Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 27 tháng 4 năm 2020 | 15:3

Nông nghiệp Việt qua lăng kính đại dịch Covid-19: Trụ đỡ và điểm yếu

Trong quý 1, nông nghiệp chỉ tăng trưởng 0,08%, chủ yếu do xuất khẩu khó khăn. Tuy vậy, thực tế cho thấy, nông nghiệp vẫn là trụ đỡ cơ bản của nền kinh tế, nhất là xã hội.

t4.jpg
Thủy sản là 1 trong 8 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD tính đến giữa tháng 3-2020. Ảnh Công Mạo

 

Bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona - được Tổ chức Y tế Thế giới đặt tên Covid-19 bắt đầu từ Vũ Hán Trung Quốc đã lan ra 211 quốc gia và vùng lãnh thổ, hơn 2,5 triệu người nhiễm, gần 180.000 người tử vong chỉ trong gần 4 tháng. Không chỉ vậy, đại dịch này gây tổn thất nặng nề lên nền kinh tế toàn thế giới.

Ngân hàng thế giới (WB) và nhiều tổ chức kinh tế uy tín chung nhận định: kinh tế thế giới có thể lâm vào suy thoái, nhiều quốc gia tăng trưởng âm,… hầu hết các ngành kinh tế truyền thống đều khó khăn do đứt chuỗi cung ứng toàn cầu, cung - cầu đều giảm sút, nhiều doanh nghiệp lâm vào đình đốn, phá sản, người lao động bị mất việc, dừng việc, không có thu nhập,…

Dù rất nỗ lực thực hiện mục tiêu kép (hạn chế sự lây lan của dịch bệnh và không để nền kinh tế đứt gãy) nhưng chúng ta cũng không thể nằm ngoài tình hình chung của toàn cầu (giảm tốc độ tăng trưởng - quý 1/2020 tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,82%, nhiều ngành lâm vào khó khăn lớn,…).

Trong bối cảnh chung đó, nông nghiệp cũng chỉ tăng trưởng 0,08%, chủ yếu do xuất khẩu khó khăn. Tuy vậy, thực tế cho thấy, nông nghiệp vẫn là trụ đỡ cơ bản của nền kinh tế, nhất là xã hội.

Nói vậy vì, dù dịch bệnh nhưng lương thực, thực phẩm vẫn dồi dào, cơ bản không có biến động về giá. Nghĩa là an ninh lương thực - thực phẩm cơ bản được đảm bảo. Đây là điều rất quan trọng. Bởi trong chống dịch bệnh thì ngoài 5 biện pháp (phát hiện từ xa, cách ly nhanh, khoanh vùng sớm, dập dịch hiệu quả và chữa trị ngay khi phát hiện dương tính) thì dinh dưỡng hàng ngày cùng luyện tập để nâng cao sức khỏe cũng là việc không kém quan trọng. Hơn thế nữa, an ninh lương thực – thực phẩm còn tạo ra an toàn xã hội.

Các cụ xưa có câu “phi nông bất ổn”, giờ chiêm nghiệm lại thấy, quá đúng! Thậm chí trong đại dịch, nghề nông, nông thôn còn là nơi giải quyết một phần lao động phải dừng việc, nghỉ việc ở thành phố, khu công nghiệp, giúp nhiều lao động vượt qua khó khăn.

Tuy vậy, qua đại dịch cũng thấy rõ hơn những điểm yếu lâu nay của nông nghiệp nước nhà. Thứ nhất, đó là sự không đồng bộ trong điều hành (không đồng bộ giữa ngành nông nghiệp và ngành công thương về xuất khẩu gạo). Thứ hai, xuất khẩu nông sản chủ yếu là hàng tươi sống nên khi phải kéo dài thời gian thông quan là thiệt hại rất lớn. Thứ ba, xuất khẩu tiểu ngạch vẫn được thương lái “ưu tiên”. Thứ tư, thị trường nội địa 100 triệu người chưa được quan tâm đúng mức. Thứ năm, việc phá vỡ quy hoạch sản xuất khiến nhiều mặt hàng càng thêm khó khăn khi gặp khó về xuất khẩu. Thứ sáu, thương mại điện tử chưa được áp dụng nhiều trong tiêu thụ nông sản, cả trong nước và xuất khẩu. Thứ bảy, công nghiệp chế biến còn mờ nhạt trong chuỗi sản xuất - chế biến - thị trường. Thứ tám, người nông dân chịu quá nhiều thiệt thòi trong chuỗi giá trị.

Hy vọng, từ đây ta có thay đổi phù hợp về mọi mặt để phát huy lợi thế mà chúng ta có, để nông nghiệp Việt là công xưởng thực phẩm của thế giới, để nông dân Việt không còn chịu thiệt thòi với đối tác..

 

 

Hiền Trang
Ý kiến bạn đọc
Top