gương mẫu trong phong trào trồng hàng rào cây xanh, trồng hoa, cây cảnh trước nhà để góp sức cùng địa phương xây dựng nông thôn mới. Trên phần đất mặt tiền trước nhà, ông trồng 2 hàng rào cây xanh bằng cây bông trang đỏ và bông trang vàng, dài 52m chạy song song nhau. Nhờ thường xuyên chăm sóc, cắt tỉa nên 2 hàng rào cây xanh của gia đình ông Sơn luôn xanh tốt, bằng phằng, thẳng hàng và trở thành một trong những hàng rào cây xanh đẹp của xã Nguyễn Phích.

 

P.Ba - T.Vui - N. Chuẩn - H.Vân - T. Hường - H. Phước

Ý kiến bạn đọc
  • Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Sử dụng phân bón chưa hợp lý và chưa hiệu quả đang là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập hạn chế và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng thấp. Vậy làm thế nào để sử dụng phân bón đúng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân?

  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, tỉnh đã đưa cơ giới hóa vào tưới tiêu cho lúa với gần 1.580 trạm bơm điện, trạm bơm dầu và 8.481 hệ thống bơm tưới nhằm đáp ứng tốt nhất cho vụ hè thu trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là nắng nóng kéo dài như hiện nay.

Top