Năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, ông Lê Văn Công (Tám Công) ở ấp Tân Long, xã Đông Phước A (Châu Thành - Hậu Giang) có thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm từ mô hình kinh tế VAC (vườn, ao, chuồng).
Quê ông vốn ở miệt Cai Lậy (Tiền Giang), trong những năm kháng chiến chống Mỹ, ông Công cũng từng tham gia chiến trường, sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, ông về quê vợ để lập thân lập nghiệp. Nhà nghèo, 8 đứa con, ruộng đất hàng chục công; cấy lúa, làm vườn… quần quật quanh năm mà tiền cũng không dư dả.
Những giờ phút nghỉ ngơi sau một ngày lao động mệt mỏi, ông Tám Công thường có thói quen theo dõi tin tức báo, đài. Ông thấy nhiều mô hình làm kinh tế kết hợp rất hay, nghĩ đây cũng là cơ hội mở ra cho người nông dân hướng đi làm giàu từ mảnh vườn, thửa ruộng của mình. Và rồi từ ý nghĩ đó, ông mạnh dạn chuyển đổi vườn cây kém hiệu quả sang trồng mít Thái siêu sớm.
Ông Tám Công xòe tay nhẩm tính 1ha vườn trồng được 1.500 cây mít, mỗi cây một năm thu hoạch 2 trái, mỗi trái nhẹ gì cũng từ 8 đến hơn 10kg, với giá bán 20.000 đồng/kg như hiện nay, trừ chi phí, lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/năm.
Không dừng lại ở đó, ông còn đào thêm 2 ao, mỗi cái rộng 1.000m2, để nuôi cá tai tượng, mỗi năm xuất bán 1 lần 8-10 tấn, với giá bán 35.000-37.000 đồng/kg, thu lãi gần 200 triệu đồng.
Chưa kể trên bờ liếp ông còn trồng xen thêm cây đinh lăng, một năm thu nhập thêm hàng chục triệu đồng từ loại cây trồng này.
Bên cạnh đó, ông còn nuôi thêm đàn dê hơn chục con, mỗi năm sinh sản ra hàng chục con dê con. Sau khi chăm sóc khoảng 45 ngày thì xuất bán với giá 3-3,5 triệu đồng/con, thu về khoản tiền khá mà không tốn nhiều chi phí.
Ông Tám Công thừa nhận: “Khi chưa thực hiện mô hình này, gia đình tôi rất khó khăn. Nhưng nhận thấy quê mình có nhiều thế mạnh để phát triển kinh tế theo mô hình kết hợp nên quyết tâm thực hiện. Nhất là đất đai màu mỡ, nguồn nước ngọt tự nhiên dồi dào, việc phát triển kinh tế trang trại theo hướng sinh thái VAC là rất phù hợp”.
Theo ông Tám Công, vườn và chuồng có mối quan hệ hỗ trợ rất mật thiết. Vườn cung cấp các loại thức ăn cho chăn nuôi; ngược lại, chuồng cung cấp phân bón từ chất thải gia súc, gia cầm cho cây trồng trong vườn. Ao cung cấp nước tưới và bùn làm tăng chất lượng đất cho cây trồng trong vườn; ngược lại nhiều loại trái cây trong vườn bị hư, thối… có thể tận dụng làm nguồn thức ăn rất tốt cho cá, cho dê.
Nhờ tính kiên trì chịu khó, sau nhiều năm đúc kết kinh nghiệm, ông Tám Công đã thành công với mô hình kinh tế vườn, ao, chuồng. Đến nay, gia đình ông có nguồn thu nhập ổn định hơn 300 triệu đồng/năm, trở thành hộ khá - giàu trong vùng..
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.