Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 5 tháng 5 năm 2022 | 9:54

Những ngày Chiến thắng lịch sử và Khát vọng hùng cường

Trong 47 năm qua và mãi mai sau, mọi người Việt Nam và bạn bè trên toàn thế giới đều hân hoan đón chào những ngày cuối tháng Tư và đầu tháng Năm với khí thế tưng bừng bởi đây là thời điểm có một - không - hai, đón ba ngày Tết Chiến thắng trong một tuần lễ

khat-vong-viet-nam.jpg

Nói vậy vì, từ 30 tháng 4 đến 7 tháng 5, người Việt Nam đón 3 ngày Tết mang ý nghĩa và biểu tượng Chiến thắng. Cả ba ngày Tết Chiến thắng đều mang tầm vóc lịch sử thế giới.

Theo tuần tự ngày tháng, đầu tiên, ngày 30 tháng 4 của 47 năm trước (30/4/1975), thắng lợi của Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu giang sơn về một mối, kết thúc vẻ vang cuộc chiến tranh cứu nước lâu dài nhất, khó khăn nhất và vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân ta. Đại thắng mùa xuân năm 1975 đánh mốc son chói lọi trong lịch sử nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Sau đại thắng 30/4, đất nước hoàn toàn độc lập, cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Chiến thắng 30/4 đã tạo niềm tin cho nhiều dân tộc, làm thay đổi cục diện thế giới.

Thứ hai, cùng với giai cấp công nhân toàn thế giới, năm nay chúng ta Kỷ niệm 136 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886-1/5/2022). Đây là ngày lễ tại nhiều quốc gia trên thế giới, là ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới, ngày đoàn kết giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trên thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Ngày ghi dấu Chiến thắng của giai cấp công nhân toàn thế giới trong cuộc đấu tranh vì mục tiêu dân sinh, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5 ở nước ta là dịp để mọi người Việt Nam nói chung, giai cấp công nhân và nhân dân lao động ôn lại truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm; sôi nổi hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, cùng nhau dựng xây đất nước, quyết tâm đánh thắng “giặc nghèo nàn lạc hậu”, để sớm sánh vai cùng các cường quốc ở năm châu như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời và để thỏa khát vọng hùng cường thịnh vượng của dân tộc.

Thứ ba, ngày 7 tháng 5 của 68 năm trước (7/5/1954), chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu của quân và dân ta đã buộc Thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ (21/7/1954), kết thúc 9 năm kháng chiến bảo vệ thành quả của Cách mạng Tháng Tám – 1945, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, đưa cách mạng Việt Nam sang giai đoạn mới (Miền Bắc tiến lên xây dựng xã hội chủ nghĩa và Miền Nam tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước), đồng thời tạo đà cho các dân tộc khác đánh đổ hệ thống thực dân cũ trên toàn thế giới.

Điểm chung của ba ngày Tết Chiến thắng là sự Đoàn kết chung một ý chí, sự Sáng tạo trong tư duy và mạnh mẽ, quyết đoán trong hành động. Và đều mở ra trang sử mới cho nhân loại nói chung và dân tộc Việt Nam nói riêng.

Để thực hiện khát vọng Việt Nam hùng cường, “cơ hội vàng” đã đến. Nói vậy vì, vị thế, tiềm lực và uy tín Việt Nam ngày càng được nâng cao trên thế giới. Việt Nam - Hồ Chí Minh vừa là biểu tượng về độc lập dân tộc, yêu chuộng hòa bình, vừa là biểu tượng của ý chí vươn lên, góp tiếng nói quan trọng trong đấu tranh bảo vệ công lý, gìn giữ hòa bình, vì sự phát triển của xã hội và con người. Điều quan trọng nữa là, thế giới đang bước những bước đầu trong giai đoạn công nghiệp lần thứ tư – cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 còn gọi là cuộc cách mạng chuyển đổi số. Khác với 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước, lần này, chúng ta cùng nhịp bước với thế giới. Đây là “cơ hội vàng” để chúng ta thu hẹp khoảng cách, bắt kịp và tiến cùng với các nước phát triển.

 

cp.JPG
Sau 47 năm thống nhất đất nước chúng ta đang quyết tâm xây dựng Chinh phủ số, kinh tế số, xã hội số...

 

Để bắt kịp, tiến cùng thế giới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nỗ lực đột phá trong công tác xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số bằng cách ứng dụng mạnh mẽ, liên tục khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Theo các chuyên gia, việc đầu tiên phải hoàn thiện để thúc đẩy chuyển đổi số là xây dựng thể chế và thực hiện thể chế một cách đồng bộ, thống nhất, phù hợp thực tiễn. Thứ hai, nhanh chóng xây dựng cơ sở dữ liệu mọi mặt, mọi lĩnh vực với sự liên thông cao vì đây là cốt lõi của nền tảng số. Thứ ba, để có Chinh phủ số, kinh tế số, xã hội số thì nhất thiết phải có công dân số, bởi vậy xây dựng công dân số là việc cần làm ngay. Thứ tư, sớm hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật số trên cơ sở mọi nguồn lực, phát huy sự chủ động, sáng tạo của mọi người dân, mọi thành phần kinh tế, tận dụng tốt ngoại lực. Thứ năm, cần có tư duy với tầm nhìn xa và sự nỗ lực với quyết tâm cao, hành động mạnh mẽ trong thực hiện mục tiêu chiến lược đã hoạch định.

Hy vọng, bài học Đoàn kết, Sáng tạo, Táo bạo, Thần tốc của lịch sử những ngày Tết Chiến thắng sẽ cùng chúng ta mang về Chiến công mới, Chiến thắng giặc nghèo, lạc hậu, đưa dân tộc đến bến bờ vinh quang.

Hiền Trang
Ý kiến bạn đọc
Top