Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 13 tháng 7 năm 2021 | 15:54

Nổi cộm những công trình xây dựng trái phép trên đất phi nông nghiệp, đất rừng cần xử lý dứt điểm

Tự ý chuyển đổi cả nghìn mét vuông đất lúa sang đất phi nông nghiệp, xâm lấn nghiêm trọng diện tích hồ đập, xây dựng các công trình không phép trên đất rừng, ảnh hưởng tới an ninh, an toàn hồ đập và diện tích rừng tự nhiên, cần phải xử lý nghiêm.

Doanh nghiệp “lộng hành” xây dựng trái phép trên đất rừng

Hồ thủy lợi Trại Trâu hiện thuộc sự quản lý, vận hành và khai thác của Công ty TNHH MTV Thủy Lợi Phúc Yên (Vĩnh Phúc). Theo phản của người dân, khu vực này đang bị đào xới, thay đổi hiện trạng ban đầu. Theo ghi nhận của Dân Việt, hiện nay đang là mùa hè, lượng mưa ít nên mực nước trong hồ xuống thấp, dẫn tới nhiều diện tích đất không có nước, lợi dụng điều này một doanh nghiệp đã thuê diện tích mặt nước của Công ty TNHH MTV Thủy Lợi Phúc Yên để nuôi trồng thủy sản đã san gạt, đào xới nham nhở, không hiểu vì mục đích gì?

Bên cạnh việc xâm lấn hồ thủy lợi Trại Trâu, nguyên một quả đồi thuộc diện đất rừng đã bị "cạo trọc" và hệ thống tường bao xung quanh quả đồi, được xây dựng kiên cố dài hàng trăm mét. Hệ thống đường lên đang được xây dựng quy mô xung quanh đồi. Nhìn từ xa thì đó không còn là đất rừng để trồng rừng nữa mà như một công trình kiên cố phục vụ mục đích khác.

Theo Báo cáo số 44/BC-UBND ngày 27/5/2021 của UBND xã Ngọc Thanh về việc kiểm tra sử dụng đất tại hồ Trại Trâu nêu rõ cơ quan này đã kiểm tra 2 lần tại khu vực này. Lần 1 vào ngày 13/3/2020 xác định có hiện tượng đào xới, tạo đường băng và xây kè tường đá và làm đường đi trên đất rừng. Chủ công trình là bà Nguyễn Thị Vân Anh, người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Đầu tư phát triển và Dịch vụ Gia Phúc có địa chỉ tại Quận Tây Hồ, Hà Nội.

Bà Anh giải trình: diện tích đất này được nhận chuyển nhượng của ông Vũ Văn Bình đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; về việc xây dựng công trình khác, bà Anh cho biết công trình này là nhằm chống sói mòn và trồng rừng. UBND xã Ngọc Thanh đã yêu cầu bà Anh dừng ngay việc xây dựng trên, nghiêm cấm việc mọi hành vi xây dựng trên đất rừng.
 
toàn-cảnh-đất-đồi-rừng-bị.png
Toàn cảnh đất đồi rừng bị "phù phép" thành công trình "gia đình"... (Nguồn: Dân Việt)
Tuy nhiên, phớt lờ mọi quy định pháp luật, "làm ngơ" mọi yêu cầu của UBND xã Ngọc Thanh, trong thời gian gần 1 năm (13/3/2020 - 19/3/2021) đơn vị này vẫn tiếp tục hoàn thiện các công trình trái phép trên đất rừng.
 
Kiểm tra lần 2 ngày 19/3/2021, UBND xã Ngọc Thanh đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm Phúc Yên kiểm tra việc sử dụng đất của bà Nguyễn Thị Vân Anh và phát hiện tại khu vực hồ Trại Trâu có hiện tượng đào, đắp đất với diện tích khoảng 3.000m2, phần diện tích đào đắp ở phía dưới lòng hồ, đây là phần diện tích bán ngập và diện tích thuộc hồ thủy lợi Trại Trâu. UBND xã Ngọc Thanh một lần nữa yêu cầu Công ty TNHH Đầu tư phát triển và Dịch vụ Gia Phúc ngừng ngay việc đào đắp làm thay đổi hiện trạng hồ thủy lợi Trại Trâu.
 
