Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 17 tháng 6 năm 2022 | 9:7

"Rót vốn" làm giàu từ nuôi chim trĩ

Vốn là “tay ngang” trong ngành chăn nuôi, nhưng với niềm đam mê chim cảnh, ông Trần Tuấn Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Mai (Xuân Lộc - Đồng Nai) đã mạnh dạn mở công ty và rót vốn đầu tư nuôi hàng ngàn con chim trĩ đỏ khoang cổ trắng để bán thịt...

Công ty của ông Khanh đang được địa phương hỗ trợ thủ tục pháp lý để làm chứng nhận sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) cho 2 sản phẩm là thịt và trứng chim trĩ.

Giá bán cao

Cách đây 5 năm, ông Khanh mua 1 cặp chim trĩ về để làm cảnh chơi. Với niềm đam mê chim cảnh, ông đã tìm hiểu loài chim này và dần thấy được khả năng thu lời nếu nuôi thương phẩm.

Sau thời gian ấp ủ, tìm hiểu, học hỏi cách thức, kinh nghiệm nuôi chim trĩ, giữa năm 2016, ông đã quyết định mở trang trại nuôi chim trĩ trên phần đất của gia đình. Gia đình ông lên trang trại ở Tây Ninh tham quan, học hỏi và mua 40 con chim trĩ về làm giống (gồm 35 mái và 5 trống). Với tốc độ đẻ mỗi ngày mỗi trứng liên tiếp trong 4 tháng, sau đó nghỉ 2 tháng rồi đẻ tiếp, đàn chim giống này nhanh chóng cho ra đời hàng ngàn quả trứng. Số trứng này lại được cho ấp để nhân đàn.

Quy trình từ lúc ấp trứng đến khi trưởng thành cũng đơn giản. Trứng sau khi cho vào lò ấp 25 ngày thì nở, lúc này chim còn yếu nên phải ấp trong chuồng nhỏ với nhiệt độ ấm. Khoảng 1 tháng sau, khi cơ thể đã cứng cáp thì cho ra chuồng trưởng thành. Chuồng trưởng thành là chuồng rộng, cao, được giăng nhiều thanh ngang để chim bay nhảy.

 

123.jpg
Chim trĩ có màu sắc đẹp, giá bán cao.
 

Tiếp tục vừa nuôi, nhân rộng mô hình và bán thương phẩm, trang trại đã có số lượng thường xuyên lên tới 7 ngàn con, trong đó 200 chim giống. Năm 2021, ông mở thêm trang trại tại xã Xuân Phú thì gặp dịch Covid-19. Trang trại vẫn đang trong quá trình nhân giống, hoàn thiện với 4 ngàn con chim trĩ bố mẹ, chim thịt và gần 1 ngàn con chim giống.

Theo ông Khanh, với giá bán 14 ngàn đồng/trứng chim trĩ, 230 ngàn đồng/kg thịt chim trĩ bán trong siêu thị, gần 1 triệu đồng/cặp chim giống, thì mô hình này đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình ông. “Chim trĩ là loại thực phẩm cao cấp so với gia cầm thông thường như vịt, gà… Trước đây, giá bán thịt rất cao, hiện nay dù giá đã hạ nhưng vẫn ở mức hấp dẫn. Chúng tôi bán cho siêu thị với giá 230 ngàn đồng/kg thịt hút chân không, trứng cũng đang làm thủ tục để vào siêu thị. Giá trứng bán ở ngoài là 14 ngàn đồng thì vào siêu thị là 11 ngàn để người tiêu dùng được tiếp cận. Nếu biết đầu tư, đây là mô hình hấp dẫn đối với người nông dân cũng như nhà đầu tư”, ông Khanh chia sẻ.

Hướng tới sản phẩm OCOP

Theo ông Khanh, chim trĩ dễ nuôi, ít bệnh, ăn thức ăn như nuôi gà nhưng khâu quan trọng nhất là phải đảm bảo an toàn chuồng trại. Phía trên được lợp mái tôn tránh chim bay ra ngoài, có treo cành cây ngang cho chim đậu; phía dưới trải đệm lót sinh học để chuồng trại luôn sạch sẽ và hạn chế dịch bệnh, không gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, người nuôi phải tuân thủ nghiêm ngặt lịch tiêm phòng các loại vắc-xin trong quá trình nuôi.

Với việc nuôi và cho ăn đảm bảo, đúng quy định nên sản phẩm thịt chim trĩ của ông đã được bán trong các siêu thị ở TP.HCM và trong tỉnh, trứng chim cũng đang hoàn thiện thủ tục để vào siêu thị. Đặc biệt, cả 2 sản phẩm này đang được địa phương hỗ trợ làm chứng nhận sản phẩm OCOP của huyện Xuân Lộc trong năm nay.

Phó chủ tịch UBND xã Xuân Phú Hoàng Mỹ Đức cho biết, địa phương xác định đây là mô hình mới, giá trị cao. Phòng Nông nghiệp huyện và xã rất quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, xây dựng trang trại. Địa phương đang phối hợp cùng công ty làm chứng nhận OCOP cho 2 sản phẩm thịt và trứng chim trĩ nhằm mở rộng bán hàng vào hệ thống siêu thị ở TP.HCM và các khu vực khác.

“Chúng tôi đang tiếp tục tăng đàn với số lượng dự kiến lên hàng chục ngàn con, sau đó sẽ làm việc với người nông dân ở địa phương để nhân rộng mô hình bởi hiện nay nhu cầu tiêu thụ hàng của công ty khá lớn. Chúng tôi sẽ cung cấp các điều kiện cần thiết và bao tiêu sản phẩm để đảm bảo lợi nhuận của người dân cao hơn so với chăn nuôi các loại gia cầm khác”, ông Khanh cho biết thêm.

 

 

 

Phan Anh
Ý kiến bạn đọc
  • Cây trồng “khát” nước, người dân như ngồi trên đống lửa

    Cây trồng “khát” nước, người dân như ngồi trên đống lửa

    Mới đầu hè, các huyện miền núi tỉnh Phú Yên như Sông Hinh, Sơn Hoà, Đồng Xuân đã đối mặt với “cơn khát”, khi nhiều ao hồ khô cạn, cây trồng thiếu nước...

  • Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa

    Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa

    Tỉnh Đồng Nai vừa ban hành Kế hoạch số 145 về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa trên địa bàn năm 2024, nhằm thực hiện việc chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả, không đảm bảo nước tưới, năng suất thấp sang trồng các loại cây hàng năm, lâu năm và nuôi trồng thuỷ sản để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho các hộ sản xuất.

  • Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã và đang nỗ lực triển khai các mô hình hỗ trợ sinh kế, bước đầu đạt kết quả khả quan, tạo động lực cho người dân trong hành trình thoát nghèo.

Top