Nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ lai tạo giống bò, phát triển nguồn thức ăn xanh tại chỗ, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) đã có thu nhập đáng kể, góp phần phát triển kinh tế gia đình.
Bê lai sinh ra tại hộ ông Trịnh Đông Chấn.
Để nâng cao chất lượng đàn bò địa phương, Trạm Khuyến nông huyện Đức Phổ đã triển khai thực hiện mô hình chăn nuôi bò lai Zê bu sinh sản trong 2 năm 2014-2015 tại 3 xã Phổ Hòa, Phổ Vinh, Phổ An và thị trấn Đức Phổ. Mô hình đã tiến hành khảo sát và chọn được 500 hộ chăn nuôi bò lai Zê bu sinh sản tham gia, mỗi hộ có bình quân 2,5 con bò lai Zê bu. Bò cái có tầm vóc lớn (343kg/con) và đang ở độ tuổi sinh sản tốt (đã đẻ 2-3 lứa).
Trạm Khuyến nông huyện đã tiến hành tổ chức phối giống tại 4 điểm với 8 dẫn tinh viên hoạt động ở 4 xã, thị trấn. Tinh bò giống sử dụng 100% là tinh bò ngoại, gồm 4 giống: Charolais, Red Angus, BBB và Brahman. Tinh giống bò sử dụng tùy thuộc vào chất lượng bò cái sinh sản và điều kiện nuôi dưỡng của nông hộ, cụ thể: Đối với những bò cái có tầm vóc nhỏ (từ 220-250kg) và hộ ít có khả năng đầu tư thì sử dụng tinh nhóm bò Zê bu (giống Brahman). Đối với những bò cái có tầm vóc lớn và hộ có khả năng đầu tư thì sử dụng tinh nhóm bò chuyên thịt (giống Charolais, Red Angus, BBB).
Sau 2 năm triển khai, số bò cái được phối giống là 1.693 con; số bò cái phối có chửa là 1.256 con; số bê lai sinh ra là 423 con. Bê lai sinh ra có tầm vóc lớn, trọng lượng sơ sinh trung bình 24 kg/con, ngoại hình đẹp, thể chất khỏe, sinh trưởng nhanh. Hiệu quả kinh tế của các hộ tham gia tăng 10-20% so với hộ ngoài mô hình.
Ông Trịnh Đông Chấn, ở thôn An Thạch, xã Phổ An, cho biết: “Gia đình có 3 con bò cái được hỗ trợ phối tinh bò ngoại và đã sinh được 3 con bê lai. Tôi thấy bê lai sinh ra to khỏe, đẹp, mau lớn nên bán được giá cao, nếu trước đây 3 con bê tôi chỉ bán được với giá 30-40 triệu đồng thì nay tăng lên 50-60 triệu đồng, cải thiện thu nhập đáng kể”.
Bên cạnh đó, Trạm Khuyến nông huyện Đức Phổ đã hỗ trợ nông dân xây dựng 500 mô hình trồng các giống cỏ có năng suất cao tại 500 hộ chọn tham gia dự án. Mô hình sử dụng 2 giống cỏ mới đang được nhiều địa phương trồng đạt năng suất, chất lượng cao là VA06 (trồng hom) và Mulato (gieo hạt). Tổng diện tích thực hiện là 15ha, bình quân 300 m2/mô hình. Qua theo dõi của cán bộ kỹ thuật thấy, cỏ trồng ở các mô hình nhìn chung có tỷ lệ sống cao, được chăm sóc đúng quy trình nên sinh trưởng và phát triển tốt. Năng suất bình quân của cỏ VA06 đạt 40 tấn/ha/lứa, cỏ Mulato 25 tấn/ha/lứa. Hiện nay, mô hình trồng cỏ đang được các hộ thực hiện và người dân địa phương nhân rộng với diện tích lên đến 25ha.
Trong quá trình thực hiện mô hình, cán bộ kỹ thuật của trạm thường xuyên theo dõi, kiểm tra và hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật để các hộ chăn nuôi áp dụng. Ngoài ra, còn phối hợp với dẫn tinh viên phụ trách mô hình tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất tình hình chăm sóc, nuôi dưỡng bò cái mang thai, bò mẹ sau khi sinh con; kiểm tra trọng lượng bê sơ sinh... Nhờ đó, nông dân được tiếp cận và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi bò; từng bước thay đổi nhận thức, thói quen trong chăn nuôi.
Bà Lê Thị Lắm, ở thôn An Thường, xã Phổ Hòa, cho biết: “Trước đây, gia đình tôi chủ yếu chăn nuôi bò thả rông, chưa biết cách đầu tư chăm sóc cho đàn bò nên hiệu quả đem lại không cao. Từ ngày tham gia mô hình, được cán bộ khuyến nông hướng dẫn, chúng tôi đã biết cách chăm sóc đàn bò, thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng trừ dịch bệnh, tiêm phòng theo quy định; biết trồng cỏ để bổ sung thức ăn xanh cho bò; đặc biệt là việc phối giống bò, hạn chế hình thức cho nhảy trực tiếp bằng việc sử dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo từ nguồn tinh bò nhập ngoại để cho ra bê lai khỏe mạnh, có sức chống chịu với dịch bệnh mà hiệu quả kinh tế lại cao hơn”.
Có thể thấy, kết quả từ mô hình đã tác động đến nhận thức của người chăn nuôi bò cái sinh sản ở Đức Phổ bằng việc sử dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo tinh bò nhập ngoại, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng đàn bò ở địa phương, tăng hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi bò lai Zê bu, góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho nông hộ. Đây là một trong những nội dung thuộc dự án “Xây dựng phát triển chăn nuôi bò thành nghề sản xuất chính của nông hộ trên địa bàn huyện Đức Phổ” do Trạm Khuyến nông Đức Phổ chủ trì thực hiện từ tháng 6/2014-6/2017 với tổng kinh phí khoảng 78 tỷ đồng. Hy vọng trong thời gian tới sẽ còn nhiều hộ nông dân được hưởng lợi từ dự án.
Phương Dung
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.