Đồng thời, đề nghị UBND thành phố Phúc Yên, các phòng ban chuyên môn xem xét thẩm quyền cho thuê hồ để nuôi trồng thủy sản, và việc ban hành văn bản chấp thuận cho nạo vét lòng hồ của Công ty TNHH MTV Thủy Lợi Phúc Yên.
 
Về phía công ty Thủy lợi Phúc Yên, đơn vị được giao quản lý nguồn nước hồ thủy lợi Trại Trâu, khi trả lời báo chí về việc cho thuê hồ thủy lợi Trại Trâu với mục đích nuôi trồng thủy sản không qua đấu giá, ông Nguyễn Đức Chính – Giám đốc công ty TNHH MTV Thủy lợi Phúc Yên cho biết, Công ty Thủy lợi chỉ cho thuê phần mặt nước với mục đích nuôi trồng thủy sản chứ không có chức năng cho thuê hồ. Và khẳng định, Công ty chỉ đồng ý cho dọn dẹp lòng hồ, dọn bùn rác thải xung quanh hồ để thông thoáng mặt hồ, tăng dung tích mặt hồ... nếu doanh nghiệp lấn hồ, lấp hồ, cải tạo diện tích hồ là doanh nghiệp hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.
 
Ông Chính cũng khẳng định việc cho thuê mặt nước hồ với mục đích nuôi trồng thủy sản là đúng quy định của pháp luật, tài sản dưới 1 tỷ đồng nên không cần đấu giá, chỉ cần có đơn xin khai thác thấy phù hợp là ký hợp đồng cho thuê. Giá thuê hồ cũng theo giá UBND tỉnh quy định.
 
Tuy nhiên, theo Điều 23 của Luật Thủy lợi 2017 về phương thức khai thác công trình thủy lợi phải được tổ chức đấu thầu công khai hoặc đặt hàng.
 
Theo các mục trong Điều 8 của Luật Thủy lợi năm 2017 các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thủy lợi có thể thấy việc tác động lên công trình thủy lợi khiến hơn 3.000m2 bị đào xới, san lấp có dấu hiệu vi phạm quy định tại mục 10 - Lấn chiếm, sử dụng đất trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi và mục 11 - Thực hiện các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi khi chưa có giấy phép hoặc thực hiện không đúng nội dung của giấy phép được cấp...
 
Đồng thời, đối chiếu tại điểm h, điều 22, Chương III, Nghị định số 114/2018/NĐ-CP về quản lý an toàn hồ đập, hồ chứa nước đã nêu rất rõ về việc cấp giấy phép cho dự án Nuôi trồng thủy sản trong phạm vi hồ đập, hồ chứa nước chỉ có cấp có thẩm quyền là UBND tỉnh.
 
Với những dấu hiệu vi phạm như xây dựng trái phép công trình trên đất rừng, đào xới, hủy hoại lòng hồ thủy lợi ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh thái tự nhiên của rừng, của hồ thủy lợi Trại Trâu, người dân mong mỏi tỉnh Vĩnh Phúc, thành phố Phúc Yên có sự thanh tra, kiểm tra, xác định sai phạm của chủ doanh nghiệp; đồng thời, quy trách nhiệm để xảy ra sai phạm đối với các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan quản lý hồ thủy lợi, để có biện pháp xử lý đúng quy định của pháp luật.

Chuyển hàng nghìn mét vuông đất lúa sang đất phi nông nghiệp

Thông tin từ UBND thành phố Thanh Hóa (Thanh Hóa) cho biết, đã ban hành Quyết định số 2211/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH XD&DV TM Hoàng Minh Vũ tự ý chuyển đổi hơn 950 m2 đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép, đồng thời xây dựng hàng loạt công trình trên khu đất tự ý chuyển đổi.

Cụ thể, xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH XD&DV TM Hoàng Minh Vũ, người đại diện là ông Đoàn Văn Minh - Giám đốc Công ty có địa chỉ tại số nhà 08 khối 2, thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Công ty đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính: Chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép có diện tích 957,43m2 tại các thửa đất số 912; 913; 917; 918; 962; 963; 964; 965; 1011; 1012; 1052; 1053 trích lục bản đồ địa chính số 695/TLBĐ, tỉ lệ 1/1000 ngày 04 tháng 10 năm 2017, do văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất Thanh Hóa cấp (Trích lục tờ bản đồ địa chính số 9, tỉ lệ 1/2000, đo vẽ năm 2012, xã Đông Tân, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, nay là phường Đông Tân, thành phố Thanh Hóa).

