Chúng ta bắt đầu những bước đầu tiên thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW được thông qua tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...
Chúng ta bắt đầu những bước đầu tiên thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW được thông qua tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với những quan điểm rất mới nhằm xây dựng nền kinh tế nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh. Đây có thể coi là nghị quyết thứ ba về lĩnh vực trọng yếu này của đất nước.
Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị khoá VI ngày 5/4/1988 về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp với quan điểm “hộ là đơn vị kinh tế tự chủ” có quyền quyết định quy mô sản xuất, sản xuất gì, bán cho ai, lợi ích của người lao động được đề cao,... Điều này đã nhanh chóng giải phóng sức sản xuất. Chỉ sau hơn 1 năm thực hiện, từ nước nhập khẩu lương thực, năm 1989 đã xuất khẩu 1 triệu tấn gạo. Đây là nghị quyết toàn diện đầu tiên của Đảng trong thời kỳ đổi mới về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Hai mươi năm sau, Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương khoá X ngày 5/8/2008 đã ban hành Nghị quyết 26-NQ/TW với quan điểm: Vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải được giải quyết đồng bộ, gắn với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Nông dân là chủ thể của quá trình phát triển; xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng các cơ sở công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị theo quy hoạch… Phải khơi dậy tinh thần yêu nước, tự chủ, tự lực tự cường vươn lên của nông dân… Nghị quyết thứ hai đã toàn diện hơn, bao quát hơn, hướng đến công nghiệp hoá, hiện đại hoá cả nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Với sự chung tay của cả hệ thống chính trị và mọi người dân, sau gần 35 năm, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đã có bước tiến dài cả về chất và lượng, cả quy mô, trình độ và tư duy sản xuất, cả kinh tế, xã hội, văn hoá và cơ sở hạ tầng, cả đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nông sản Việt đã thích ứng với mọi thị trường, cạnh tranh bằng chất lượng... Đặc biệt, xuất khẩu nông sản của chúng ta đã vào top 15 thế giới, nhiều mặt hàng ở vị trí hàng đầu, nông sản Việt có mặt tại gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã tăng thu nhập và tăng sự hài lòng với cuộc sống của cư dân nông thôn (Khảo sát của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp, Nông thôn tại 12 tỉnh trên cả nước cho biết, cùng với tăng trưởng về thu nhập, tỷ lệ hộ hài lòng với cuộc sống ở nông thôn tăng từ 50,4% năm 2012 lên 79,3% năm 2018).
Tuy vậy, cả nông nghiệp, nông dân và nông thôn lộ rõ nhiều bất cập, đặc biệt là năng suất lao động và sức cạnh tranh của nông sản còn thấp, phát triển chưa đồng đều, thiếu bền vững, chưa phát huy được tiềm năng lợi thế, sản xuất nhỏ, phân tán và thiếu liên kết vẫn phổ biến, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, môi trường thiếu và yếu, tỷ lệ hộ nghèo còn cao,... Thu hút đầu tư cho phát triển nông nghiệp, dịch vụ ở nông thôn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là, thể chế chính sách pháp luật, nhất là về đất đai, tín dụng, bảo vệ môi trường, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ, thu hút đầu tư,… chưa phù hợp. Công tác dự báo, thông tin về thị trường sản xuất, tiêu thụ nông sản còn yếu. Lao động nông thôn có xu hướng già hoá,...
Trên tinh thần “Nông nghiệp thịnh thì nước ta thịnh, Nông dân giàu thì nước ta giàu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, danh nhân văn hoá thế giới, Anh hùng giải phóng dân tộc, Người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Hội nghị lần thứ năm của BCH Trung ương khoá XIII đã thông qua Nghị quyết số 19-NQ/TW với tầm nhìn xa hơn, toàn diện hơn trong bối cảnh mới về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Với quan điểm: Nông nghiệp là lợi thế quốc gia. Nguồn lực của đất nước phải tiếp tục ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bảo đảm phát triển hài hòa giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, miền, địa phương; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp, giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hóa theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. Trong đó, Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương đề ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn được xác định là nhóm giải pháp quan trọng hàng đầu, có tính quyết định. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số của toàn cầu, Nghị quyết 19-NQ/TW đã đề ra các yêu cầu cao hơn trong nâng cao trình độ nhận thức để bảo đảm quyền làm chủ của nông dân.
Chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường, thu hút nguồn lực và đẩy mạnh chuyển giao khoa học - công nghệ, là nhóm nhiệm vụ, giải pháp mới. Đây là nhiệm vụ khó nhưng rất cơ bản vì nông sản hàng hóa của ta chủ yếu xuất khẩu.
Để hiện thực hoá mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển, mọi người dân, trong đó có nông dân có mức thu nhập cao, các chuyên gia cho rằng, quyết tâm, khát vọng và ý chí chúng ta đã có, việc cần đi trước là sớm hoàn thiện thể chế, xây dựng kế hoạch với bước đi cụ thể, linh hoạt và đảm bảo kỷ cương, kỷ luật trong tổ chức thực hiện.