Hải Phòng đang trong giai đoạn thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu
Trong đó tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, hội nhập được xác định là “bà đỡ” đưa các mô hình sản xuất nông nghiệp, kinh tế VAC của thành phố đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân, thay đổi diện mạo nông thôn…
Nhiều mô hình kinh tế VAC tiêu biểu
Từ những năm đầu triển khai thực hiện xây dựng NTM, việc nâng cao thu nhập cho người dân thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp được các cấp chính quyền địa phương tại TP. Hải Phòng tích cực triển khai. Trong đó, Hải Phòng tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Để thực hiện được điều này, các địa phương tại Hải Phòng đã tập trung dồn điền, đổi thửa, tích tụ đất đai, từng bước hình thành cánh đồng mẫu lớn, các vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh, vùng nuôi trồng thủy sản (NTTS), đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất nông nghiệp. Tận dụng mọi nguồn lực kêu gọi người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, quy mô lớn, từ đó tạo đà cho xây dựng NTM.
Nhờ đó, TP. Hải Phòng đã có nhiều mô hình kinh tế VAC tiêu biểu. Đơn cử như mô hình trồng hoa lan, cây cảnh, cây công trình của gia đình ông Phạm Thanh Phương (Thị trấn An Dương, huyện An Dương). Ông Phương cho biết: “Khu vườn của gia đình rộng hơn 2ha, trồng các loại hoa lan, cây cảnh, cây công trình. 30 năm gắn bó với cây cối là một sự gian nan, vất vả, biết bao công sức, tiền bạc đổ vào. Nếu không yêu hoa, yêu cây bằng cả tâm huyết, tôi nghĩ khó gây dựng được vườn cây. Mỗi giò lan tôi trồng là sự chăm chút, tỉ mỉ, nâng niu… Tôi luôn tâm niệm làm nông nghiệp thì phải yêu thích, dồn tâm trí thì mới làm được. Mỗi năm trừ chi phí, tôi thu lợi nhuận gần 2 tỷ đồng, nguồn thu mang về cũng chủ yếu từ vườn hoa lan của gia đình”.
Cũng bằng tình yêu, niềm đam mê với nông nghiệp, ông Lê Đức Thái (thị trấn An Dương, huyện An Dương) được nhiều người dân thành phố biết đến với mô hình trồng hoa anh đào. Năm 2015, ông Thái tiên phong đưa 2.000 cây hoa anh đào về địa phương trồng, ban đầu do chưa am hiểu điều kiện, đặc tính cây trồng nên 1.000 cây hoa anh đào cứ héo, chết dần. Công sức bỏ ra, tiền bạc đổ vào, ông Thái phải bán đi 2 căn nhà để lấy vốn đưa giống cây này về địa phương, thời điểm đó nhiều người còn gọi ông là “gã khùng” vì đem tiền đổ vào giống cây chưa ai làm.
Với quyết tâm trồng bằng được giống hoa anh đào tại vùng đất chua, ông Thái mày mò, học hỏi kinh nghiệm của người đi trước, tiếp tục chăm sóc những cây hoa còn lại. Và trời không phụ lòng người, 1.000 cây hoa còn lại bắt đầu đâm chồi, nảy lộc và cho hoa đúng dịp Tết Nguyên đán. Mỗi năm từ nhà vườn của mình, bác Thái nhân giống khoảng 2.000 cây con để phục vụ nhu cầu thị trường. Tiếng lành đồn xa, nhiều cơ quan, doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản ở Hải Phòng, Hà Nội, Hải Dương đã tìm đến đăng ký mua cây giống về trồng trong các khu đô thị, khu công nghiệp.
Là cán bộ đang công tác tại địa phương, nhưng anh Bùi Duy Dũng, Bí thư Đảng ủy phường Bàng La (quận Đồ Sơn) không từ bỏ tình yêu đam mê sản xuất nông nghiệp với vườn cây, ao cá, chuồng gà. Cách đây 3 năm, sau khi lặn lội vào tỉnh Ninh Thuận để học hỏi kinh nghiệm cách người dân dựng giàn trồng táo như trồng nho, anh Dũng về địa phương áp dụng trồng ngay trên vườn táo của gia đình.