Đơn vị này xây dựng các hạng mục công trình có tổng diện tích 957,43m2, trong đó: Xưởng sản xuất cọc bê tông cốt thép: dài 43,9m x rộng 9,5m = 417,5m2;  Nhà kho: 122m2; Nhà để xe 75m2 khung sắt, mái tôn;  Nhà nghỉ công nhân: dài 12,0m x rộng 6m = 72m2 khung sắt, mái tôn; Nhà vệ sinh ngoài trời mái bê tông cốt thép: dài 5,1m x rộng 4,3m = 21,93m2;  Nhà làm việc diện tích 39m2; Nhà khung cột thép hình chữ I, diện tích: 210m2.

 

công-ty-tnhh-xddv-tm-hoàng-minh-vũ-tự-ý-chuyển-đất-lúa-sang-đất-phi-nông-nghiệp-trái-quy-định.jpg
Công ty TNHH XD&DV TM Hoàng Minh Vũ tự ý chuyển đất lúa sang đất phi nông nghiệp trái quy định (Nguồn: Công Lý)

Xử phạt Công ty TNHH XD&DV TM Hoàng Minh Vũ số tiền 90 triệu đồng, biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, tại các thửa đất nông nghiệp số 912; 913; 917; 918; 962; 963; 964; 965; 1011; 1012; 1052; 1053 trích lục bản đồ địa chính số 695/TLBĐ, tỉ lệ 1/1000 ngày 04 tháng 10 năm 2017, do văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất Thanh Hóa cấp (Trích lục tờ bản đồ địa chính số 9, tỉ lệ 1/2000, đo vẽ năm 2012, xã Đông Tân, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, nay là phường Đông Tân, thành phố Thanh Hóa) theo quy định tại điểm a, khoản 5, điều 9 Nghị định số 91/2019/NĐ - CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Thời hạn thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định.

Điều khiến dư luận boăn khoăn là vi phạm của Công ty TNHH XD&DV TM Hoàng Minh Vũ nằm ngay gần UBND phường Đông Tân, thời gian dài nhưng lãnh đạo địa phương này không có bất kỳ một động thái ngăn chặn. Điều này không thể khiến cho người dân đặt câu hỏi, lãnh đạo phường Đông Tân “nhắm mắt làm ngơ” cho sai phạm.

Khi sai phạm đã được chỉ rõ, lãnh đạo Thành phố Thanh Hóa không yêu cầu tập thể, cá nhân phường Đông Tân kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm là chưa thỏa đáng.

Lợi dụng được cấp giấy phép hoạt động khai thác đất rồi phá núi Phú Viên

Núi Phú Viên thuộc địa phận hai xã Trường Minh và Trường Sơn (Nông Cống, Thanh Hóa), từ nhiều năm trước đã được cấp phép mỏ cho các công ty khai thác đất làm vật liệu san lấp. Hoạt động này đã gây nhiều ảnh hưởng đến đời sống của bà con trong khu vực.

Gần đây nhất, Giám đốc công ty KH Group đã thuê 25 người lạ, kéo đến đập phá cổng làng, đe dọa người dân thôn Phú Viên vì lý do người dân thôn này đã xây hẹp cổng làng, chặn đường xe chở đất chạy qua làng. Sau sự việc đó, Công ty KH Group tạm dừng khai thác một thời gian. Đầu năm 2021, mỏ đất khai thác trở lại và có nhiều dấu hiệu sai phạm. Xe vận chuyển đất chạy gây bụi bặm, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân trong khu vực.

 

hiện-trường-khai-thác-tại-mỏ-đất-núi-phú-viên.jpg
Hiện trường khai thác tại mỏ đất núi Phú Viên (Nguồn: Sức Khỏe Pháp Luật).

Theo thông tin phản ánh, tại đây, hoạt động khai thác đất đang diễn ra khá rầm rộ. Tại hiện trường mỏ, có nhiều lượt xe vào vận chuyển đất đi san lấp, có dấu hiệu sai phạm trong phương án khai thác được phê duyệt, có nguy cơ gây sạt lở đất, nhiều dấu hiệu khai thác vượt quá độ sâu cho phép.

