So với cách nuôi truyền thống, nuôi cá rô phi theo quy trình VietGAP có nhiều ưu điểm: Tỷ lệ cá sống cao, rút ngắn được thời gian nuôi, ít dịch bệnh, chất lượng thịt bảo đảm an toàn thực phẩm, được thị trường ưa chuộng, hiệu quả kinh tế cao…
Ít bệnh, lớn nhanh
Rô phi là loài cá ăn tạp, được di giống, thuần hóa và trở thành đối tượng nuôi phổ biến ở các vùng nước khác nhau trên 63 tỉnh, thành của cả nước.
Tuy nhiên, hiện nay, với cách nuôi cá rô phi bằng phương pháp truyền thống, tự phát, nhỏ lẻ và chưa tuân thủ quy trình kỹ thuật đã và đang gặp nhiều hạn chế, như: Tỷ lệ cá sống thấp, hệ số thức ăn tiêu tốn cao, nhiều dịch bệnh, giá cả bấp bênh, chi phí sản xuất lớn, nên sức cạnh tranh yếu.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, ngày 11/4/2016, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành quyết định hướng dẫn áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP trong nuôi cá rô phi thương phẩm, với 4 nội dung cơ bản: an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn môi trường, an toàn dịch bệnh và an sinh xã hội.
Sau gần 3 năm thực hiện Dự án nuôi cá rô phi đạt chuẩn VietGAP (2016-2018), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai xây dựng trên diện tích 60ha với 67 hộ tham gia tại 8 tỉnh, thành.
Đáng chú ý, các hộ dân áp dụng quy trình VietGAP để nuôi cá rô phi thì kể từ lúc thả giống cho đến khi thu hoạch, cá không xuất hiện dịch bệnh. Trong khi đó, những hộ dân xung quanh nuôi theo phương pháp truyền thống, cá bị dịch bệnh và chết khá nhiều.
Thực tế khẳng định, mô hình nuôi cá rô phi theo VietGAP đã làm thay đổi tư duy về nuôi trồng thủy sản bền vững của nông dân. Đồng thời, so với cách nuôi truyền thống, người nuôi đã nhận thức được những lợi ích thiết thực từ việc áp dụng quy trình nuôi cá rô phi theo VietGAP, đó là: Giảm chi phí thức ăn, giảm hóa chất và công lao động, giảm dịch bệnh; hạn chế ô nhiễm môi trường và tăng tỷ lệ sống của cá; thời gian nuôi ngắn hơn, tốc độ sinh trưởng của cá nhanh hơn, chất lượng sản phẩm cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên dễ tiêu thụ hơn…
Xu hướng tất yếu
Ông Phạm Văn Nghiêu, ở xã Hà Vân (Hà Trung - Thanh Hóa), tâm sự: Trước khi nuôi cá rô phi theo quy trình VietGAP, tôi tham gia lớp tập huấn do Trạm Khuyến nông huyện tổ chức. Sau đó, gia đình được hỗ trợ giống, thức ăn và được cán bộ khuyến nông trực tiếp hướng dẫn cách xử lý ao nuôi, nguồn nước, quy trình cho cá ăn... Hiện gia đình nuôi hơn 7 ngàn con cá rô phi, cá mới 4 tháng 6 ngày nhưng đã đạt 0,8 - 1,3kg/con. Thời gian tới, gia đình sẽ tăng diện tích nuôi cá rô phi theo quy trình VietGAP để nâng cao thu nhập”.
Theo bà Đồng Thị Doanh (HTX Thái Sơn, huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng), việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP để nuôi cá rô phi mang lại lợi nhuận cao hơn so với nuôi truyền thống. Bởi thế, để nhân rộng mô hình theo hướng phát triển bền vững, người nuôi không chỉ kết hợp với nhà cung cấp giống, thức ăn, thú y và nhà tiêu thụ sản phẩm, mà còn phải liên kết lại với nhau, tạo sự đồng bộ trong quá trình nuôi”.
Theo ông Kim Văn Tiêu, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, việc áp dụng quy trình VietGAP/BMP để nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi cá rô phi nói riêng là xu hướng tất yếu, bắt buộc trong tương lai. Khi sản xuất, nuôi trồng được áp dụng quy phạm VietGAP, thì tin chắc, sản phẩm không chỉ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng, mà còn đủ tiêu chuẩn để xuất đi nhiều nước trên thế giới.
Ông Tiêu cho biết, sau 3 năm triển khai, mô hình nuôi cá rô phi theo quy trình VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm đã vượt chỉ tiêu kế hoạch về tỷ lệ sống 72,68%/70%; năng suất đạt 16,07 tấn/ha (theo yêu cầu là 14 tấn/ha), tăng 14,8% so với yêu cầu; kích cỡ thu hoạch đạt trung bình 740g/con (so với kế hoạch là 650g/con); lợi nhuận trên 80 triệu đồng/ha/vụ.
“Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục xây dựng các dự án về nuôi thủy sản theo quy trình VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm để chuyển giao cho nông dân, không chỉ trên đối tượng cá rô phi mà còn các hình thức nuôi khác như cá lồng, cá ruộng để tạo ra sản phẩm thủy sản sạch, có nguồn gốc rõ ràng, từ đó nâng cao thu nhập cho người nuôi”, ông Tiêu nói.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.