Đắm mình giữa không gian xanh bao la của rừng núi nguyên sinh; hòa mình cùng chàng trai, cô gái K’ho trong những điệu nhảy, lời ca đậm khát vọng đại ngàn, bao ưu phiền tan biến hết.
Đắm mình giữa không gian xanh bao la của rừng núi nguyên sinh; hòa mình cùng chàng trai, cô gái K’ho trong những điệu nhảy, lời ca đậm khát vọng đại ngàn, bao ưu phiền tan biến hết. Chỉ còn lại là sự hòa quyện tình đời giữa người và thiên nhiên; giữa người miền xuôi và đồng bào dân tộc Tây Nguyên thật thà chất phát. Đó là những gì có thể cảm nhận tại làng Cù Lần - địa danh du lịch sinh thái giữa thung lũng xanh trên cao nguyên Đà Lạt.
Thiên đường hạnh phúc
Chúng tôi đến Làng Cù Lần vào chiều trung tuần tháng 4. Khác với cái nóng nực chớm hạ của Đông Nam Bộ, khác với ồn ào náo nhiệt nơi thị thành phố xá, thời tiết ở Làng Cù Lần se lạnh, man mác lạ thường và nằm yên ả dưới chân núi Lang Biang thơ mộng.
Bước qua những bậc đá sau khi qua cổng, một không gian đẹp như cổ tích trước mắt chúng tôi hiện ra. Ông Phạm Hồng Thái, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ ca Vũng Tàu, bảo: “Du khách đến tham quan Đà Lạt nếu chưa đến làng Cù Lần thì coi như chỉ mới đến Đà Lạt một nửa. Cái “hút” chân du khách đến với làng Cù Lần không chỉ phong cảnh hoang sơ với 80% núi rừng nguyên sinh, mà du khách còn được “níu” ở lại Cù Lần bởi những câu chuyện tình lãng mạn đầy xúc động”. Bà Mộng Châm có bút thơ “Hoa xương rồng” thuộc Câu lạc bộ thơ ca Người Hà Nội ở Vũng Tàu cũng bật lên đầy cảm xúc: “Một cảnh thiên đường giữa thung lũng đại ngàn. Đẹp và thơ mộng quá”.
Chẳng biết thời gian chính xác từ bao giờ, làng Cù Lần lấy tên nguyên bản của mối tình lãng mạn từ đôi trai tài gái sắc chốn phồn hoa thành thị. Hướng dẫn viên Nguyễn Thanh Mai kể lại: Xưa kia, có một chàng trai người Kinh lực lưỡng, điển trai, tốt bụng và si tình. Vì nhà quá nghèo nên không có tiền lấy vợ. Chàng ước mơ xây một lâu đài hạnh phúc với cô gái mình yêu. Chàng đã bỏ nhà từ miền xuôi lên sinh sống giữa chốn rừng sâu. Để thực hiện mơ ước ấy, ngày ngày chàng lên núi vác đá về xây lâu đài hạnh phúc, nhưng xây mãi, xây mãi, bao công sức chỉ là “đội đá vá trời”.
Lời đồn giữa rừng sâu cao nguyên Đà Lạt, có thằng Cù Lần si tình dũng cảm đã đến tai cô gái nọ. Cô gái quyết định bỏ phố lên rừng. Trước cảnh đẹp kỳ vĩ của núi rừng thiên nhiên, xúc động trước tình cảm chân thành và ý chí sắt đá của Cù Lần, cô đã quyết định ở lại rừng sâu cùng Cù Lần xây lâu đài hạnh phúc.
Thời gian như thoi đưa, bao mồ hôi thấm vào vách đá, bao nhọc nhằn lặn vào rừng sâu, họ không xây lâu đài như thiên đường mơ ước, song họ đã có một tình yêu mãnh liệt, bền chặt. Thiên đường hạnh phúc của họ là những ngôi nhà nhỏ giản dị dưới chân núi Lang Biang. Quanh ngôi nhà ấy là hoa thơm cỏ dại, cùng dòng suối trong vắt chảy róc rách suốt ngày đêm. Ngày ngày, chàng Cù Lần lên rừng đốn củi, xuống suối bắt cá, còn người vợ ở nhà nuôi con chờ đón chồng về. Làng Cù Lần cũng có tên từ đó.
