Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 13 tháng 1 năm 2022 | 22:23

Quyết liệt xử lý hành vi khai thác khoáng sản trái phép

Trước hành vi khai thác khoáng sản trái phép, chiếm đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn…, ngành chức năng quyết liệt thực hiện các biện pháp xử lý, yêu cầu khắc phục hậu quả, hoàn tất thủ tục giao đất, thuê đất theo quy định...

Xử phạt doanh nghiệp lấn chiếm đất rừng sản xuất
 
Cùng với việc xử phạt hành chính, mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế còn yêu cầu Công ty TNHH Xây dựng Đồng Tâm (Công ty Đồng Tâm) thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, gồm thực hiện tiếp thủ tục giao đất, thuê đất theo quy định; buộc nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
 
Cụ thể, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với Công ty Đồng Tâm, trụ sở tại Cụm công nghiệp Thủy Phương, thị xã Hương Thủy.
 
Theo quyết định xử phạt, Công ty Đồng Tâm do ông Võ Văn Tải làm Giám đốc đã có hành vi chiếm đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn từ ngày 7/11/2016 đến nay với diện tích đất chiếm hơn 0,9ha tại mỏ đá Mỏ Diều (xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế).
công-ty-đồng-tâm-vi-phạm-khai-thác-vượt-ra-ngoài-ranh-giới-tại-mỏ-đất-khu-vực-đồi-khe-quan-phường-thủy-phương-thị-xã-hương-thủy.jpg
Công ty Đồng Tâm vi phạm khai thác vượt ra ngoài ranh giới tại mỏ đất khu vực đồi Khe Quan, phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy.
Công ty Đồng Tâm vi phạm khai thác vượt ra ngoài ranh giới tại mỏ đất khu vực đồi Khe Quan, phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy.
Căn cứ điểm đ, khoản 3, Điều 14, Nghị định số 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế ra quyết định xử phạt hành chính Công ty Đồng Tâm số tiền 80 triệu đồng. Đồng thời yêu cầu doanh nghiệp này thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, gồm thực hiện tiếp thủ tục giao đất, thuê đất theo quy định; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm với số tiền hơn 78,2 triệu đồng.
Được biết, Công ty Đồng Tâm từng bị UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế xử phạt 120 triệu đồng vì hành vi khai thác khoáng sản (đất làm vật liệu san lấp) có tổng diện tích vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép 0,4878ha tại mỏ đất khu vực đồi Khe Quan (phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy).
Cùng với đó, doanh nghiệp này còn bị buộc nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp hơn 266,4 triệu đồng, phải trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc gần 51,6 triệu đồng; bị buộc cải tạo, phục hồi môi trường khu vực đã khai thác vượt ra ngoài phạm vi được phép.

Gần nửa ngọn núi bị phá nát

Ông Xà Dương Thắng, Bí thư Huyện ủy Bắc Bình (Bình Thuận) cho biết, Huyện ủy đã nghe báo cáo tình hình khai thác khoáng sản trái phép tại núi Hai thuộc xã Sông Lũy và đã chỉ đạo xử lý.

Hiện trạng, cả một vùng chân đồi rộng lớn bị đào bới nham nhở, có nơi sâu tới chục mét, vách đất dựng đứng. Căn cứ từ dấu vết bánh xích của xe máy múc để lại, khu vực này chỉ mới vừa khai thác. Khu vực khai thác kéo dài khoảng hơn nửa cây số, chiều rộng có nơi lên đến hơn 100 m và nhiều đoạn có hố sâu đến hơn 12 m, diện tích đào bới không dưới 5 ha.

Bên cạnh đó, dấu vết của lán trại và là nơi làm bãi tập kết cơ giới cũng vẫn còn. Đi sâu thêm, chúng tôi còn phát hiện một máy xúc bánh xích lớn giấu trong rừng bạch đàn cách hiện trường khai thác chỉ hơn 100 m.

Đặc biệt, những người khai thác trái phép tài nguyên quốc gia còn thi công cả một con lộ đất lớn từ hiện trường dẫn đến công trường thi công đường cao tốc Bắc - Nam.

