Ngày 6/5, Hội Làm vườn Việt Nam phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tổ chức Hội thảo sử dụng phân bón hiệu quả cho nghề làm vườn ở Việt Nam theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Hội thảo nhằm thực hiện Chỉ thị số 653 ngày 25/1/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả trong bối cảnh giá phân bón tăng cao nhất trong 50 năm qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và chiến sự ở Ukraine.
Tại hội nghị, nhiều chuyên gia cho rằng, phân bón đóng vai trò quan trọng trong tăng 40-60% sản lượng lương thực, thực phẩm toàn cầu. Do vậy, nhiều nước vì thiếu đất sản xuất và áp lực tăng dân số đã phải chuyển từ nền sản xuất nông nghiệp chủ yếu “dựa vào đất và phân bón hữu cơ” sang nền sản xuất “dựa vào phân bón vô cơ”.
Hiện nay, hàng năm Việt Nam sử dụng 7,5-8 triệu tấn vô cơ, 2,5-2,6 triệu tấn phân hữu cơ chế biến công nghiệp, chưa kể hàng chục triệu tấn phân hữu cơ do nông dân tự sản xuất chưa thể thống kê chính thức.
Tuy nhiên, hai năm gần đây, do giá phân bón tăng phi mã, làm cho giá thành sản xuất nhiều nông sản tăng cao, dẫn đến năng lực cạnh tranh thấp. Chỉ số cạnh tranh quốc gia năm 2021 của Việt Nam chỉ xếp thứ 67 trên 140 quốc gia được xếp hạng.
Nghiêm trọng hơn, việc lạm dụng phân bón hóa học và thuốc BVTV không những làm cho nông dân tăng chi phí mà còn hệ lụy đến sức khỏe của người tiêu dùng, làm ô nhiễm môi trường, không đảm bảo sự phát triển bền vững cho nền nông nghiệp.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Quý Dương cho biết, trước tình hình giá vật tư nông nghiệp, trong đó có giá phân bón tăng cao, việc sử dụng phân bón vô cơ tại nhiều vùng cao hơn mặt bằng cả nước và một số nước trong khu vực cũng như nhu cầu sử dụng phân bón hữu cơ ngày càng tăng, Cục đã tổ chức nhiều hội nghị và tham mưu Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành các văn bản, chỉ thị về sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả, trong đó có Chỉ thị số 653.
“Trái cây là mặt hàng tăng nhanh nhất về kim ngạch xuất khẩu. Trong 5 năm gần đây, giá trị gia tăng của xuất khẩu trái cây tăng hơn 30%, riêng năm 2021, xuất khẩu trái cây đạt trên 4 tỷ USD. Với tiềm năng xuất khẩu như vậy, việc sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả, cân bằng giữa phân bón vô cơ và hữu cơ trong tình hình hiện nay là vô cùng quan trọng”, ông Dương nói.
Đưa ra giải pháp cho tình trạng lạm dụng phân bón vô cơ, sử dụng phân bón lãng phí, làm tăng chi phí sản xuất, giảm thu nhập của nông dân và làm giảm sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường, đại diện Cục BVTV nhấn mạnh, cần phải đánh giá đúng thực trạng và đưa ra được các giải pháp khả thi nhằm sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả, giảm chi phí đầu vào, tích hợp đa giá trị trong nông sản hướng tới nền nông nghiệp bền vững, trách nhiệm và giá trị gia tăng cao thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh kéo dài.
Cụ thể, đối với địa phương phải tăng cường công tác tổ chức tập huấn, truyền thông, hướng dẫn người dân sử dụng phân bón cân đối và hiệu quả, tăng cường sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ, thay thế phân bón vô cơ bằng phân bón hữu cơ theo tỷ lệ phù hợp với điều kiện sản xuất trồng trọt của địa phương, tăng cường tập huấn, hướng dẫn nông dân áp dụng và nhân rộng tiến bộ kỹ thuật, giải pháp, mô hình sử dụng phân bón hiệu quả, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.
Đối với Hội Làm vườn, cần phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, các địa phương trong công tác tuyên truyền, tập huấn hướng dẫn nông dân nói chung, người làm vườn nói riêng sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của của người dân và Hội viên về công tác quản lý và sử dụng có trách nhiệm vật tư đầu vào trong sản xuất trồng trọt.
TS. Phạm Đồng Quảng, Tổng thư ký - Chánh văn phòng Hội Làm vườn Việt Nam chia sẻ, việc sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ tại chỗ là một giải pháp để phát triển nghề làm vườn bền vững.
Theo TS. Quảng, chất mùn trong phân hữu cơ có vai trò rất quan trọng cải thiện các tính chất vật lý, sinh học và hóa học của đất, tăng khả năng giữ nước của đất, làm tăng độ phì nhiêu của đất. Bón phân hữu cơ làm tăng sự đa dạng về chủng loại và số lượng quần thể vi sinh vật có ích trong đất; tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của vi sinh vật đất.
Bên cạnh đó, nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ được làm từ, phế phụ phẩm sản xuất nông nghiệp như, thân, lá, rơm rạ, trấu; vỏ hoa quả, hạt cà phê, mùn cưa, sọ dừa, xơ dừa; tro, than; bã bia, đậu, sắn; cám gạo, ngô.
Đặc biệt, xét về khía cạnh kinh tế, phân hữu cơ cung cấp nguồn dinh dưỡng tổng hợp cho cây trồng (dinh dưỡng đa lượng (N, P, K), trung lượng, vi lượng, đặc biệt cung cấp axit humic, vitamin, auxin, axitamin, chất kháng sinh...); dinh dưỡng được phân giải từ từ sang dạng dễ tiêu, nên cây sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất cao, chất lượng tốt; vườn cây bền, ổn định.
Vườn cây được bón phân hữu cơ cho sản phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm, mẫu mã đep, nên giá bán cao hơn, thu hút người tiêu dùng, cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Bón phân hữu cơ sẽ giảm thậm trí không cần sử dụng phân hóa học, hiện giá bán đang tăng cao, giảm chi phí cho nhà vườn; dùng phân bón sản xuất tại chỗ còn bớt chi phí vận chuyển…
PGS. TS. Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam hy vọng, thông qua hội thảo, cán bộ, hội viên và nông dân sẽ có thêm kiến thức, kỹ năng làm vườn, lựa chọn được các loại phân bón phù hợp, bón phân cân đối, hợp lý trong sản xuất, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.