Cũng tại thôn 1, xã Trường Sơn, phản ánh của gia đình bà Nguyễn Thị Mai (Sinh 1949) về việc diện tích đất lâm nghiệp của gia đình bà được công nhận quyền sử dụng trong thời hạn 50 năm (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số H- 950601) đã bị cấp phép vào khu vực khai thác của mỏ đất và đã bị múc nham nhở nhưng không có bất kỳ quyết định thu hồi hay bồi thường nào từ đơn vị khai thác.

Tìm hiểu được biết, hiện tại công ty KH Group không trực tiếp khai thác tại mỏ đất mà đã ủy quyền cho công ty TNHH Xuân Hiếu thực hiện khai thác.

Liên quan đến vụ việc, cán bộ Phòng Tài nguyên Môi trường hyện Nông Cống cung cấp các tài liệu có liên quan đến khu vực mỏ đất tại núi Phú Viên.

Qua tài liệu được cung cấp cho thấy, UBND huyện Nông Cống đã nhận được phản ánh về các hoạt động khai thác tại khu vực núi Phú Viên và đã mời đại diện Công ty KH Group làm, có kết luận cụ thể. Sau đó đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với các sai phạm trong khai thác với hai nội dung vi phạm: Để mất mốc khai thác và khai thác không đúng phương pháp quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản như chiều cao tầng, góc dốc sườn tầng. Từ căn cứ này, cơ quan chức năng đã đưa ra mức xử phạt là 47.000.0000 đồng.

 

quyết-định-xử-phạt-về-khai-thác-sai-phương-pháp-và-vi-phạm-mốc-giới-quy-định-trong-giấy-phép-đối-với-công-ty-kh-group.jpg
Quyết định xử phạt về khai thác sai phương pháp và vi phạm mốc giới quy định trong giấy phép đối với Công ty KH Group (Nguồn: Sức Khỏe Pháp Luật).

Đồng thời, tại công văn số 72/TB- UBND (ngày 18/05/2021) cũng có nội dung yêu cầu Công ty KH Group dừng hoạt động khai thác trong thời gian xác minh và khắc phục các sai phạm.

Tuy nhiên, tại hiện trường, mỏ đất vẫn thực hiện khai thác bình thường, đơn vị được cấp phép cũng chưa có văn bảo nào chứng minh và khẳng định đã khắc phục các sai phạm, được khai thác lại.

Trên thực tế, đơn vị KH Group trong thời gian này không trực tiếp khai thác tại núi Phú Viên mà đã ủy quyền khai thác cho Công ty TNHH Xuân Hiếu. Câu hỏi đặt ra là: Khi một đơn vị không được cấp phép khai thác, cũng chưa được chuyển nhượng quyền khai thác thì tại sao Công ty TNHH Xuân Hiếu lại có thể thực hiện các hoạt động tại đây?  

Thực tế này cũng đặt ra vấn đề trách nhiệm của chính quyền sở tại và các cơ quan chức năng trong nhiệm vụ quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn. Về nguyên tắc, chỉ có đơn vị nào được cấp phép thì đơn vị đó mới có quyền khai thác khoáng sản, hoặc đơn vị được cấp phép chuyển nhượng lại quyền khai thác cho một đơn vị khác theo quy định của pháp luật. Điều này đã được quy định tại Luật Khoáng sản và Điều 37 Nghị định 158/2016/NĐ-CP.

 

màu-xanh-của-núi-phú-viên-đã-bị-thay-bằng-những-vách-cắt-nham-nhở.jpg
Màu xanh của núi Phú Viên đã bị thay bằng những vách cắt nham nhở (Nguồn: Sức Khỏe Pháp Luật).

Vấn đề hiện tại cần làm rõ ở đây là: Trách nhiệm của Công ty KH Group và hoạt động của Công ty TNHH Xuân Hiếu thực tế là như thế nào? Để trả lời câu hỏi này có lẽ các cơ quan ban ngành của huyện Nông Cống cần lần nữa vào cuộc. Ngoài việc đảm bảo quyền lợi và an toàn môi trường cho người dân sống trong khu vực thì còn là sự tăng cường quản lý chặt chẽ, tránh thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản của nhà nước.

 

 

 

 

Hữu Thắng (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top