Đầu năm 2020, 10 hộ nuôi thỏ ở xã Nam Yang (Đak Đoa - Gia Lai) liên kết thành lập Nông hội để phát triển chăn nuôi và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Ông Trương Công Quân, Chủ nhiệm Nông hội chăn nuôi thỏ xã Nam Yang, cho biết, trên địa bàn xã có nhiều hộ nuôi thỏ nhưng còn nhỏ lẻ, manh mún. Do vậy, Hội Làm vườn, Hội Nông dân xã vận động các hộ tham gia nông hội để phát triển chăn nuôi, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
“Nhận thấy thỏ dễ chăm sóc, sinh sản nhanh, thích hợp với khí hậu địa phương, năm 2018, tôi mua 20 cặp thỏ giống New Zealand về nuôi. Sau 2 năm nuôi thỏ, tôi đã nắm được những kỹ thuật cơ bản về loài vật nuôi này”, ông Quân nói.
Theo ông Quân, 1 con thỏ mẹ giống New Zealand mỗi năm đẻ được 6 lứa, mỗi lứa khoảng 6 - 7 con. Thỏ con nuôi hơn 3 tháng đạt trọng lượng bình quân 2,3 kg/con và có thể xuất bán. Từ 20 cặp thỏ giống ban đầu, đến nay, ông luôn duy trì số lượng đàn trên 200 con thỏ thịt và 80 con giống nuôi gối đầu. Bình quân mỗi tháng, gia đình ông xuất bán ra thị trường khoảng 200 con thỏ thương phẩm với giá 70.000 - 85.000 đồng/kg, thu về 15 - 20 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Đầu năm 2020, ông Quân liên kết với một số hộ thành lập Nông hội chăn nuôi thỏ xã Nam Yang. “Mục đích của các hộ chăn nuôi thỏ trên địa bàn là liên kết cùng nhau tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Qua 1 năm hoạt động, Nông hội đang thực hiện hợp đồng cung ứng sản phẩm cho một số đơn vị kinh doanh thực phẩm ở TP. Pleiku, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh”, ông Quân chia sẻ.
Ngoài bán thỏ thương phẩm, Nông hội chăn nuôi thỏ xã Nam Yang còn chế biến các sản phẩm từ thỏ như: thỏ móc hàm nguyên con (giá bán 160 ngàn đồng/kg), thỏ hun khói (giá bán 350 ngàn đồng/kg), thỏ khô (giá bán 450 ngàn đồng/kg)...
Chủ nhiệm Nông hội chăn nuôi thỏ xã Nam Yang cho biết: “Với cách chế biến đa dạng, sản phẩm của Nông hội được nhiều khách hàng tin dùng. Mới đây, sản phẩm được trưng bày tại Hội chợ nông sản an toàn huyện Đak Đoa”.
Một thành viên Nông hội, anh Phan Công Khanh (thôn 2, xã Nam Yang) chia sẻ: “Mới đầu, tôi nuôi thử 5 cặp thỏ giống địa phương. Tôi thấy thỏ dễ nuôi, chủ yếu ăn cỏ, ít bị bệnh nên mua thêm 20 cặp thỏ giống về nuôi. Khi đã có kinh nghiệm, tôi chuyển sang nuôi thỏ New Zealand. Lợi thế của giống thỏ này là vóc dáng lớn, thịt thơm ngon, mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp đôi so với giống thỏ địa phương. Hiện, tôi đang nuôi gần 100 con thỏ thương phẩm và hơn 50 cặp thỏ giống. Hy vọng, khi tham gia Nông hội sẽ được học hỏi thêm kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi từ các hội viên khác”.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Công, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Yang, cho hay: “Sau 1 năm thành lập, Nông hội chăn nuôi thỏ xã Nam Yang hoạt động khá hiệu quả. UBND xã đã có văn bản đề nghị Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện giúp Nông hội lựa chọn một số sản phẩm để tham gia Chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) của địa phương”.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.