Không gian văn hóa cổ
Khác biệt với thị thành tấp nập người xe, đối lập với những cao ốc “chọc trời” hoặc những con phố đan xen như mắc cửi; làng Cù Lần nguyên sơ và giản dị như chính tên gọi của nó.
Đứng bên sườn núi Lang Biang, phóng tầm mắt về hướng bên phải, một cảnh thanh bình hiển hiện giữa núi đồi. Đó là “thảm cỏ” xanh mướt giữa không gian tĩnh lặng. Bên phải là chợ Chổm Hổm bày bán hàng lưu niệm làm bằng gỗ rừng. Cạnh đó, trên đồi cao là không gian văn hóa của người K’ho, trưng bày sản vật văn hóa cổ và những sản phẩm đặc trưng nhất của người Tây Nguyên qua nhiều thế hệ. Phía trái là những ngôi nhà nhỏ của chàng Cù Lần với vườn hoa đủ sắc màu xinh xắn vây quanh. Bên cạnh là hồ nước trong vắt và không bao giờ vơi cạn dù thời tiết khắc nghiệt đến đâu hoặc mùa khô hạn hán. Giữa sân là cây nêu và những chiếc ghế làm bằng nửa thân cây thông như những cung bậc của núi rừng cao nguyên. Tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên một bản sắc văn hóa riêng biệt mà chỉ làng Cù Lần mới có.
Sau khi đi thăm thú, mua sắm và chụp ảnh lưu niệm, tất cả du khách dù già, trẻ, gái trai đều tập trung trước khu nhà Rông và hòa mình cùng các chàng trai, cô gái K’ho xinh đẹp khỏe khoắn trong những điệu múa “cồng chiêng”, lấy nước dưới suối và “nhảy sạp” quanh đống lửa bập bùng, khói mắt. Một cảnh sinh hoạt văn hóa cộng đồng lành mạnh không phải điểm du lịch nào cũng duy trì được.
Điểm thu hút du khách
Đến làng Cù Lần không ăn gà nướng, chưa uống rượu cần, không thưởng thức khoai nướng, không ăn cơm lam thì thật thiếu dư vị Tây Nguyên. Gà nuôi trên đồi, rượu cần làm ủ trong ché, khoai nướng do người K’ho trồng trên rẫy, cơm lam do người K’ho hấp trong ống nứa. Tất cả tạo nên nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của người bản xứ nơi này.
Những món ăn dân giã nhưng bình dân, gà nướng chỉ 350.000 đồng/con; rượu cần 300.000 đồng/chum (ché); cơm lam 60.000 đồng/ống; khoai nướng chỉ 25.000 đồng/ cân…, đủ cho 10 thực khách no nê, say mê thưởng thức cả ngày giữa không gian văn hóa đậm chất Tây Nguyên.
Làng Cù Lần ở thôn Suối Cạn (xã Lát, huyện Lạc Dương), nằm dưới chân núi Lang Biang (Lâm Đồng), cách hồ Xuân Hương và Đồi Cù (Đà Lạt) khoảng 20km. Để đặt chân trên thảm cỏ xanh mướt, đi dưới thung lũng nguyên sơ, phải đi qua hai cây cầu treo kết cấu bằng tre, nứa rừng dài 17 nhịp.
Làng Cù Lần không quá lớn, nhưng đủ rộng để chứa nhiều người; cái rộng và sâu hơn là tình người, tình đời của những người K’ho nơi Cao Nguyên bản xứ, khiến ai một lần đã đặt chân đến Làng Cù Lần đều mong một ngày không xa sẽ quay trở lại.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.