Sinh ra và lớn lên tại thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy - Thái Bình) nhưng cô gái trẻ Trần Thị Quỳnh Vân lại bén duyên với đồng đất Hải Phòng.
Trong khi nhiều bạn trẻ tìm cách thoát ly khỏi đồng ruộng, tránh bùn đất thì chị Vân lại xây dựng “Nông trại vui vẻ” (Love in farm) nhằm cung ứng thực phẩm sạch ra thị trường, phát triển sự nghiệp của bản thân với nền nông nghiệp hữu cơ.
Bén duyên với nông nghiệp
Chị Vân tốt nghiệp chuyên ngành kế toán, Trường Đại học Thương mại Hà Nội và có công việc ổn định với mức lương vài chục triệu đồng/tháng trong một doanh nghiệp tại TP. Hải Phòng.
Dẫu ở nơi phố thị sôi động, sầm uất, song đam mê sản xuất nông nghiệp sạch đã khiến cô gái trẻ Trần Thị Quỳnh Vân (SN 1989) quyết định bỏ ngang công việc chuyển sang mở cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch “Rau trong vườn” và xây dựng “Nông trại vui vẻ” (Love in farm) tại phường Hưng Đạo, quận Dường Kinh, TP. Hải Phòng.
Lý giải về quyết định bất ngờ của mình, chị Vân chia sẻ: “Trước đây, tôi từng tham gia rất nhiều hoạt động thiện nguyện, nhận thấy những em nhỏ đang độ tuổi lớn cũng như người trung niên đã phải đối diện với những căn bệnh quái ác. Nguyên nhân có thể là do chế độ ăn uống không lành mạnh, sử dụng thực phẩm bẩn, bị phun tẩm hóa chất... Hơn nữa, thời điểm đó, Hải Phòng chưa có nhiều cửa hàng thực phẩm sạch, chính điều này đã thôi thúc tôi, phải tạo ra thực phẩm sạch vì người tiêu dùng. Nghĩ là làm, năm 2018, bằng số tiền tích cóp được sau thời gian đi làm tại doanh nghiệp, tôi mở cửa hàng thực phẩm sạch “Rau trong vườn” tại TP. Hải Phòng. Sau khi cửa hàng đầu tiên phát triển tốt, năm sau, tôi mở tiếp cơ sở thứ 2. Đến tháng 8/2020, tôi quyết định thuê đất và xây dựng “Nông trại vui vẻ” (Love in farm).
Và cũng từ niềm đam mê trồng và cung cấp đến người tiêu dùng những thực phẩm sạch, chất lượng nhất, chị Vân xây dựng “Nông trại vui vẻ” được canh tác theo tiêu chí không thuốc trừ sâu, không phân bón hóa học, tất cả đều là nông sản hữu cơ.
Nhớ lại ngày mới xây dựng mô hình “Nông trại vui vẻ”, chị Vân vẫn nhớ như in những khó khăn thuở ban đầu: “Tôi thuê lại 2ha ruộng canh tác của các hộ dân đã bỏ hoang từ nhiều năm. Lúc bấy giờ công tác cải tạo đồng ruộng rất vất vả, cỏ mọc cao hơn đầu người, đất cằn cỗi do người dân sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật. Đất lật lên đến đâu, tôi liền trộn, ủ phân hữu cơ ngay để cải tạo đất. Hơn nữa, việc thuê nhân công cũng khó do họ đi làm cho doanh nghiệp. Mọi thứ rồi cũng ổn, nay hoạt động của “Nông trại vui vẻ” đã đi vào ổn định”.
Đánh liều với nông nghiệp sạch
Khởi nghiệp bằng niềm đam mê nên khi bắt tay vào công việc không liên quan đến chuyên ngành được đào tạo, chị Vân đã không ngần ngại tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu và nhanh chóng vận dụng những kiến thức đã tiếp thu vào sản xuất tại “Nông trại vui vẻ”. Điều này cũng lý giải vì sao khi xung quanh có nhiều người cho rằng việc kinh doanh với nông nghiệp sạch đầy rủi ro, thậm chí đã có người trắng tay bởi thị trường, dịch bệnh khó lường thì cô gái này vẫn quyết định dấn thân.
Với quan điểm lấy ngắn nuôi dài, không để lãng phí nguồn tài nguyên đất nên chị Vân đã chọn giống rau, củ, quả phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, xây dựng khu nhà kính kiên cố, đường tưới tiêu, thoát nước không gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, tận dụng diện tích trang trại phát triển thêm nuôi chim bồ câu, chó và gà thả vườn.
Tiếng lành đồn xa, sản phẩm rau an toàn của “Nông trại vui vẻ” được người tiêu dùng biết đến. Hiện nay, “Nông trại vui vẻ” cung ứng ra thị trường khoảng 1,5 tấn rau, củ, quả theo mùa ngày, phục vụ thị trường Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng và nhiều của hàng thực phẩm sạch đón nhận.
Để thuận tiện cho người tiêu dùng trong khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, “Nông trại vui vẻ” đã phân chia thành các loại combo để cung ứng lượng rau phù hợp. Các loại rau được cập nhật trên website thường xuyên để người tiêu dùng có thể theo dõi và lựa chọn.
Có thể thấy, chị Trần Thị Quỳnh Vân đã bỏ cả công việc ổn định khi nhiều người mơ ước cũng không có để chạy theo đam mê, dấn thân vào con đường làm nông nghiệp sạch mà có lúc bản thân chị cũng thấy mình quá liều lĩnh. Chị tâm sự: “Đúng, đó là sự đánh liều, tôi đã bỏ cả công việc, sự nghiệp của bản thân, để theo đuổi nền nông nghiệp sạch, theo đuổi vì sức khỏe của người dân. Với số tiền hơn 2 tỷ đồng bỏ ra để phát triển “Nông trại vui vẻ”, nếu tôi đầu tư 1 mảnh đất thì đó là tài sản của cá nhân tôi. Nay số tiền đó được đầu tư vào nông nghiệp khi đất đi thuê, phân hữu cơ cũng đổ dồn xuống đất, tất cả đều đổ hết vào lòng đất. Nhưng tôi theo đuổi nông nghiệp sạch không mù quáng, tôi tính toán được sự phát triển của nông sản mình đang theo. Cho tôi chọn lại, tôi vẫn chọn con đường mang nông sản sạch đến người tiêu dùng”.
Vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm thực tế, nông trại của chị Vân không chỉ giúp đa dạng sản phẩm nông nghiệp rau màu mà còn nâng cao hiệu quả kinh tế nhờ tiết kiệm được chi phí, các sản phẩm của trang trại luôn đạt năng suất cao, chất lượng tốt. Tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương có mức thu nhập ổn định.
Nhìn “Nông trại vui vẻ” xanh, sạch, đẹp “mọc” lên từ vùng đất bỏ hoang nhiều năm, tôi hiểu rằng, chủ nhân của nó đã không phí bao tâm huyết để “đánh thức”, khơi dậy tiềm năng nơi đây.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.