Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) thời gian qua đã mang lại diện mạo mới cho khu vực nông nghiệp, nông thôn Quảng Ninh.
Trong đó, thông qua việc tổ chức thực hiện tiêu chí số 20 về xây dựng thôn mẫu, vườn mẫu đã tạo ra thôn, bản NTM không chỉ sạch, đẹp về cảnh quan, môi trường mà còn mang lại thu nhập cao cho người dân.
Lan toả
Nhiều gia đình ở huyện Hải Hòa mặc dù có diện tích vườn rộng, có nhân lực nhưng chưa khai thác hết được tiềm năng của đất đai. Một số hộ tuy có cải tạo vườn để phát triển kinh tế nhưng thiếu định hướng, quy hoạch nên thu nhập bấp bênh.
Ông Bùi Văn Nam, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hải Hà, cho biết: Huyện đã tiến hành rà soát, tạo thuận lợi để các hộ có đủ điều kiện đăng ký xây dựng vườn mẫu, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức cho các hộ đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại các đơn vị tiêu biểu trong và ngoài tỉnh; thành lập Ban chỉ đạo, tổ tư vấn xây dựng thôn kiểu mẫu, vườn kiểu mẫu tại các xã.
Được sự hướng dẫn của các cấp chính quyền, các hộ dân trên địa bàn huyện Hải Hà đã mạnh dạn cải tạo vườn tạp, bố trí lại vườn cho khoa học, phù hợp với quy hoạch tổng thể và điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Ngoài ra, các hộ còn ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư trồng một số giống mới đảm bảo vừa xây dựng cảnh quan vừa nâng cao hiệu quả kinh tế, hiệu quả sử dụng đất vườn. Nhờ đó, đến thời điểm này, trên địa bàn huyện đã có 208 vườn được công nhận vườn kiểu mẫu.
Vườn rau của gia đình ông Vũ Văn Dũng (thôn 1, xã Quảng Chính, huyện Hải Hà) mỗi năm cung ứng ra thị trường khoảng 120 tấn rau, củ, quả.
Gia đình ông Vũ Văn Dũng ở thôn 1, xã Quảng Chính là một điển hình như vậy. Với 5.000m2 đất nông nghiệp, trước đây, gia đình ông chia thành những diện tích nhỏ để trồng rau các loại. Do canh tác bằng phương thức truyền thống, rau thường bị hao hụt bởi thời tiết nắng, mưa, sâu bệnh gây hại. Ngoài ra, phân bón, đất cũng bị rửa trôi và xói mòn khi có mưa lớn nên chi phí nhiều mà hiệu quả kinh tế không cao. Thực hiện chủ trương của huyện về xây dựng thôn mẫu, vườn mẫu, gia đình ông đã đầu tư 2 nhà lưới trồng rau với tổng diện tích 2.000m2, có hệ thống tưới nước tự động. Tổng chi phí đầu tư là 650 triệu đồng, trong đó nhà nước hỗ trợ hơn 200 triệu đồng.
“Kể từ khi trồng rau trong nhà lưới, chi phí về phân bón, thuốc trừ sâu, nhân công giảm đáng kể. Trong khi đó, năng suất và chất lượng rau được nâng lên gấp đôi so với trước kia. Bình quân mỗi năm, vườn rau của gia đình ông Dũng cung cấp cho Khu công nghiệp Texhong Hải Hà hơn 120 tấn rau, củ, quả các loại, trừ chi phí, thu lời gần 500 triệu đồng”, ông Dũng cho biết.
Nâng tầm NTM
Một trong số những khu vườn mẫu tiêu biểu của thị xã Đông Triều phải kể đến vườn mẫu của hộ ông Nguyễn Hùng Vỹ ở thôn Đồng Ý (xã Việt Dân). Khu vườn có diện tích trên 2.500m2, chủ yếu là trồng cây bưởi Diễn - loại quả thơm ngon, được thị trường rất ưa chuộng, nhất là dịp Tết. Hiện gia đình ông trồng 100 gốc bưởi Diễn.
Trước đây, gia đình ông trồng nhiều loại cây ăn quả, mỗi vụ thu hoạch phải mang ra chợ bán lẻ, thu nhập không cao. Năm 2009, hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, gia đình ông mạnh dạn phá bỏ các loại cây, quy hoạch lại vườn, mua giống bưởi Diễn từ Học viện Nông Nghiệp Việt Nam về trồng. Khi xã triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, gia đình ông được hỗ trợ kinh phí hệ thống tưới nước trong vườn cây, phân bón và khoa học kỹ thuật để làm vườn mẫu.
