Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, lượng mưa ở khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ và Bình Thuận từ tháng 10/2015 đến 4/2016 có khả năng ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 20-40%. Mùa mưa ở các khu vực này cũng có khả năng kết thúc sớm.
Các tỉnh ĐBSCL đang xuống giống đợt 1 vụ đông xuân 2015-2016
Thời tiết ngày càng khắc nghiệt
Đỉnh lũ năm 2015 trên sông Tiền tại Tân Châu và sông Hậu tại Châu Đốc ở mức thấp hơn nhiều so với TBNN và là đỉnh lũ năm thấp nhất trong những năm qua. Trong mùa khô 2015-2016, tổng lượng dòng chảy sông Mê Kông về khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khả năng thiếu hụt so với TBNN từ 20-40% nên trong các tháng đầu mùa mùa khô 2015-2016, mực nước các trạm chính sông Cửu Long ở mức thấp và chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều.
Theo dự báo, khả năng xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam Bộ sẽ cao hơn, sớm hơn cùng kỳ mùa khô năm 2014-2015, do đó Cục Trồng trọt đã chỉ đạo các địa phương ở Nam Bộ cần sớm có các biện pháp chủ động phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn.
Đại diện Cục Trồng trọt cho biết, ảnh hưởng của xâm nhập mặn đến diện tích lúa đông xuân các tỉnh ven biển: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang khoảng 620.000/1.500.000ha, chiếm 40% diện tích toàn vùng.
Diện tích có nguy cơ xâm nhập mặn cao nhất khoảng 100.000/650.000ha, chiếm 16% diện tích canh tác lúa của các tỉnh trên, địa bàn ảnh hưởng mặn gồm: Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công, Chợ Gạo, Tân Phú Đông (Tiền Giang); Cầu Ngang, Trà Cú, Tiểu Cần, Châu Thành (Trà Vinh); Mỹ Xuyên, Long Phú (Sóc Trăng); Hồng Dân, Phước Long, Giá Rai (Bạc Liêu); An Minh, An Biên, Hòn Đất (Kiên Giang) và Long Mỹ, Vị Thủy, Ngã Bảy, Vị Thanh (Hậu Giang).
Nước mặn xâm nhập vào nội đồng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến canh tác lúa ở các tỉnh ven biển ĐBSCL như: Ảnh hưởng đến quá trình trổ, chín của lúa đông xuân vì không thể sử dụng nước mặn để cung cấp cho lúa vào cuối vụ có thể gây thất thu hoàn toàn; gián tiếp làm rối loạn quá trình sinh trưởng và phát triển của lúa, suy giảm năng suất lúa; ảnh hưởng đến canh tác lúa trong hệ thống lúa - tôm; về lâu dài làm cho đất trồng lúa bị nhiễm mặn khó cải tạo.
Lúa đông xuân sớm đang phát triển tốt tại ĐBSCL
Sử dụng giống và phân bón phù hợp
Từ tình hình thời tiết đã được dự báo, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các địa phương tuân thủ lịch thời vụ theo khuyến cáo và chú ý đến bố trí thời vụ, tiếp tục thực hiện việc xuống giống đồng loạt, tập trung theo từng vùng, từng cánh đồng. Từng địa phương có kế hoạch xuống giống trong khung thời vụ chung của Cục Trồng trọt, trong đó lưu ý thông báo rầy di trú tại chỗ của cơ quan bảo vệ thực vật.
Các địa phương có nguy cơ ngập mặn cao được đề xuất áp dụng giống lúa cực ngắn ngày, chịu phèn mặn trung bình - khá cho vụ đông xuân 2015-2016, trong đó giống chủ lực gồm: IR50404, VD20, OM6976, OM4218, OM4900, OM5451...; giống bổ sung: Jasmine 85, Nàng Hoa 9, OM7347, nếp IR4625, nếp Bè...
Vùng ven biển Nam Bộ, ưu tiên áp dụng giống ngắn ngày, chịu điều kiện khó khăn với giống chủ lực gồm: OM4900, OM6976, OM5451, OM6162, IR50404...; giống bổ sung ST5, OC10, OM576, OM1325 và OM1328 (nhóm B), lúa lai B-TE1,...
