Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 29 tháng 10 năm 2020 | 15:31

Những “điểm nhấn” trong nhiệm kỳ mới

Với sự tín nhiệm của các đại biểu, Đại hội Hội Làm vườn Việt Nam lần thứ VII (nhiệm kỳ 2020-2025) đã bầu ra Ban chấp hành mới, với kỳ vọng những “đầu tàu” này đưa Hội ngày càng vươn cao, phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ chuyển đổi mới.

Phóng viên Kinh tế nông thôn đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025.

 

t15.JPG
PGS-TS Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho rằng, các hoạt động của Hội cần phải có trọng tâm, trọng điểm, lấy hội viên làm trung tâm.

Thưa ông, sau thành công Đại hội Hội Làm vườn Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025, Hội sẽ tập trung thực hiện những hoạt động chính nào? Chương trình hành động cụ thể ra sao?

Sau thành công của Đại hội, các đoàn đại biểu trở về địa phương, đơn vị công tác của mình sẽ tập trung tuyên truyền rộng rãi kết quả của Đại hội tới hội viên trong cả nước. Trên cơ sở kết quả thảo luận, góp ý của các đại biểu, Ban Thường vụ sẽ khẩn trương hoàn thiện, ban hành các văn kiện Đại hội. Đặc biệt, cần sớm hoàn thiện Điều lệ (bổ sung, sửa đổi) của Hội, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt để làm cơ sở pháp lý trong các hoạt động Hội thời gian tới. Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội khóa VII sẽ phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đồng chí ủy viên.

Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội sẽ được xây dựng trên cơ sở phương hướng, nhiệm vụ của nhiệm kỳ mới mà Đại hội vừa thông qua với các nội dung chính như: Công tác củng cố tổ chức và phát triển hội viên; Vận động phát triển kinh tế Vườn - kinh tế VAC theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu ; Công tác thông tin, tuyên truyền; Công tác thi đua; công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế; và Kế hoạch tổ chức thực hiện.

Chúng tôi cho rằng, chương trình hành động nên ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ nhưng nêu bật được những “điểm nhấn” trong hoạt động của Hội nhiệm kỳ 2020- 2025. 

Với cương vị Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, ông có gửi gắm mong muốn như thế nào đến các hội thành viên, các doanh nghiệp và hội viên, để hoạt động của Hội trong thời gian tới thực hiện hiệu quả hơn?

Tôi rất tâm đắc với nội dung “Đoàn kết- Đổi mới- Sáng tạo- Hiệu quả” trong Bức trướng mà Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng Đại hội VII của Hội Làm vườn Việt Nam. Tôi mong muốn và tin tưởng rằng các cán bộ, hội viên, các đơn vị, tổ chức thành viên của Hội sẽ cùng nhau thực hiện tốt phương châm này trong công việc của mình để góp phần đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội.

Để thích ứng với điều kiện mới trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 và nhiều Hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, Hội Làm vườn sẽ có những hoạt động đổi mới như thế nào nhằm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế?

Tình hình mới trong giai đoạn Việt nam đã tham gia các Hiệp định thương mại tự do và phát triển nông nghiệp thời đại công nghệ 4.0 đang tạo nhiều cơ hội và thách thức đan xen đối với hội viên của Hội, đặc biệt nông nghiệp và nghề làm vườn Việt Nam lại chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết, hướng dẫn thực hiện tiêu chuẩn, yêu cầu của các nước nhập khẩu nông sản thực phẩm từ Việt Nam và phổ biến tiến bộ kỹ thuật theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, thân thiện môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng và phát triển các chuỗi sản phẩm nghề làm vườn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động của Hội nhiệm kỳ này.

Hội sẽ là cầu nối tăng cường sự liên kết giữa hội viên và nông dân với các nhà khoa học, các nhà doanh nghiệp, đồng thời có đề xuất với các cơ quan nhà nước các chính sách tạo động lực và điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nghề làm vườn và VAC tại Việt Nam trong tình hình mới.  

Hiện nay, kinh tế tuần hoàn được đánh giá là xu hướng phát triển tất yếu, vậy Hội sẽ làm gì để phát triển, định hướng hội viên theo xu hướng này?

Nông nghiệp tuần hoàn là tương lai của nông nghiệp. Trước những áp lực của suy giảm, cạn kiệt tài nguyên, gia tăng chất thải, an toàn thực phẩm và biến đổi khí hậu, nông nghiệp tuần hoàn là cách tiếp cận phù hợp cho phát triển nông nghiệp bền vững ở nước ta.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia quốc tế và trong nước, mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng (VAC) đã được áp dụng phổ biến  tại Việt Nam có thể được coi là hình thức nông nghiệp tuần hoàn đơn giản nhất. Trong đó, vườn là hoạt trồng trọt, ao là các hoạt động nuôi trồng thủy sản và chuồng là hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm… trong các hộ gia đình, trang trại. Mô hình kinh tế VAC tạo ra một hệ sinh thái nông nghiệp khép kín, một mô hình sản xuất tổng hợp, gắn kết trồng trọt với chăn nuôi, hạn chế chất thải, thuận theo tự nhiên và hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của kinh tế tuần hoàn. 

