Những năm qua, công tác củng cố, kiện toàn tổ chức được Hội Làm vườn các cấp tỉnh Bình Định quan tâm thực hiện, nhất là trong phát triển hội viên và nâng cao chất lượng sinh hoạt ở cơ sở theo hướng thiết thực, hiệu quả.
Đến nay, toàn tỉnh có trên 100.000 hội viên, sinh hoạt ở 141 chi hội, 11 huyện, thị xã, thành phố. Hội định hướng hội viên phát triển kinh tế vườn gắn với du lịch sinh thái.
Tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 gắn với phát triển kinh tế hộ gia đình
Năm 2021, Tỉnh Hội Bình Định tiếp tục tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới; kinh tế gia đình, trang trại, vườn, ao, chuồng gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tỉnh Hội đã xuất bản 2 số bản tin Kinh tế nông thôn Bình Định (số 146 và số 147), với nội dung và hình thức ngày càng được cải tiến, đây là nguồn thông tin cung cấp tới từng cơ sở, phục vụ sinh hoạt Hội ở cơ sở.
Thông qua phát hành bản tin Kinh tế nông thôn Bình Định và truyền thông trực tiếp, Hội Làm vườn tỉnh đã tuyên truyền tới hội viên chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của tỉnh và của các địa phương về sản xuất theo hướng hữu cơ, theo tiêu chuẩn VietGAP, thực hiện sản xuất theo hướng an toàn, gắn bảo vệ môi trường sinh thái bền vững, tuyên truyền về các gương nông dân làm giàu từ trang trại, giới thiệu các mô hình sản xuất hiệu quả kinh tế cao...
Phối hợp các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan giới thiệu, phát tài liệu hướng dẫn hội viên về dự báo và các biện pháp phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng; bệnh cầu trùng, viêm da nổi cục trên trâu bò; hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây ăn trái…
Hội Làm vườn các cấp đã phối hợp với các Hội, đoàn thể, cơ quan, đơn vị tuyên truyền hội viên chấp hành chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, thực hiện 5K; động viên nông dân phát triển kinh tế trang trại, kinh tế vườn, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Kết nối tiêu thụ nông sản cho hội viên
Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội nên khâu tiêu thụ tất cả các loại nông sản đều gặp khó, một số cơ sở, hộ gia đình sản xuất nông sản phải cắt giảm sản lượng. Việc lưu thông hàng hóa nội tỉnh cũng như liên tỉnh gặp không ít khó khăn. Thương lái ngoài tỉnh không đến các địa phương trong tỉnh thu mua nông sản, người dân trồng cây ăn trái, sản xuất rau, màu... đã tìm mọi cách để tiêu thụ nông sản nhưng kết quả còn hạn chế.
Khó khăn là có thật, nhưng hội viên Hội Làm vườn các cấp trong tỉnh Bình Định đã kết nối với tiểu thương thông qua mạng xã hội để tiêu thụ nông sản.
Ông Nguyễn Đình Kha ở thôn Tú Thủy, xã Phước Hiệp (Tuy Phước) là một điển hình. Vườn khổ qua của gia đình ông cho thu hoạch 100 - 150 kg/ngày. Trước đây, thương lái tới tận vườn thu mua giá 10.000 đồng/kg. Giờ ông kết nối với tiểu thương trong huyện hoặc nhờ nhóm đi chợ hộ bán lẻ mới được giá 8.000 - 10.000 đồng/kg. Nhờ đó, gia đình ông thu được vốn để duy trì vườn rau trong thời điểm dịch bệnh.
Xã Cát Lâm (huyện Phù Cát) có 17ha dưa hấu, sản lượng khoảng 680 tấn (năng suất khoảng 40 tấn/ha); dưa lưới 33ha, sản lượng khoảng 990 tấn (năng suất khoảng 30 tấn/ha) nhưng mắc kẹt đầu ra do dịch bệnh. Trong lúc người trồng dưa đang sốt ruột, thì cán bộ xã, cán bộ Hội nhanh chóng ghé vai vào hỗ trợ giấy tờ, thủ tục, thực hiện test nhanh… để nông dân kịp thu hoạch, chuyển dưa ra điểm tập kết gần quốc lộ; kết nối và tạo điều kiện để thương lái có thể vào nhận hàng đưa ra thị trường…
Nhờ chính quyền và các hội đoàn thể, trong đó có Hội Làm vườn các cấp năng động hỗ trợ, bà con tích cực kết nối nên nông sản (rau, củ, quả…) ở các huyện Hoài Ân, Phù Mỹ và TX Hoài Nhơn… được tiêu thụ ngay tại địa phương.
Bưu điện tỉnh mở gian hàng hỗ trợ nông sản Bình Định với giá ổn định vào thứ Sáu hàng tuần tại TP. Quy Nhơn hoặc đặt tại trang điện tử thương mại PostViet.
Hội viên Hội Làm vườn các cấp trong tỉnh Bình Định vừa chấp hành tốt công tác phòng chống dịch Covid-19, vừa sản xuất đảm bảo nhu cầu cho gia đình và cung cấp ra thị trường.
Xây dựng 95 mô hình kinh tế vườn gắn với du lịch
Nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm 2021 của Hội Làm vườn tỉnh Bình Định là vận động hội viên làm kinh tế VAC theo hướng nông nghiệp hàng hoá, an toàn, từng bước sản xuất theo hướng hữu cơ, kết nối cung - cầu, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng về chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững. Hỗ trợ, thúc đẩy liên kết giữa người làm vườn với HTX, tổ hợp tác và doanh nghiệp, xây dựng và phát triển chuỗi sản phẩm nghề làm vườn.
Phát hiện, biểu dương, nhân rộng các mô hình, điển hình sản xuất hiệu quả; đồng thời phối hợp với các ngành chuyên môn ở tỉnh và huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật, xây dựng các mô hình trình diễn, xây dựng mô hình kinh tế vườn hiệu quả gắn du lịch sinh thái góp phần xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; phối hợp tổ chức các hoạt động khuyến nông, nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ; đẩy mạnh phối hợp với các doanh nghiệp nông nghiệp triển khai dịch vụ hỗ trợ, tư vấn hội viên đẩy mạnh sản xuất, góp phần tăng giá trị trên đơn vị diện tích canh tác.
Bà Lê Thị Kim Mai, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Bình Định, cho biết, trong những tháng cuối năm, chuyển về trạng thái “bình thường mới”, Ban chấp hành Hội Làm vườn tỉnh phối hợp với các địa phương, các ngành vận động bà con tiếp tục xây dựng 95 mô hình phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, gia trại, nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Chuyển đổi trồng chanh dây trên đất rẫy, trồng thanh long ruột đỏ ở huyện Vĩnh Thạnh; gà thả đồi, trồng bưởi da xanh ở huyện An Lão; tổ hội nuôi ong ở huyện Hoài Nhơn; trồng hoa cúc thương phẩm ở huyện Phù Cát; nuôi trồng thuỷ sản ở thành phố Quy Nhơn…
Phối hợp tổ chức các hoạt động khuyến nông, nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ; phối hợp với các doanh nghiệp nông nghiệp triển khai dịch vụ hỗ trợ, tư vấn hội viên đẩy mạnh sản xuất, góp phần tăng giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác.
(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.