Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024  
Thứ hai, ngày 5 tháng 7 năm 2021 | 15:25

Nuôi cá lồng trên sông Trà Khúc mang lại hiệu quả cao: Nhờ liên kết, hợp tác

Nhằm thay đổi phương thức sản xuất, phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông Trà Khúc theo hướng hàng hóa, đem lại thu nhập cao, năm 2018, Tổ hợp tác nuôi cá lồng xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) được thành lập.

t8.jpg
Ông Đinh Quang Tiến, xã Tịnh Sơn, thu nhập cao nhờ nuôi cá lồng trên sông Trà Khúc.

 

Hiệu quả cao

Sau 3 năm, Tổ hợp tác nuôi cá lồng đã có bước phát triển khá, giúp người dân liên kết sản xuất, phát triển kinh tế, mang lại nguồn thu nhập cho hộ gia đình.

Gia đình ông Đinh Quang Tiến, thôn Tây, xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh đã có 26 năm trong nghề nuôi cá lồng trên sông Trà Khúc. Trước đây, gia đình ông nuôi cá lồng bè tự phát, thô sơ nên chỉ nuôi 2 lồng cá, lượng cá mỗi năm khoảng 200 con, nên thu nhập không cao. Từ năm 2018 đến nay, khi tham gia Tổ hợp tác nuôi cá lồng trên sông, được hỗ trợ vay vốn, gia đình ông Tiến đã chuyển sang đóng lồng bằng inox, chắc chắn, được hướng dẫn kỹ thuật chọn giống, chăm sóc nên ông đã phát triển nuôi 4 lồng, số lượng nuôi tăng lên từ 450 đến 500 con. Mỗi năm, với giá cá trắm cỏ khoảng 120 ngàn đồng/kg, cá chình 600 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí ông thu về gần 100 triệu đồng.

Ông Tiến cho biết: “So với trồng lúa hay nuôi các con vật nuôi khác  như bò, heo thì nuôi cá lồng trên sông cho thu nhập khá hơn nhiều. Nguồn giống cá chình tự mình khai thác trong thiên nhiên. Nuôi cá chỉ bỏ công làm lãi, tận dụng cây cỏ, thức ăn tươi sống đánh bắt được, nên thu nhập rất cao”. Hiện tại, 4 lồng cá, ông nuôi 500 con cá, trong đó có 200 con cá chình và 300 con cá trắm cỏ. Theo ông Tiến, tất cả có được là nhờ tham gia vào Tổ hợp tác nuôi cá lồng của xã. “Tham gia vào Tổ hợp tác, tôi được vay vốn, được hỗ trợ kỹ thuật, chăm sóc, phòng chống dịch bệnh và được chia sẻ, giúp đỡ từ các thành viên trong Tổ về giống, kinh nghiệm, giữ gìn, hạn chế thiệt hại khi thời tiết bất ổn”, ông Tiến bộc bạch.

Còn ông Lê Tấn Kiều, thôn Tây, xã Tịnh Sơn có 14 năm nuôi cá lồng trên sông Trà Khúc cũng phấn khởi cho biết: “Từ khi tham gia vào Tổ hợp tác nuôi cá lồng đến nay, tôi  cũng phát triển từ 2 lồng cá lên 4 lồng cá. Trước đây, nuôi cá lồng đóng bằng tre, không chắc chắn, nên thường xuyên bị thất thoát do bão lụt, thu nhập rất ít, giờ lồng nuôi được làm bằng inox chắc chắn, lại được hỗ trợ về kỹ thuật, chăm sóc, kinh nghiệm nuôi, cũng như những giúp đỡ, chia sẻ của các thành viên trong Tổ hợp tác, nên thu nhập từ nuôi cá lồng trên sông của gia đình tôi ngày càng khá hơn và bền vững hơn. Đầu ra sản phẩm phong phú nên lượng cá luôn tiêu thụ dễ dàng. Hiện nay, 4 lồng cá tôi nuôi 200 con cá chình, trừ chi phí, thu về từ 75-80 triệu đồng/năm”.

Theo ông Kiều thì cá chình là loài cá có sức đề kháng rất cao, ít bệnh, giá cả hợp lý nên nuôi cá lồng đối với gia đình ông cũng rất dễ, chỉ sử dụng thời gian lúc nhàn rỗi. Mỗi ngày ông chỉ dành thời gian buổi sáng trước khi đi làm thợ hồ và chiều tối khi đi làm về để chăm sóc, vệ sinh, cho cá ăn. Thức ăn cho cá rất đơn giản, cá trắm cỏ thì ăn các loại cỏ, bắp, lá mì; còn cá chình thì ăn thêm thức ăn tươi sống như các loại cá con, cá rô phi. Nuôi cá thời gian càng lâu, giá trị càng lớn. Nếu muốn có thu nhập cao thì cá trắm cỏ nuôi từ 1 đến 2 năm, để có trọng lượng trên 2,5 kg/con; còn cá chình thì nuôi từ 2 đến 3 năm, để có trọng lượng từ 4 -5kg/con trở lên, lúc đó xuất bán rất chạy.