Thành công của các mô hình kinh tế VAC, vườn – ao – chuồng – biogas (VACB), vườn – ao – chuồng – rừng (VACR)… là cơ sở thực tiễn quan trọng và động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển nông nghiệp tuần hoàn ở nước ta trong thời gian tới. Hội Làm vườn Việt Nam đã khởi xướng và đang đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, cập nhật thông tin trong nước và quốc tế để phát triển cơ sở lý luận và thực tiễn của mô hình kinh tế VAC trong thời kỳ mới.

Nông nghiệp tuần hoàn không phải là quay lại với các biện pháp canh tác truyền thống trước đây. Nông nghiệp tuần hoàn hiện nay là sự kết hợp các biện pháp truyền thống, thuận theo tự nhiên với việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới và công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ sinh học với các men vi sinh trong các hoạt động trồng trọt, chế biến thức ăn, trong chăn nuôi, xử lý chất thải để làm phân bón.

Như phân bón hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học được sử dụng trong trồng trọt tạo ra sản phẩm sạch, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi an toàn. Đệm lót sinh học trong chăn nuôi giúp tiết kiệm nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; men vi sinh vừa hạn chế các tác nhân gây bệnh vừa giúp vật nuôi tăng cường sức chống chịu với dịch bệnh. Chất thải trong chăn nuôi cũng được xử lý làm phân bón bằng các loại chế phẩm vi sinh. Chất thải của chu trình sản xuất này lại trở thành vật tư đầu vào của chu trình tiếp theo. Vì vậy, Hội Làm vườn Việt Nam sẽ tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hiểu biết về VAC hiện đại và nông nghiệp tuần hoàn, vận động, hướng dẫn, truyền cảm hứng để nông dân và hội viên ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, nhân rộng và hoàn thiện, nâng tầm các mô hình VAC, góp phần nâng cao thu nhập, hiệu quả sản xuất và  thúc đẩy phát triển nông nghiệp tuần hoàn tại Việt Nam.

Hội Làm vườn Việt Nam sẽ nghiên cứu, đề xuất với Bộ Nông nghiệp và PTNT  tham mưu với Chính phủ có chủ trương, chính sách mạnh mẽ hơn nữa trong ưu tiên phát triển kinh tế VAC gắn với nông nghiệp tuần hoàn. Đây là một nội dung quan trọng trong hoạt động của Hội Làm vườn Việt Nam thời gian tới.

Ông có đề xuất kiến nghị gì để hoạt động Hội đạt hiệu quả cao nhất trong thời gian tới?

Ngoài việc tiếp tục kế thừa và phát huy những kinh nghiệm tốt của Hội, để đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới cần có sự đổi mới sáng tạo cả về nội dung và phương thức hoạt động để thích ứng với tình hình mới. Các hoạt động của Hội cần phải có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, lấy hội viên làm trung tâm, tức là xuất phát từ nhu cầu bức xúc của  hội viên, có tính khả thi, phù hợp với nguồn lực của Hội, đồng thời gắn với các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của ngành và địa phương.

Ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin là giải pháp quan trọng để cắt giảm chi phí, tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả hoạt động Hội. Cần thu hút sự tham gia của các nhà khoa học, các nhà quản lý, các nhà doanh nghiệp, các chủ trang trại, các chuyên gia và nông dân giỏi trong các lĩnh vực khác nhau, có tâm huyết, gắn bó với nghề làm vườn, tự nguyện cống hiến và đóng góp cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn và VAC.


 

 

 

Thanh Tâm (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An: Trên 4.200ha lúa hè thu có nguy cơ thiếu nước tưới

    Nghệ An: Trên 4.200ha lúa hè thu có nguy cơ thiếu nước tưới

    Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị triển khai đề án sản xuất trồng trọt vụ hè thu-mùa năm 2024.

  • Đồng Hỷ phát triển vùng cây ăn quả chủ lực

    Đồng Hỷ phát triển vùng cây ăn quả chủ lực

    Để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đất đai, những năm qua, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) đã khuyến khích nhân dân tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, từng bước hình thành các vùng trồng cây ăn quả tập trung chất lượng cao.

  • TBT132 - giống lúa thế hệ mới

    TBT132 - giống lúa thế hệ mới

    TBT132 là giống lúa được người sản xuất bún, bánh ở miền Trung rất chuộng. Theo tính toán, 1 kg gạo TBT132 sẽ làm ra hơn 3kg bún tươi, nhiều hơn so với các loại gạo khác từ 10 - 15%.

Top