Theo anh Dũng, với cách trồng mới này, cây táo cho thu hoạch 1 năm 2 vụ. Cây táo có khả năng chống chịu với mưa bão và sâu bệnh tốt hơn so với cách trồng truyền thống, thuận lợi cho việc chăm sóc, quả táo hứng được ánh nắng mặt trời nên chất lượng và ngon hơn. Hơn nữa, Đồ Sơn là vùng đất du lịch, việc dựng giàn trồng táo còn khá mới mẻ với du khách, nên sẽ thu hút được một lượng du khách đến tham quan, mô hình này cũng rất phù hợp với việc phát triển du lịch sinh thái, tạo thu nhập kinh tế cho người nông dân.
Năm 2015, táo Bàng La được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp chứng nhận bảo vệ nhãn hiệu. Đồng thời, còn được đưa vào bản đăng ký danh mục sản phẩm sử dụng mã vạch do Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường cấp.
Gắn kết kinh tế vườn với du lịch
Chương trình xây dựng NTM đã và đang làm thay đổi bộ mặt nông thôn Hải Phòng với kết cấu kinh tế - xã hội đồng bộ, sản xuất phát triển. Đặc biệt, thành phố có những không gian, cảnh quan đẹp, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, phong tục tập quán truyền thống của người dân miền biển và các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian đặc sắc và ẩm thực truyền thống… Đây là lợi thế để phát triển kinh tế VAC với du lịch sinh thái.
Đặc biệt, Hải Phòng có cơ sở hạ tầng giao thông thuận lợi, giúp cho việc tiếp cận điểm đến, tạo điều kiện cho loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Chia sẻ về những mô hình phát triển kinh tế VAC của TP. Hải Phòng, PGS. TS. Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, khẳng định: “Các mô hình phát triển kinh tế vườn của Hải Phòng thể hiện được sự cần cù, sáng tạo, sức lao động, chịu khó của thành viên Hội Làm vườn Hải Phòng. Từ những vùng đất ngập mặn, đất cát, ven biển hoang hóa nay trở thành những mô hình kinh tế, vườn cây, ao cá, kết hợp trồng trọt, du lịch sinh thái…Những người làm vườn có ý thức rất cao, không chỉ là làm kinh tế mà còn có ý thức đóng góp, bảo vệ môi trường, phát triển nghề làm vườn, trang trại, du lịch còn đóng góp vào Chương trình xây dựng NTM của địa phương”.
Theo Chủ tịch Nguyễn Xuân Hồng, hướng đi của người nông dân Hải Phòng đang lựa chọn là hướng đi đúng, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm kinh tế VAC, sản xuất theo VietGAP, đảm bảo an toàn thực phẩm, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao để đưa những sản phẩm có chất lượng đến người tiêu dùng. Điều đó cho thấy, vai trò của Hội Làm vườn các cấp ở Hải Phòng rất quan trọng, là nơi để hội viên cùng nhau chia sẻ, phát triển kinh tế vườn, kinh tế VAC, đồng thời là địa chỉ gửi gắm những kiến nghị về chính sách, hỗ trợ làm thế nào để thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp địa phương.
“Thông qua những mô hình kinh tế, ý kiến của hội viên Hội Làm vườn Hải Phòng, Hội Làm vườn Việt Nam cũng có thêm thông tin thực tiễn để có thể tổng kết nhân rộng các mô hình trong các địa phương có điều kiện tương tự trong toàn quốc. Hiểu được thêm tâm tư nguyện vọng của hội viên, nông dân, góp phần để lãnh đạo Hội Làm vườn các cấp hiểu thêm về khó khăn trong thực tiễn sản xuất kinh doanh của hội viên. Để từ đó Hội Làm vườn Việt Nam có nghiên cứu đóng góp cho ngành Nông nghiệp và PTNT, cho các địa phương có chính sách phù hợp hơn để tạo điều kiện cho hội viên phát triển kinh tế VAC, phát triển nông thôn Việt Nam theo hướng bền vững”, Chủ tịch Nguyễn Xuân Hồng nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.