Người nuôi chủ động tạo được môi trường sạch, nhờ đó tôm khỏe, phát triển nhanh, ít dịch bệnh, tỷ lệ sống cao.
Đây là kết quả mà mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn ở huyện Bình Đại (Bến Tre) mang lại, nhất là trong bối cảnh môi trường tự nhiên và biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng bất lợi cho nuôi trồng thủy sản.
Hình thức nuôi mới
Khởi đầu phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn tại Bình Đại từ năm 2017 - 2018, sau khi Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp với Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam tổ chức 8 lớp tập huấn tại 5 xã Thạnh Phước, Bình Thới, Định Trung, Thạnh Trị, Đại Hòa Lộc với 180 lượt người tham dự. Qua tập huấn và tham quan các mô hình, người dân rất đồng tình và đã nhận thức được việc áp dụng nuôi tôm hai giai đoạn đem lại hiệu quả cao và thống nhất chuyển sang hình thức nuôi mới này.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 70 khu/320ha nuôi tôm thẻ chân trắng theo mô hình hai giai đoạn, với 113 ao ương và 327 ao nuôi, tập trung ở các xã Đại Hòa Lộc, Thạnh Phước, Bình Thắng, Thừa Đức và Thới Thuận. Ao nuôi được đầu tư xây dựng chuyển đổi từ ao có diện tích lớn sang ao có diện tích nhỏ (khoảng 1.200 - 1.500m2/ao). Người nuôi dành phần lớn diện tích để làm ao chứa, lắng, ao xử lý. Riêng ao nuôi được trải bạt bờ và đáy ao, đầu tư hệ thống sục khí, quạt, xi phông đáy và máy cho ăn.
Năm 2018, cơ bản các ao nuôi đi vào sản xuất, đã cho thu hoạch, tỷ lệ thành công trên 90%, cỡ tôm trung bình 30 con/kg, năng suất 50 - 70 tấn/ha. Đây là hình thức nuôi mới, hạn chế dịch bệnh, tôm lớn nhanh, không mất thời gian cải tạo ao nuôi, không bị ảnh hưởng mùa vụ nên có thể nuôi 3 - 4 vụ/năm, đang được người dân thực hiện mang lại hiệu quả cao.
Hiện nay, nhiều hộ nuôi tôm ở Bình Đại đã chuyển đổi từ hình thức nuôi thâm canh truyền thống sang nuôi hai giai đoạn, nuôi siêu thâm canh với mật độ 200-250 con/m2, tôm giống được ương trong vèo 25-30 ngày.
Gia đình anh Trần Văn Bắc (xã Đại Hòa Lộc) là 1 trong những hộ nuôi tôm hai giai đoạn khá thành công. Vụ tôm trước anh có 10 ao nuôi, thu hoạch được 97,5 tấn, cỡ tôm 25 - 70 con/kg, lợi nhuận 3,6 tỷ đồng. Anh Bắc cho biết, anh rất mê nuôi tôm hai giai đoạn bởi hiệu quả mang lại khá cao.
Tạo môi trường sạch
Là người có nhiều năm kinh nghiệm nuôi tôm, anh Bắc bày tỏ sự lo lắng trước môi trường nước ngày càng ô nhiễm cùng với biến đổi khí hậu khiến dịch bệnh xuất hiện ngày càng nhiều, rủi ro tăng cao, gây tác động xấu đến nuôi trồng thủy sản tại Bình Đại. Trước tình hình đó, nuôi tôm thẻ hai giai đoạn được xem là mô hình lý tưởng hiện nay. “Mình có thể chủ động quản lý độ sạch của nước và môi trường, nuôi được mật độ dày hơn so với nuôi truyền thống, năng suất cao gấp 3 lần so với nuôi truyền thống”, anh Bắc chia sẻ.
Theo anh Bắc, muốn áp dụng mô hình nuôi tôm hai giai đoạn, cần vốn khá lớn. Để phục vụ một ao nuôi (khoảng 1.600m2) phải có thêm 4 loại ao khác, gồm: ao ương, ao lắng, ao xử lý và ao chứa thải. Nếu đầu tư cho tới khi xuống giống được thì để có một ao nuôi tốn khoảng 550 triệu đồng. Thời gian nuôi 90-100 ngày.
Để có môi trường nước sạch, anh Bắc chia sẻ kinh nghiệm: Nuôi tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn phải áp dụng quy trình 3 sạch, gồm: nước sạch, tôm sạch và môi trường sạch. Để có nước sạch, bà con cần có nhiều ao lắng, lấy nước vô lắng lọc 10 ngày, xử lý bằng clorin rồi mới đưa vào ao nuôi. Nguồn tôm giống sạch bệnh, tôi mua của Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam, giá 138 đồng/con. Môi trường nước phải bổ sung khoáng, canxi, magie, kiềm, vi sinh…
”Nhờ áp dụng mô hình nuôi tôm hai giai đoạn, tôm lớn nhanh, sạch bệnh, ít dùng thuốc, chất lượng tốt và an toàn”, anh Bắc phấn khởi nói. Điều anh Bắc còn suy nghĩ, trăn trở là nguồn khí biogas cứ phải đốt bỏ, anh không sử dụng, thấy rất lãng phí. Bên cạnh đó, sau 3 vụ nuôi, chất thải chứa trong túi đầy cần được tái sử dụng thành phân hữu cơ thì rất tốt nhưng chưa thấy có nghiên cứu nào có thể tận dụng nguồn phân này, trong khi vùng nuôi tôm hai giai đoạn ngày càng phát triển trên địa bàn huyện.
Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bình Đại, việc nuôi tôm hai giai đoạn trên địa bàn không lo phá vỡ quy hoạch vùng nuôi vì điều kiện nuôi phụ thuộc rất lớn vào độ mặn, diện tích lớn, vốn đầu tư… nên sẽ không nhiều người nuôi ồ ạt. |
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.