Ông Vỹ cho biết: “Nhờ hợp khí hậu, thổ nhưỡng ở đây, cây bưởi Diễn phát triển đều, quả to, đẹp. Thương lái đến tận vườn đặt cọc trước khi thu hoạch, bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Mỗi năm, gia đình thu hoạch khoảng 3.000 quả bưởi, giá bán 20.000-25.000 đồng/quả, lãi khoảng 50-70 triệu đồng”.
Những năm qua, việc nhân rộng các mô hình vườn mẫu trên địa bàn thị xã Đông Triều đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, nâng cao giá trị sản xuất trên diện tích canh tác như: Trồng na cho thu nhập 300-320 triệu đồng/ha; trồng cam 350-400 triệu đồng/ha...
Theo ông Nguyễn Trung Dũng, Phó chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới thị xã Đông Triều: Thời gian tới, thị xã tiếp tục rà soát lại những vườn mẫu còn thiếu về diện tích, quy mô, làm căn cứ để quy hoạch lại, đảm bảo đáp ứng đúng tiêu chí, từng bước nâng cao diện tích vườn mẫu trên địa bàn, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, nâng cao chất lượng NTM mới trên địa bàn.
Nhân rộng vườn mẫu
Là một trong 3 xã đầu tiên đạt chuẩn NTM kiểu mẫu của huyện Tiên Yên, Đông Hải đã xây dựng được số lượng vườn mẫu nhiều thứ hai trong huyện, chủ yếu trồng cam, chanh, rau, dược liệu.
Nhiều năm trước, toàn bộ 5.000m2 vườn của hộ ông Phan Đình Vượng (thôn Hội Phố, xã Đông Hải) trồng cây vải, nhãn; sản lượng thấp, thu nhập không cao. Tháng 3/2017, được xã vận động hỗ trợ xây dựng vườn mẫu, gia đình ông đăng ký, trở thành một trong 9 hộ đầu tiên tham gia mô hình này. Ban đầu, ông gặp không ít khó khăn do vườn đồi không bằng phẳng. Được xã hỗ trợ 15 triệu đồng, ông quyết tâm từ bỏ cây trồng cũ để trồng các loại cây cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
Mô hình vườn mẫu trồng cam, bưởi Diễn của hộ ông Phan Đình Vượng (thôn Hội Phố, xã Đông Hải).
“Tôi đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua thêm đất, thuê máy về san gạt đất đồi cho phẳng, rồi đánh luống, trồng 500 hốc cây cam, bưởi Diễn trên diện tích 3.000m2, có hệ thống tưới tự động. 2.000m2 còn lại, tôi chăn nuôi, đào ao thả cá theo mô hình VAC. Năm 2020, vườn cam, bưởi Diễn cho thu hoạch vụ đầu”, ông Vượng chia sẻ.
Ông Đặng Bá Bắc, Phó trưởng ban xây dựng NTM tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Thời gian tới, Ban sẽ tham mưu cho tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức cuộc thi “Thôn mẫu, vườn mẫu tiêu biểu”. Cuộc thi được phát động với ý nghĩa biểu dương, tôn vinh các thôn, hộ gia đình tiêu biểu trong phong trào xây dựng thôn mẫu, vườn mẫu. Đây cũng là dịp để nhân rộng những cách làm sáng tạo, hiệu quả trong xây dựng NTM, xây dựng vùng nông thôn Quảng Ninh trở thành làng quê đáng sống. |
Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, xây dựng vườn mẫu ở địa phương còn nhiều bất cập. Đó là quy mô các vùng sản xuất, các cánh đồng chuyên canh còn nhỏ, liên kết chưa sâu, chưa chặt chẽ; hệ số sử dụng đất nông nghiệp ở các địa phương còn thấp; khả năng mở rộng sản xuất một số sản phẩm chủ lực cấp tỉnh còn khó khăn, do khâu chế biến và thị trường tiêu thụ không ổn định.
Thời gian tới, để tiếp tục nhân rộng các mô hình vườn mẫu, huyện đang chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa, ưu tiên mở rộng vùng nông nghiệp tập trung; đầu tư, hoàn thiện hệ thống kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất. Đồng thời, đưa vào các giống mới, năng suất cao, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng để nhân rộng sản xuất trên toàn huyện. Bên cạnh đó, chính người dân phải chủ động tìm hiểu, thay đổi phương thức sản xuất, xây dựng các mô hình vườn mẫu phù hợp.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.