Hoạt động khai thác đá lậu với quy mô lớn, diễn ra hàng tháng trời, nhưng cơ quan chức năng từ tỉnh đến xã lại “nương tay” trong xử lý. Vì vậy, nhiều người dân ở xã Nhân Đạo (Đắk R’lấp – Đắk Nông) nghi ngờ có người “chống lưng” cho sai phạm.
Khai thác đá lậu diễn ra rầm rộ
Nhận được phản ánh của người dân về tình trạng khai thác đá lậu tại thôn 3, xã Nhận Đạo, PV Kinh tế nông thôn đã vào cuộc xác minh. Khác hẳn với hình dung trước đó, việc tìm đến địa điểm khai thác đá trái phép này rất dễ dàng. Từ trụ sở UBND xã Nhân Đạo, PV chỉ cần di chuyển khoảng 2km đường nhựa là đến địa điểm mà người dân phản ánh. Trong 2 ngày (26 và 27/10) có mặt tại khu vực diễn ra khai thác đá trái phép, PV ghi nhận có 4 xe máy múc, khoảng 10 công nhân đang tổ chức khai thác đá trái phép.
Người dân ở đây cho biết, ban đầu khu vực khai thác đá có quy mô vài nghìn m2, còn bây giờ được mở rộng gần cả hec-ta. Quan sát xung quanh, chúng tôi chứng kiến có hàng nghìn cây đá xếp chồng lên nhau chờ chở đi tiêu thụ.
Dù chưa được cơ quan chức năng cấp phép nhưng hoạt động khai thác đá ở đây diễn ra rầm rộ, công khai, không chịu sự can thiệp nào từ phía cơ quan chức năng.
Trao đổi về sự việc trên, bà Trần Thị Hồng Liên, Chủ tịch UBND xã Nhân Đạo, cho biết: Thời gian qua, chính quyền địa phương đã nhiều lần tổ chức kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính, yêu cầu dừng hoạt động khai thác đá trái phép. Tuy nhiên, quá trình kiểm tra, chúng tôi chỉ làm việc được với chủ đất, còn người thuê đất để tổ chức khai thác đá là ai chính quyền hoàn toàn không biết?!
“Việc khai thác đá trái phép diễn ra vào cuối tuần, cán bộ xã không thể lúc nào cũng có mặt để ngăn chặn, xử lý được”, bà Liên nói thêm.
Theo tìm hiểu của PV, việc khai thác đá trái phép diễn ra gần 1 năm nay, nhưng không hiểu vì sao đến nay, cả chủ đất lẫn người thuê đất vẫn chưa một lần bị xử phạt. Điều này cho thấy, Chủ tịch xã Nhân Đạo vẫn còn “nương tay”, chưa quyết liệt trong xử lý sai phạm theo thẩm quyền.
Ông Lê Đình Sáu, Trưởng phòng TN-MT huyện Đắk R’lấp cho biết, trong tháng 9 vừa qua, Đoàn liên ngành (Gồm: Sở TN-MT, Phòng TN-MT huyện, đại diện chính quyền địa phương) tiến hành kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn, trong đó có kiểm tra hoạt động khai thác đá trái phép tại thôn 3, xã Nhân Đạo. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, các đối tượng dừng hoạt động khai thác. Sau đó, tôi cũng chỉ đạo xã phải quyết liệt xử lý việc này, nếu có vướng mắc phải báo cáo huyện. Tuy nhiên, đến nay phòng TN-MT chưa nhận được báo cáo của UBND xã, nên không có cơ sở tham mưu cho lãnh đạo huyện ra quyết định xử phạt.
Có người "chống lưng"?
Trao đổi với PV, nhiều người dân sinh sống xung quanh điểm khai thác đá trái phép ở thôn 3 đều có chung nhận định: Phải có ai đó “chống lưng”, hậu thuẫn thì các đối tượng trên mới ngang nhiên tổ chức khai thác đá trái phép như vậy.
Ông Nguyễn Văn B. cho biết: Việc khai thác đá trái phép diễn ra gần cả năm nay, người dân ai cũng biết, nhưng riêng cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thì đang làm ngơ. Các đối tượng khai thác đá lậu diễn ra cả tuần chứ không riêng gì thứ 7, chủ nhật.
“Tôi thấy nhiều đoàn của xã, huyện, tỉnh về kiểm tra rồi nhưng đâu lại vào đấy, chả thấy xử lý gì cả. Càng kiểm tra quy mô khai thác càng mở rộng hơn. Kiểm tra buổi sáng thì buổi chiều công nhân lại tổ chức khai thác trở lại bình thường”, ông B. thở dài nói.
Tiếp lời ông B., bà Trần Thị C. cho hay: Không chỉ khai thác rầm rộ, hoạt động chở đá lậu đi tiêu thụ cũng diễn ra công khai. Mỗi ngày có khoảng 5-7 lượt xe ra vào chở đá đi tiêu thụ. Nhìn vào khối lượng đá cây trên xe thì tôi khẳng định đều quá tải. Nhìn các phương tiện này cày nát đường giao thông, là người dân tôi rất xót xa. Các phương tiện này sau khi “ăn hàng” đều đi qua trụ sở UBND xã để hướng ra quốc lộ 14, mà lãnh đạo xã và cơ quan chức năng không biết là điều hết sức vô lý.
Rõ ràng, để tồn tại tình trạng khai thác khoảng sản trái phép không chỉ gây thất thu ngân sách nhà nước mà còn kéo theo nhiều hệ lụy về môi trường, an ninh trật tự… Vì vậy, cơ quan chức năng của tỉnh Đắk Nông cần quyết liệt hơn trong xử lý, không nên “nương tay” như thời gian qua.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.