Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 14 tháng 5 năm 2022 | 9:31

Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn, nâng tầm nông dân: Hoàn thiện và đồng bộ thể chế

Phát triển nông nghiệp bền vững, xây dựng nông thôn hiện đại và nâng tầm nông dân – ngành kinh tế đặc biệt quan trọng, “trụ đỡ” của nền kinh tế, có ý nghĩa chiến lược trong hành trình xây dựng nước Việt Nam hùng cường.

Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (từ 4-10/5) đã thảo luận, cho ý kiến và quyết định nhiều vấn đề quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn, nâng tầm nông dân, quản lý và sử dụng đất đai, phát triển kinh tế tập thể; công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng và phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đó có những vấn đề cốt lõi, hệ trọng về quản lý, quy hoạch, sử dụng đất đai - tài sản đặc biệt của quốc gia, tư liệu sản xuất cơ bản, tài nguyên vô cùng quý giá, nguồn sống của nhân dân và nguồn lực to lớn của đất nước; phát triển nông nghiệp bền vững, xây dựng nông thôn hiện đại và nâng tầm nông dân – ngành kinh tế đặc biệt quan trọng, “trụ đỡ” của nền kinh tế, có ý nghĩa chiến lược trong hành trình xây dựng nước Việt Nam hùng cường; tạo điều kiện để kinh tế tập thể tiếp tục nâng cao hiệu quả, thực sự là thành phần kinh tế quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

 

tieu-diem.jpg

 

Đây có lẽ là hội nghị đầu tiên Trung ương bàn cùng lúc cả Luật Đất đai, các vấn đề về nông nghiệp - nông dân - nông thôn và kinh tế tập thể, cụ thể hóa những mục tiêu lớn mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tại hội nghị này, Trung ương tiếp tục khẳng định những vấn đề mang tính cốt lõi:

Thứ nhất, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Quản lý và sử dụng đất phải bảo đảm lợi ích chung của toàn dân; nhân dân được tạo điều kiện tiếp cận, sử dụng đất một cách công bằng, hiệu quả và bền vững. Nhà nước thống nhất quản lý đất đai theo lãnh thổ quốc gia, cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường. Quyền sử dụng đất là quyền sử dụng một loại tài sản và hàng hoá đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu; quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được pháp luật bảo hộ. 

Thứ hai, nông nghiệp là một lợi thế của quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế. Nhà nước cần phải tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Trong đó, nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp. Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống của nông dân và người dân nông thôn là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị.

Thứ ba, phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu khách quan. Phải thường xuyên quan tâm đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, mà nòng cốt là các hợp tác xã kiểu mới; coi đây là một thành phần kinh tế quan trọng cùng với kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế tập thể có nhiều hình thức tổ chức, hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao, trong đó hợp tác xã là nòng cốt. Kinh tế tập thể phát triển dựa trên sở hữu riêng của thành viên và sở hữu chung của tổ chức.

Thống nhất nhận thức về những vấn đề cốt lõi, Trung ương cũng phân tích toàn diện, sâu sắc, chỉ ra rất nhiều bất cập, hạn chế trong phát triển nông nghiệp- nông thôn- nông dân, trong thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai và phát triển kinh tế tập thể. Trên cơ sở đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thông qua 3 Nghị quyết quan trọng gồm: Nghị quyết về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”; Nghị quyết về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”.

Bày tỏ phấn khởi khi Hội nghị Trung ương 5 lần này bàn về những vấn đề quan trọng của đất nước trong đó liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhiều bạn đọc của Kinh tế nông thôn tin tưởng vào những định hướng chiến lược của Trung ương và mong muốn các nghị quyết lần này tạo đột phá mạnh mẽ trong cách tiếp cận, cách xử lý để không chỉ nhà nông, nhà vườn, chủ trang trang trại, chủ doanh nghiệp mà cả các cơ quan quản lý cũng nhanh chóng chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Nhiều người cho rằng, phải làm sao tạo được đột phá trong phương thức hành động đồng bộ của các cơ quan nhà nước và sự đồng bộ giữa các bộ luật liên quan.

 

 

Hiền Anh
Ý kiến bạn đọc
Top