Hiện nay, tình trạng lạm dụng thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp đã đến mức báo động, đòi hỏi phải cải tiến quy trình sản xuất theo hướng an toàn, bền vững mà vẫn đảm bảo lợi ích của người dân.
Mô hình trồng lúa hữu cơ ở xã Mỹ Lộc (Tam Bình - Vĩnh Long) là mô hình đảm bảo lợi nhuận cho nông dân và sản phẩm an toàn.
Tham quan và hội thảo đầu bờ mô hình lúa hữu cơ ở Mỹ Lộc. Ảnh: Thành Liên.
Mô hình trồng lúa hữu cơ ở xã Mỹ Lộc bước đầu đã tạo sự lan tỏa trong cộng đồng vì là mô hình đầu tiên trong tỉnh Vĩnh Long sản xuất lúa sạch và được bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Để hoạt động hiệu quả ngay từ vụ đầu tiên, địa phương đã thành lập Hợp tác xã (HTX) Tân Tiến để điều hành. Cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT, đơn vị cung ứng phân hữu cơ và các kỹ sư đảm nhận hướng dẫn kỹ thuật cho bà con thực hiện.
Vụ đầu tiên mô hình thực hiện là vụ hè thu 2016 với diện tích 44,3ha và 74 hộ dân tham gia. Trong đó, diện tích canh tác lúa hữu cơ là 31ha, lúa bán hữu cơ 13,3ha. Vụ thu đông 2016, mô hình tiếp tục được duy trì với diện tích 26,8ha do 43 hộ tham gia.
Ông Dương Văn Thành, Giám đốc HTX Tân Tiến, lý giải, sở dĩ diện tích giảm là do nông dân chưa có kinh nghiệm sản xuất, cộng với thời tiết bất lợi nên năng suất lúa không cao, chỉ khoảng 3,8 tấn/ha. Tuy nhiên, lúa bán được với giá 11.000 đồng/kg, cao hơn lúa thường cùng loại từ 3.000-4.000 đồng/kg và được bao tiêu toàn bộ.
Giống lúa sử dụng trong mô hình là lúa thơm Jasmine 85. Liên hiệp HTX Thương mại TP.Hồ Chí Minh (Sài gòn Co.op) hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Công ty CP Nông nghiệp GAP và Công ty TNHH phát triển nông nghiệp Phương Nam cung ứng phân, thuốc hữu cơ và tư vấn kỹ thuật sản xuất.
Với kinh nghiệm sau 2 vụ làm “chưa có lãi”, hiện nông dân Mỹ Lộc đang bước vào vụ thứ 3-vụ đông xuân 2016-2017 thực hiện sản xuất quy trình hữu cơ khép kín với nhiều tự tin. Đến nay, diện tích sản xuất lúa hữu cơ tăng trở lại thành hơn 40ha, trên 70 hộ tại ấp 9 và ấp 11 tham gia.
Chị Nguyễn Thị Sang có 0,6ha canh tác theo mô hình ngay từ vụ đầu tiên tâm sự: “Do 2 vụ đầu chưa rành cách làm và thời tiết bất lợi nên không có lời”.
Không nản lòng, chị tham dự đầy đủ những buổi hội thảo đầu bờ có sự hướng dẫn của kỹ sư nên chị học hỏi khá nhiều kỹ thuật.
“Làm lúa trước đây thấy sâu bệnh thì đem phân, thuốc hóa học phun xịt, giờ toàn bộ phải bón phân hữu cơ và phải đúng quy trình. Hễ thấy hộ nào bưng thúng phân vô cơ ra rải thêm hoặc dùng bình xịt thuốc là tui cự nự dữ lắm. Tôi sợ truy xuất nguồn gốc và kiểm nghiệm mẫu lúa sẽ bị trả lại. Nói chung nông dân tụi tui động viên kiểm tra chéo lẫn nhau”, chị Sang tiếp lời.
“Nhiều bà con mới làm vụ đầu thấy ruộng bón phân hữu cơ cây lúa phát triển chậm nên sâu rầy ít tấn công. Tuy nhiên, trong giai đoạn lá đòng không xanh như bón phân hóa học khiến bà con sợ không hiệu quả, không dám tham gia. Sau đó, được kỹ sư hướng dẫn, bà con đã hiểu ra vấn đề nên vụ tiếp theo đồng ý tham gia trở lại”, ông Trần Văn Cường, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Lộc, chia sẻ.
Ông Cường cũng cho biết, trong quá trình sản xuất, cứ 10 ngày bà con họp 1 lần để được kỹ sư tư vấn kỹ thuật. Do đó, những vướng mắc được giải đáp, xử lý kịp thời.
Sau khi lúa thu hoạch xong sẽ vận chuyển ra đường lớn, phía công ty sẽ cho phương tiện xuống thu gom. “HTX lập danh sách nông dân, số lượng lúa giao cẩn thận, sau đó hợp đồng công ty ngày lấy tiền trả nông dân, vì thế bà con khá yên tâm”, ông Thành cho biết.
Nhiều nông dân đánh giá, năng suất vụ đông xuân ước đạt 5 tấn/ha, với giá bao tiêu khoảng 11.000 đồng/kg thì tổng thu đạt 55 triệu đồng, trừ chi phí, lãi 25 triệu đồng/ha/vụ.
“Công ty đã đặt vấn đề bao tiêu lên đến 100ha, vì vậy tới đây HTX sẽ tiếp tục vận động nông dân các ấp lân cận cùng tham gia”, ông Trần Văn Cường cho biết.
Đánh giá về mặt hiệu quả của mô hình, Ban điều hành HTX nhận định, tuy sản xuất hữu cơ còn khá mới mẻ nhưng nông dân vẫn áp dụng đúng quy trình đề ra. Năng suất vụ đông xuân 2016-2017 dự kiến tăng hơn 2 vụ trước, môi trường nuôi thủy sản trong ruộng lúa ổn định, nguồn lợi thủy sản xung quanh được tái tạo và phục hồi. Sức khỏe của người nông dân được đảm bảo. Trong sản xuất lúa, bà con không còn sử dụng các thuốc BVTV và phân bón hóa học bừa bãi. Hàm lượng dinh dưỡng trong đất tăng lên và nguồn thiên địch trên đồng ruộng được duy trì và bảo vệ.
Tuy nhiên, mô hình còn một số hạn chế như hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng được, giá thành phân hữu cơ còn cao nên nông dân chưa mạnh dạn đầu tư, thời tiết diễn biến phức tạp, mưa nhiều ảnh hưởng đến năng suất.
Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, hiệu quả mang lại để mô hình tiếp tục phát triển và mang lại hiệu quả cao cho người trồng lúa, thời gian tới, Ban điều hành HTX đề xuất cần phát triển mô hình theo một trong các hướng sau: xây dựng mô hình “2 vụ lúa -1 vụ cá”; hoặc “2 vụ lúa -1 vụ màu (với các loại cây phù hợp như: đậu, rau các loại, màu công nghiệp); mô hình “2 vụ lúa chính” xả lũ lấy phù sa.
HTX đang lấy ý kiến các thành viên để thống nhất thực hiện trong vụ hè thu 2017.
Thanh Thủy
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.