Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 28 tháng 9 năm 2020 | 15:27

Nông sản vào EVFTA: Tự tin và mong muốn

Ngay trong tháng 8 và liên tiếp sau đó, tin vui về những chuyến hàng nông sản các loại lên đường sang thị trường EU với thuế suất về 0% đã làm nức lòng những nhà nông, nhà vườn, chủ doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng nông sản.

t4.jpg

Nên biết, để vào được thị trường châu Âu theo Hiệp định EVFTA, các sản phẩm phải đảm bảo không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và các quy định hết sức khắt khe của thị trường khó tính này về xuất xứ hàng hoá, về bảo vệ môi trường, cùng nhiều vấn đề xã hội, như quyền lợi đối với người lao động,…

Như vậy là, chỉ sau thời gian ngắn thực hiện các thủ tục theo quy định, nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam đã có giấy phép vào thị trường khó tính nhưng giàu tiềm năng này. Từ đây, chúng ta có thể tự tin rằng, cánh cửa vào tất cả các thị trường khác, dù khắt khe đến đâu cũng sẽ mở ra.

Qua việc chúng ta tận dụng nhanh cơ hội EVFTA mang lại thấy cả doanh nghiệp, nhà nông – nhà vườn, và hệ thống cơ quan chức năng của ta đã rất nỗ lực trong triển khai và khai thác những lợi thế mà EVFTA đem lại. Đây cũng là một giải pháp thực hiện nhiệm vụ khôi phục, phát triển kinh tế của Chính phủ và hoàn thành mục tiêu xuất khẩu nông sản đạt trên 41 tỷ USD trong năm 2020 này.

Qua đây cũng thấy, không phải chỉ khi thực hiện EVFTA, nhà nông - nhà vườn của ta mới thực hiện canh tác theo quy trình an toàn, thân thiện với môi trường, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm,… mà đây là vấn đề được Nhà nước, ngành nông nghiệp, nhà nông - nhà vườn nắm bắt nhu cầu thị trường, triển khai từ nhiều năm nay.

Qua hiệu quả bước đầu thực thi EVFTA có thể thấy mối liên kết giữa nhà nông - nhà vườn với doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, tổ chức canh tác quy mô lớn,… đã có những bước tiến rõ rệt.

Việc tiếp tục nâng khối lượng, chuyến hàng nông sản Việt đi EU không chỉ để đạt mục tiêu xuất khẩu 41 tỷ USD nông sản trong năm 2020 mà vấn đề việc làm, thu nhập cho cả nhà nông - nhà vườn, công nhân các doanh nghiệp cũng được đảm bảo và nâng lên dù đại dịch Covid-19 vẫn gây khó.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế và nhiều chủ doanh nghiệp tham gia cung ứng, xuất khẩu nông sản Việt đi EU thì kết quả đạt được mới là bước khởi đầu của một hành trình rất dài và cạnh tranh còn gay gắt khi sẽ có nhiều nước khác ở Đông Nam Á và trên thế giới cũng sẽ ký hiệp định thương mại tự do với EU, trong đó có nhiều nước có cùng chủng mặt hàng giống của ta. Đó là chưa nói tới những rào cản phi thuế quan có thể được nâng cao (ví như tiêu chuẩn ASC đối với tôm nuôi - tiêu chuẩn khắt khe nhất trên thế giới với 4 nền tảng lớn về môi trường, xã hội, phúc lợi động vật và an toàn thực phẩm; quy cách đóng gói cũng rất khác biệt,…)

Và, vào được rồi nhưng có bán được không, có tăng được lượng hàng không lại liên quan đến giới thiệu, quảng bá sản phẩm, đến am hiểu văn hóa, phong cách ăn - uống, quy cách đóng gói, hình ảnh nhận diện, chất lượng đồng nhất, giá cả cạnh tranh,…

Điều này, theo nhiều chuyên gia, ta còn yếu và dịch Covid-19 vẫn rất phức tạp ở châu Âu đã gây trở ngại cho xúc tiến thương mại. Đó là chưa kể chi phí vận chuyển của ta cũng còn khá cao do liên kết giữa doanh nghiệp xuất khẩu với doanh nghiệp dịch vụ logistics và sự kết nối vận tải đường bộ với logistic còn yếu. Đó là chưa nói đến vận tải container tuyến quốc tế vẫn phụ thuộc vào các hãng tàu nước ngoài…

Vì vậy, theo các chuyên gia và chủ các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu nông sản sang EU, để tiếp tục hái và hái ngày càng nhiều trái ngọt từ những lợi thế bước đầu do EVFTA mang lại, tất cả các nhà, nhất là Nhà nước, Nhà nông – nhà vườn, Doanh nghiệp cần phối hợp đồng bộ hơn, nhanh hơn trong nắm bắt thị trường, tổ chức sản xuất quy mô lớn và đồng bộ theo quy trình an toàn, thân thiện với môi trường, quan tâm đến đời sống người lao động - có nghĩa là chuyên nghiệp hóa mọi công đoạn trong cả chuỗi nhằm giảm chi phí mọi mặt và đồng nhất chất lượng các lô hàng, đa dạng hóa mặt hàng chế biến thay vì chỉ xuất thô, đồng thời phát huy lợi thế mùa đông lạnh ở các tỉnh phía Bắc cũng như các giống đặc sản Việt Nam.


 

Thanh Hiền
Ý kiến bạn đọc
Top