Được biết, khối lượng khoáng sản dăm sạn tại chân đồi này đã bị lấy đi không dưới 100 ngàn mét khối. “Khu vực này đã bị đào bới, khai thác trái phép công khai nhiều tháng rồi nhưng chính quyền kiểm tra xong thì đâu lại vào đó. Họ đã múc đất đá từ chân núi để đắp con lộ này nhằm vận chuyển khoáng sản thuận lợi mà chính quyền không hề hay biết là điều quá lạ”, một người dân bức xúc nói.

khu-vực-núi-hai-nơi-khai-thác-trái-phép-khoáng-sản-nhiều-tháng-qua.jpg
Khu vực núi Hai, nơi khai thác trái phép khoáng sản nhiều tháng qua. Ảnh: PN

Được biết, ngày 22/10/2021, Đại tá Phạm Thật, Phó giám đốc Công an Bình Thuận đã ký văn bản gửi Thường trực Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện Bắc Bình đề nghị chỉ đạo xác minh, xử lý hành vi khai thác khoáng sản trái phép ở khu vực này.

Văn bản trên cho biết, chỉ trong 2 ngày 21 và 22/10/2021, các đơn vị nghiệp vụ Công an Bình Thuận đã phát hiện 4 vị trí khai thác khoáng sản trái phép tại núi Mục và núi Hai thuộc xã Sông Bình và Sông Lũy. Công an tỉnh đã mời tổ liên ngành của UBND huyện Bắc Bình đến hiện trường để tiếp nhận, kiểm tra, xử lý. Công an Bình Thuận yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Bắc Bình chỉ đạo làm rõ, xử lý nghiêm theo qui định pháp luật.

Ngoài ra phải tổ chức thanh tra, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân để xảy ra khai thác khoáng sản trái phép kéo dài mà không kiểm tra, xử lý dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Ngày 3/11/2021, Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện Bắc Bình trực tiếp đến hiện trường kiểm tra, sau đó 1 ngày UBND huyện Bắc Bình có văn bản chỉ đạo chỉ đạo các ngành chức năng của huyện và UBND xã liên quan kiểm tra xử lý vi phạm theo đề nghị của Công an tỉnh Bình Thuận.

Tuy nhiên 4 ngày sau (8/11/2021), UBND xã Sông Lũy tiếp tục kiểm tra tại khu vực khai thác trái phép trên thì phát hiện nơi đây vẫn tiếp tục diễn ra hoạt động khai thác khoáng sản. Tại thời điểm kiểm tra, diện tích khai thác đã rộng ra, sâu hơn so với đợt kiểm tra có mặt Bí thư và Chủ tịch huyện.

Biên bản kiểm tra của UBND xã Sông Lũy nêu: “So với thời điểm kiểm tra ngày 3/11/2021 (có Bí thư và Chủ tịch huyện) diện tích được mở rộng ra rất nhiều. Thời gian hoạt động khai thác trái phép tại khu vực diễn ra cả ngày lẫn đêm hoạt động thường xuyên và liên tục... nguồn vật liệu khai thác tại khu vực này chủ yếu bán cho các nhà thầu để phục vụ nền đường cho dự án cao tốc đi qua địa bàn xã Sông Lũy”.

Với địa điểm khai thác khoáng sản trái phép cả trăm ngàn khối nhưng từ trước tới nay, chính quyền địa phương chỉ xử phạt… 800 ngàn đồng.

xe-múc-giấu-trong-rừng-bạch-đàn-cạnh-điểm-khai-thá.jpg
Xe múc giấu trong rừng bạch đàn cạnh điểm khai thác. Ảnh: PN

Cụ thể, ngày 9/11/2021, sau khi bắt quả tang 2 xe ben tại hiện trường, UBND xã Sông Lũy đã ra quyết định xử lý vi phạm hành chính mỗi xe... 400 ngàn đồng về hành vi vận chuyển khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp nhưng lại bỏ qua, không xử lý hành vi khai thác khoáng sản trái phép.

Một cán bộ Sở TN&MT Bình Thuận cho rằng, việc xử lý nêu trên là không đúng. Do đó, đã dẫn đến hoạt động khai thác trái phép tại khu vực này ngày một mở rộng, rầm rộ hơn và quy mô khai thác trái phép rất lớn nên đã có dấu hiệu vi phạm về khai thác tài nguyên rất nghiêm trọng.