Vùng bán đảo Cà Mau: ưu tiên sử dụng các giống lúa ngắn ngày, chịu phèn mặn và điều kiện khó khăn với giống chủ lực: OM2517, IR50404, OM6162, OM5451, OM576, OM4900...; giống bổ sung: OM6976, ST5, OM7347, OM5954, OM2395, OM6162, Một bụi đỏ, B-TE1...
Cục Trồng trọt cũng chỉ đạo các địa phương tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết, nguồn nước, xâm nhập mặn trong và ngoài hệ thống cống, vận hành ngăn mặn, trữ ngọt, đảm bảo phân phối nước công bằng, hợp lý, hiệu quả. Chuẩn bị sẵn sàng máy bơm, vật tư xăng dầu dự phòng, sẵn sàng bơm tưới khi xảy ra hạn hán. Nạo vét một số trục kênh chính, củng cố bờ bao ngăn mặn, trữ ngọt, sửa chữa các cống, bọng, điều tiết nước... để tăng khả năng trữ nước ngọt và giữ kín nước, giảm tổn thất rò rỉ, trữ nước trên hệ thống kênh rạch nội đồng.
Theo dõi chặt chẽ sản xuất lúa ở các tiểu vùng sinh thái, vùng nguyên liệu và có giải pháp ứng phó với các điều kiện khó khăn, diễn biến bất thường của thời tiết, khí tượng thủy văn ổn định sản xuất lúa.
Lưu ý quản lý nước trong ruộng lúa theo từng giai đoạn sinh trưởng và chủ động tưới theo sổ tay hướng dẫn quy trình tưới lúa tiết kiệm nước, giảm phát thải khí nhà kính của Tổng cục Thủy lợi. Biện pháp này hiệu quả và khả thi trong sản xuất lúa hiện nay. Tùy theo điều kiện đất đai, điều kiện nước tưới, tình hình thị trường và tập quán canh tác để bố trí cây trồng hợp lý.
Quán triệt đến từng địa phương về khả năng đảm bảo của nguồn nước, không sản xuất diện tích vượt quá năng lực phục vụ của công trình thủy lợi, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng tại những nơi có khả năng thiếu nước.
Các vùng bị xâm nhập mặn nên dùng các loại phân bón có chứa Silic (SiO2) để làm giảm nồng độ các yếu tố độc hại như sắt, mangan và nhôm trong đất để rễ cây trồng như lúa, mía và lúa mạch kháng với điều kiện sốc muối, hoặc phân bón lá, tránh dùng quá nhiều đạm, NPK sẽ dẫn đến ngộ độc hữu cơ.
Vì SiO2 giúp điều chỉnh các chất dinh dưỡng bằng cách kích thích cho cây tạo a xít béo không no ở tỷ lệ phù hợp giúp giảm sự vận chuyển muối trong cây, giữ cho ion ở mức cân bằng với mức bình thường và làm cho tế bào cây trồng giữ ở mức ổn định. Cây trồng khi hấp thụ SiO2 sẽ giúp cho quá trình vận chuyển nước vào cây hiệu quả hơn, các dinh dưỡng trung và vi lượng cao hơn cây trồng không bón SiO2 trong điều kiện nhiễm mặn.
Ở vùng đất nhiễm mặn, cây lúa khi bón SiO2 sẽ có tỷ lệ phát triển tốt hơn, vì khi sử dụng SiO2 thì lượng muối trong cây ít hơn, khả năng quang hợp cao hơn so với cây không bón SiO2.
Trên thị trường có các dòng sản phẩm phân bón khoáng kết hợp SiO2 sử dụng cho các loại cây trồng trên các vùng đất khác nhau, đặc biệt là vùng đất bị nhiễm mặn như: ZOOREA 30-1-17, Super Silic và SITTO PHAT của Công ty Sitto Việt Nam và một số công ty khác, giúp cây trồng phát triển tốt, đạt sản lượng cao hơn cây trồng ở khu vực đất mặn nhưng không dùng SiO2. Vì thế nông dân ở vùng đất nhiễm mặn nên bổ sung thêm SiO2 bên cạnh việc dùng phân thông thường sẽ giúp tăng năng suất và sản lượng cây trồng.
Quang Minh
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.