Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 15 tháng 4 năm 2022 | 8:19

Phát triển chăn nuôi: Nhiệm vụ và khó khăn

Trước hết phải khẳng định, trong nhiều năm qua, nhất là khi Đảng ta thực hiện đường lối đổi mới năm 1986, sản xuất nông nghiệp nói chung, chăn nuôi nói riêng có bước phát triển mạnh mẽ,...

Trước hết phải khẳng định, trong nhiều năm qua, nhất là khi Đảng ta thực hiện đường lối đổi mới năm 1986, sản xuất nông nghiệp nói chung, chăn nuôi nói riêng có bước phát triển mạnh mẽ, vừa từng bước đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của gần 100 triệu dân (trước năm 1990, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng tới trên 50%; bữa ăn ít thịt, cá, trứng, sữa. Nay, tỷ lệ suy dinh dưỡng nặng đã cơ bản được loại bỏ, tỷ lệ trẻ nhẹ cân, thấp còi giảm sâu, chỉ còn 14,8%. Bữa ăn đã cân đối, hàm lượng dinh dưỡng tăng cao; sữa đã trở thành thức uống phổ biến…), vừa nâng cao giá trị xuất khẩu (năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 440 triệu USD).

Ngành nông nghiệp nói chung, chăn nuôi nói riêng đã góp phần rất quan trọng trong việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát thời gian qua dù đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và xung đột Nga - Ukraine khiến chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, đẩy giá lương thực - thực phẩm trên thế giới tăng cao.

 

tnb-48802-copy.JPG
Trang trại chăn nuôi heo theo hướng hàng hóa và an toàn dịch bệnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Hiệp Đức (Quảng Nam). Ảnh: CTV

 

Tuy nhiên, theo Cục Chăn nuôi, tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi chưa tương xứng với tiềm năng, quy mô còn nhỏ lẻ, liên kết chưa chặt chẽ, quy trình chăn nuôi an toàn dịch bệnh chưa được áp dụng rộng rãi, giá thành còn cao, nhiều nguyên liệu và vật tư phụ thuộc nhập khẩu...

Để chăn nuôi có bước phát triển cao hơn, bền vững hơn, ngày 6/10/2020, Thủ tướng Chính phủ đã Phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2045 (Quyết định 1520/QĐ-TTg) với quan điểm: Phát triển chăn nuôi toàn diện, hiệu quả, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với chuỗi giá trị, kinh tế tuần hoàn, nâng cao giá trị gia tăng, bảo đảm an toàn sinh học, dịch bệnh và an toàn thực phẩm, đối xử nhân đạo với vật nuôi... Đến năm 2030, sản xuất chăn nuôi nước ta thuộc nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực. Sản phẩm chăn nuôi đáp ứng yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và tăng cường xuất khẩu. Đến năm 2045, chăn nuôi Việt Nam là ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại, được công nghiệp hóa ở hầu hết các khâu từ sản xuất, chế biến, bảo quản đến kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trình độ và năng lực sản xuất thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á….

Mục tiêu cụ thể: Sản lượng thịt xẻ các loại đến năm 2025 đạt 5,0-5,5 triệu tấn, trong đó: thịt lợn từ 63-65%, thịt gia cầm từ 26-28%, thịt gia súc ăn cỏ từ 8-10%; đến năm 2030 đạt 6,0-6,5 triệu tấn, trong đó: thịt lợn từ 59-61%, thịt gia cầm từ 29-31%, thịt gia súc ăn cỏ từ 10-11%. Xuất khẩu từ 15-20% sản lượng thịt lợn, 20-25% thịt và trứng gia cầm. Đến năm 2025 đạt 18-19 tỷ quả trứng và 1,7-1,8 triệu tấn sữa; đến năm 2030 đạt khoảng 23 tỷ quả trứng và 2,6 triệu tấn sữa. Về vùng chăn nuôi an toàn sinh học, đến năm 2025, có ít nhất 10 vùng cấp huyện và đến năm 2030 đạt ít nhất 20 vùng cấp huyện.

Để có thể thực hiện thành công những mục tiêu đề ra, các chuyên gia cho rằng, phải nhận diện rõ ràng, chính xác những hạn chế và khó khăn. Theo nhiều chuyên gia, ngành chăn nuôi nước ta còn nhiều hạn chế, như: hệ thống sản xuất thiếu đồng bộ, liên kết chưa chặt chẽ từ sản xuất đến tiêu thụ; giá thành sản phẩm còn cao, chưa có thương hiệu và chưa được quảng bá rộng rãi; nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, con giống, thuốc thú y phải nhập khẩu nhiều; quy mô sản xuất chủ yếu ở mức vừa và nhỏ nên khó áp dụng công nghệ hiện đại để tăng năng suất, chất lượng; sản phẩm chăn nuôi từ nước ngoài dễ dàng nhập về Việt Nam với số lượng lớn và mức giá rẻ hơn; tồn tại thực trạng dùng chất cấm để tăng trọng gia súc, gia cầm, khiến người tiêu dùng e ngại việc mua và sử dụng; người chăn nuôi chưa chú ý tới quản lý con giống; hầu hết chủ chăn nuôi chưa có kiến thức cần thiết về chế độ dinh dưỡng phù hợp cho vật nuôi theo từng giai đoạn và yếu về quản trị...

Theo các chuyên gia, trước hết, cần có chính sách giúp người chăn nuôi, người kinh doanh nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật và quản lý để nhanh chóng thay đổi tư duy, nhất là giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ, khuyến khích chăn nuôi tập trung với quy mô vừa và lớn. Đồng thời có chính sách hỗ trợ, khuyến khích chọn lọc và nhập nội những giống gia súc, gia cần chất lượng cao; lai tạo giống gia súc, gia cầm thích nghi với khí hậu Việt Nam. Đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh, xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học. Có chính sách mở rộng vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp thức ăn chăn nuôi, giảm thuế nhập nguyên liệu để chủ động hạ giá thành thức ăn chăn nuôi.

Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ số, Internet, trí tuệ nhân tạo,… người chăn nuôi, doanh nghiệp chăn nuôi cần ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý.

Trước mắt, các chuyên gia cho rằng, cần đẩy nhanh tốc độ thực hiện 5 đề án ban hành cùng Chiến lược. Đồng thời hướng dẫn người chăn nuôi tổ chức lại sản xuất theo hướng 3 chung (sản xuất chung quy trình, mua chung vật tư, cùng nhau bán hàng) và nhanh chóng triển khai liên kết với doanh nghiệp để tạo chuỗi sản xuất khép kín.

 

 

Thanh Hiền
Ý kiến bạn đọc
Top