Chiều 12/1, ông Mai Văn Vụ, Chủ tịch UBND huyện Bắc Bình cho biết, đang triển khai các lực lượng để bắt quả tang bằng được nhóm khai thác khoáng sản trái phép tại núi Hai. “Do những người khai thác khoáng sản trái phép ở khu vực này thường làm vào ban đêm nên việc bắt quả tang vô cùng khó khăn nhưng huyện quyết tâm sẽ triệt phá điểm khai thác khoáng sản này”, ông Vụ nói.

Hai lần trả hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất

UBND tỉnh Kon Tum cho biết, hiện tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang chủ trì, phối hợp cùng các ngành liên quan đi kiểm tra thông tin báo chí phản ánh về việc huyện Kon Plông làm dự án biệt thự trên đất rừng.

Về vấn đề này, một lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh Kon Tum thông tin, một phần diện tích dự án khu biệt thự phía Bắc trung tâm huyện Kon Plông nằm trên đất rừng tự nhiên. Chính vì vậy, khi UBND huyện Kon Plông có tờ trình xin chuyển mục đích sử dụng đất thì Sở TNMT đã trả hồ sơ.

Cũng theo Sở TNMT, đến 8/2021, Sở NN&PTNT tiếp tục lấy ý kiến của Sở TNMT về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại dự án này. Tuy nhiên, Sở TNMT tiếp tục trả hồ sơ vì vẫn còn vướng vào đất rừng.

Sở TNMT cho rằng, theo luật lâm nghiệp nếu có rừng thì phải chuyển đổi. Do đó, nếu là rừng phòng hộ có diện tích trên 50ha thì thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Còn dưới 50ha thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Riêng rừng sản xuất và rừng tự nhiên toàn bộ thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Trao đổi với báo chí, ông Trương Văn Minh, Giám đốc Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng huyện Kon Plông cho biết, theo quy hoạch năm 2014, khu vực thực hiện dự án là rừng xanh phục hồi.

đường-giao-thông-được-mở-tại-dự-án-khu-biệt-thự-phía-bắc-trung-tâm-huyện-kon-plông.jpg
Đường giao thông được mở tại dự án khu biệt thự phía Bắc trung tâm huyện Kon Plông.

Tuy nhiên, khi địa phương đi cập nhật diện tích rừng năm 2020 đã không chú ý đến bản đồ nên khi chuyển đổi thì vướng phải diện tích đất rừng. Tuy nhiên, trên thực tế hiện trạng bên ngoài khu vực này chỉ còn rải rác cây rừng.

Về vấn đề địa phương chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng vẫn làm đường giao thông thì ông Minh cho rằng, huyện dự tính làm mấy tuyến đường để tạo cảnh quan du lịch, phát triển kinh tế. Bởi làm trước để các tuyến đường này khang trang, thu hút các nhà đầu tư vào đấu giá.

Trước đó, ngày 30/9/2019, HĐND huyện Kon Plông ban hành nghị quyết bổ sung danh mục và phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án khai thác quỹ đất khu biệt thự phía Bắc trung tâm huyện Kon Plông.

Dự án có quy mô 21,3 ha. Trong đó, diện tích đất dự kiến sẽ phân lô, bán đấu giá là 3,99 ha, đất xây dựng cơ sở hạ tầng và đất khác 17,31 ha. Tuy nhiên, qua xác minh, kiểm tra thì dự án có 6,01 ha rừng (trong đó rừng tự nhiên 5,75 ha, rừng trồng 0,26 ha).

Đến tháng 5/2021, UBND huyện Kon Plông có tờ trình gửi UBND tỉnh Kon Tum, Sở TNMT và Sở NN&PTNT xin chuyển mục đích sử dụng hơn 6,3 ha. Trong đó diện tích đất xin chuyển sang đất ở đô thị là 3,9 ha, diện tích đất làm đường giao thông là 2,3ha.

Do có sự khác nhau giữa hiện trạng rừng qua các thời điểm nhưng chưa được làm rõ nên Sở TNMT đã trả lại hồ sơ đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên, khi các thủ tục pháp lí chưa được hoàn thiện thì diện tích lớn đất rừng tại khu vực này đã bị san ủi để làm đường giao thông dự án.

 

 

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
Top