Nhân rộng mô hình

Từ mô hình nuôi cá lồng trên sông có hiệu quả, hiện nay trên địa bàn xã Tịnh Sơn ngày càng xuất hiện nhiều hộ nuôi cá lồng. Hiện, toàn xã có 52 hộ nuôi, với hơn 110 lồng cá. Năm 2018, để thay đổi phương thức sản xuất, phát triển nghề nuôi cá lồng theo hướng hàng hóa, Tổ hợp tác nuôi cá lồng xã Tịnh Sơn ra đời. Đến nay, đã có 29/52 hộ nuôi cá lồng tham gia. Với những lợi ích khi tham gia vào tổ hội, các thành viên được vay vốn, được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, quy trình nuôi cá lồng, cách chọn cá giống và cách làm lồng đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.

Ngoài ra, giữa các thành viên trong tổ thường hỗ trợ nhau về vốn, tiêu thụ sản phẩm, giúp đỡ, chia sẻ nhau về kinh nghiệm, giữ gìn lồng cá cho nhau khi thời tiết bất lợi. Với số lượng 94 lồng cá của 29 thành viên tại Tổ hợp tác, mỗi năm doanh thu của Tổ hợp tác trên 2,6 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi trên 1,7 tỷ đồng. Trung bình mỗi lao động nuôi cá lồng có thu nhập trên 1,4 triệu đồng/tháng. Thành viên chủ yếu sử dụng công lao động nhàn rỗi, vào lúc sáng sớm hay chiều muộn khi làm xong các việc chính trong ngày.

Ông Nguyễn Ngọc Khanh, Chủ tịch Hội nông dân xã Tịnh Sơn cho biết: “Nhu cầu tiêu thụ rất lớn nên lượng cung cấp cá lồng ở Tổ hợp tác không bao giờ đủ, do vậy, cá lồng trên sông Trà Khúc đã có thương hiệu,  HTX Tịnh Sơn đã tiến hành làm nhãn hiệu bảo hộ cho nghề nuôi cá lồng của xã. Đây cũng là bước đầu để Tổ hợp tác có pháp lí tiếp cận thị trường rộng, các siêu thị để nâng cao giá trị hàng hóa, đem lại thu nhập cao cho hội viên”.

 

 

Thu Phượng - Kim Cúc
Ý kiến bạn đọc
  • Xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi ở Thạch Hà

    Xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi ở Thạch Hà

    Trên địa bàn huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) vừa xuất hiện 1 ổ dịch tả lợn châu Phi tại thôn Hồng Dinh, xã Thạch Trị. Cơ quan chức năng đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để bao vây, khống chế dịch bệnh.

  • Hà Nam thực hiện 76 mô hình cánh đồng mẫu

    Hà Nam thực hiện 76 mô hình cánh đồng mẫu

    Đây là năm thứ 10 Hà Nam tiếp tục thực hiện mô hình cánh đồng mẫu với 76 mô hình, tổng diện tích trên 2.067 ha. Vụ Xuân năm nay tăng thêm 4 mô hình so với vụ Xuân năm 2023 tổng diện tích của các cánh đồng mẫu tăng thêm gần 100 ha.

  • Thu trăm triệu mỗi năm nhờ cho mận "ngủ mùng"

    Thu trăm triệu mỗi năm nhờ cho mận

    Trồng hơn 260 gốc mận xanh đường bằng cách cho "ngủ mùng", lão nông Huỳnh Việt Thống (65 tuổi, ngụ khóm 7, phường 8, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) kiếm được thu nhập trên 700 triệu đồng mỗi năm.

  • Nam Đông nhân rộng gương làm kinh tế VAC giỏi

    Nam Đông nhân rộng gương làm kinh tế VAC giỏi

    Đến cuối năm 2023 tổng tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở huyện Nam Đông giảm từ 5,3% xuống còn 2,62% và không có phát sinh tái nghèo, huyện đẩy mạnh lồng ghép tuyên truyền, nêu gương những hộ có sáng kiến trong phát triển sản xuất, làm kinh tế giỏi để nhân rộng, nhằm khơi dậy ý chí vươn lên của các hộ nghèo.

  • Gặp những nông dân chịu nghĩ, dám làm

    Gặp những nông dân chịu nghĩ, dám làm

    Thời tiết chuẩn bị vào Xuân se lạnh kèm mưa phùn nhưng chúng tôi thấy ấm lòng khi được gặp những tỷ phú nông dân đang cần mẫn, miệt mài trên thửa vườn, khu trang trại.

  • Giúp nhau làm giàu từ cây nhãn

    Giúp nhau làm giàu từ cây nhãn

    Chuyên nuôi cá tra thương phẩm cung ứng cho đối tác xuất khẩu song thị trường thường xuyên bấp bênh, ông Lê Văn Suốt ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Ðỏ đã mạnh dạn tìm tòi học hỏi kinh nghiệm làm vườn và chuyển hướng sang trồng nhãn Ido từ năm 2015.

Top