Hiện nay, nhà vườn chuyên trồng hoa cúc ở TP. Tuy Hoà (Phú Yên) đang bước vào mùa vụ trồng hoa để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài, người trồng cúc không dám trồng số lượng nhiều như những năm trước, bởi lo sức tiêu thụ kém…
Những năm trước, vào thời điểm này, nhiều nhà vườn trồng cúc ở TP. Tuy Hoà rộn ràng chuẩn bị cho vụ hoa Tết. Riêng năm nay, cảnh vườn đìu hiu. Nhiều người dân địa phương cho hay, thời điểm xuống giống trồng cúc phục vụ Tết là từ tháng 7 âm lịch. Tuy nhiên, năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người dân rất dè dặt xuống giống.
Ông Trần Quang Xuyên, người trồng hoa cúc ở xã Bình Kiến, cho biết, dịch kéo dài khiến người dân khó khăn, người trồng cúc bán Tết ở đây còn buồn hơn. Bởi, xuống giống nhiều thì không biết Tết năm nay có tiêu thụ được không?
“Thường những năm trước, gia đình trồng 1.000 chậu cúc nhưng năm nay do dịch bùng phát kéo dài dẫn đến kinh tế khó khăn, tôi đoán lượng hoa bán vụ Tết sẽ giảm và đầu ra hạn chế nên trồng giảm xuống còn 300 chậu”, ông Xuyên nói.Còn theo bà Trần Thị Mỹ ở phường 9, cúc bán Tết năm ngoái, loại thường nhà vườn bán sỉ với giá 120 - 150 ngàn đồng/chậu, cúc đại đoá 300-320 ngàn đồng/chậu, mặc dù giảm so với mọi năm nhưng vẫn còn kiếm được chút vốn. Chỉ khổ người mua sỉ về bán lẻ thì ế ẩm, do sức mua rất yếu, đến ngày cuối năm mà vẫn còn ế. Năm ngoái, ở Phú Yên chưa bùng phát dịch, chưa có ca nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng mà cúc đã ế như vậy, không biết năm nay thương lái có mua nữa không. Hàng năm, gia đình trồng 1.200 chậu để bán Tết, thế nhưng năm nay lo “cúc ế” nên số lượng trồng giảm đến một nửa để tránh rủi ro”, bà Mỹ cho hay.
Tương tự, nhiều nông dân chuyên trồng hoa cúc bán Tết ở các xã Bình Kiến, Hoà Kiến, phường 9… cũng trồng số lượng ít hơn, có nhà vườn còn quyết định bỏ vụ, không trồng. Bởi tính chi li tất cả các khoản đầu tư từ lúc xuống giống đến khi bán thì mỗi chậu cúc có chi phí gần 200.000 đồng, trồng 100 chậu phải đầu tư 20 triệu đồng. Nếu bán được thì còn thu hồi vốn, có tiền đầu tư năm sau; còn nếu không bán được, nhà vườn có nguy cơ mất trắng.
“Năm ngoái, gia đình trồng khoảng 5.000 chậu cúc pha lê, nhưng năm nay, quyết định bỏ vụ, không trồng. Dịch dã còn phức tạp, đi lại khó khăn, gia đình cũng ngại lây nhiễm nên không thuê nhân công như mọi năm mà tập trung vào chăm sóc mai, quất, vì hai cây này vào vụ từ cuối năm ngoái nên không thể chủ động giảm hoặc bỏ diện tích như trồng cúc”, ông Nguyễn Xuân Hồng, người chuyên trồng hoa cây cảnh bán Tết ở làng hoa xã Hoà Kiến, chia sẻ.
Theo chính quyền địa phương, nghề trồng hoa cúc Tết đem lại thu nhập khá cho nông dân. Tuy nhiên, năm nay, người trồng lo sức tiêu thụ kém do người dân, doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Vì vậy, đa số các hộ dân đều giảm diện tích trồng hoặc bỏ diện tích trồng hoa cúc để trồng loại hoa, cây cảnh khác ít chi phí hơn.
Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp cộng với tình hình tiêu thụ nông sản đang gặp nhiều khó khăn, người trồng hoa ở TP. Tuy Hoa chỉ còn biết vừa trồng vừa lo với hy vọng dịch bệnh sẽ sớm được khống chế, để vụ hoa Tết 2022 khả quan hơn.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.