Với hơn 20 năm phát triển, nghề nuôi bò sữa kết hợp với nuôi giun quế tại xã Phù Đổng (Gia Lâm - Hà Nội) vừa giúp nhiều nông dân trở nên khá - giàu, vừa giúp bộ mặt làng quê ngày một đổi thay.
Sữa Phù Đổng từng bước chiếm lĩnh thị trường
Nghề chăn nuôi bò sữa bắt đầu manh nha ở Phù Đồng từ năm 1992, nhưng phải đến năm 1999 mới có những bước phát triển đáng kể về quy mô và hiệu quả, đưa Phù Đổng trở thành một trong những nơi thu mua sữa lớn khu vực phía Bắc.
Nắm bắt được cơ hội, mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất, tiêu thụ sữa và các sản phẩm từ sữa chính thức ra đời mang tên Hợp tác xã (HTX) chế biến sữa bò Phù Đổng. Đầu năm 2018, nghề chăn nuôi bò sữa tại Phù Đổng đã tạo nên bước ngoặt mới bằng việc áp dụng khoa học công nghệ và sản xuất theo dây chuyền khép khín, cung cấp ra thị trường “mẻ sữa” đầu tiên với những cái tên như: Sữa thanh trùng, sữa chua có đường, sữa chua Nếp Cẩm.
Để phát triển thương hiệu theo hướng bền vững, HTX không chủ trương phát triển về số lượng mà chú trọng đến chất lượng. Sản phẩm sử dụng 100% nguyên liệu từ đàn bò tại địa phương và thực hiện sản xuất theo quy trình khép kín; sau đó được thanh trùng, làm lạnh nhằm tiêu diệt các vi sinh vật có trong sữa; cuối cùng là chiết, rót, dán nhãn và bảo quản với nhiệt độ theo quy định.
Trao đổi với phóng viên, ông Khúc Văn Trọng, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX chế biến sữa bò Phù Đổng nhận định, sản phẩm sữa Phù Đổng là cái tên mới trên thị trường sữa, nên việc bán hàng, tiếp thị còn gặp nhiều khó khăn.
“Để tiêu thụ sản phẩm, đầu tiên chúng tôi hướng đến chương trình “Sữa học đường”. Tuy nhiên, đa phần các trường học đều sử dụng sữa tiệt trùng (sữa sử dụng trong thời gian dài), trong khi sản phẩm chủ đạo của HTX là sữa thanh trùng (sữa sử dụng trong thời gian rất ngắn, luôn phải bảo quản trong môi trường lạnh). Do đó, HTX phải tìm hướng đi khác thông qua các thị trường bán lẻ và siêu thị. Một số siêu thị có thể kể đến như Vinmart, Fivimart, Aeon mall, Hapomart”, ông Trọng cho hay.
Về hướng phát triển của HTX, ông Trọng chia sẻ: “Chúng tôi tiếp tục thúc đẩy, mở rộng quy mô bán hàng để giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Hiện tại, đã có một số trường mầm non, tiểu học trên địa bàn đặt sữa của chúng tôi. Tôi tin, sữa Phù Đổng sẽ ngày càng được thị trường ưa chuộng”.
Thu nhập cao, bảo vệ môi trường
Phù Đổng là địa phương nổi tiếng với nghề nuôi bò sữa với tổng đàn khoảng 2.000 con. Theo ông Trần Xuân Tĩnh, Chủ tịch UBND xã Phù Đổng, trước đây lãnh đạo địa phương rất đau đầu về bài toán chất thải từ bò sữa. Mỗi ngày đàn bò thải ra gần 20 tấn phân, ngoài một số hộ dân sử dụng hầm biogas còn hầu hết số phân đó được đổ ra ao, hồ, mương, rãnh, thậm chí đổ ra vệ đê, rất hôi thối và mất mỹ quan.
Do vậy, khi nhận được đề xuất xây dựng mô hình nuôi giun quế của ông Nguyễn Xuân Hùng (xã Phù Đổng) có thể giải quyết được nguồn chất thải từ bò sữa, lãnh đạo xã Phù Đổng và huyện Gia Lâm đã đồng ý cho triển khai. Thời gian đầu, khi mô hình mới đi vào hoạt động, để có nguồn thức ăn cho giun quế, mỗi ngày ông Hùng thu gom khoảng 7 - 8 tấn chất thải. Sau đó, khi mô hình đi vào ổn định, mỗi ngày lượng chất thải cần dùng lên tới 12 tấn. Đến nay, số lượng phân bò thải ra mỗi ngày không đủ để phục vụ mô hình.
Ông Nguyễn Xuân Hùng, hiện là Chủ tịch HĐQT HTX Phát triển nông nghiệp và Dịch vụ thương mại Hiệp Thư, cho biết, trước đây HTX chỉ việc thu gom phân bò ở ven đường hoặc các gia đình tự mang đến để xử lý mà không phải trả tiền, nhưng nay phải trả tiền để mua phân bò của các hộ chăn nuôi với giá 2.000 đồng/xô. Không những thế, HTX còn phát xô có nắp đậy cho các hộ chăn nuôi, sau đó nhờ các hộ chở lên. Mỗi tháng, HTX chi trả khoảng 10 triệu đồng mua phân bò cho các hộ chăn nuôi. Đến nay, tất cả đường làng, ngõ xóm ở xã Phù Đổng đều sạch sẽ, không còn phân đổ dọc đường; mương máng, ao hồ nước cũng đã trong hơn, không còn bốc mùi như trước.
Sau khoảng 3 năm triển khai, mô hình nuôi giun quế của ông Hùng bước đầu đạt hiệu quả. Sản phẩm hiện nay là giun quế thành phẩm, giun quế giống và phân sạch từ giun quế. Với giá bán 20.000 đồng/kg sinh khối (giun giống), 100.000 đồng/kg giun thành phẩm và 2.500 đồng/kg phân sạch, trang trại của ông cung cấp giống và phân bón cho nhiều trang trại lớn ở miền Bắc và trên địa bàn Hà Nội.
Ngoài nhà xưởng nuôi giun quế, ông Hùng còn quy hoạch khu đất thành vùng trồng cây cảnh, cây ăn quả, hoa lan cao cấp và sử dụng chính nguồn phân sạch từ giun quế để bón.
Ông Trần Xuân Tĩnh nhận xét, mô hình nuôi giun quế của HTX Phát triển nông nghiệp và Dịch vụ thương mại Hiệp Thư không phải là mô hình đầu tiên nhưng đến nay là thành công nhất. Trước đây, vào những năm 2011 - 2012, ở xã có một số mô hình nuôi giun quế nhỏ lẻ nhưng không phát triển được. Do vậy, chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện để mô hình này phát triển.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.